Dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi cấm kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia và xuất khẩu di vật và cổ vật nhằm tránh mất mát di sản văn hóa ra nước ngoài, theo Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng.
Chiều 18/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình Quốc hội tờ trình Dự án Luật Di sản văn hóa sửa đổi với 9 chương, 102 điều. Dự thảo luật sửa đổi tăng 2 chương, 29 điều so với hiện hành.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Luật Di sản văn hóa sửa đổi tập trung vào 3 nhóm chính sách.
Trong đó, dự thảo luật quy định rõ quyền sở hữu, quyền khác đối với di sản văn hóa nhằm tạo cơ sở để xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu, chủ thể di sản trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (Ảnh: Hồng Phong).
Dự thảo luật cũng quy định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước để gia tăng giá trị của di sản.
Dự luật chỉ cấm kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng.
Lần này, luật sửa đổi cũng quy định cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật nhằm tránh mất mát di sản văn hóa ra nước ngoài.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Văn hóa Giáo dục đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ, đặc biệt làm rõ nội hàm "chuyển nhượng", "mua bán", "kinh doanh" để tránh có nhiều cách hiểu khác nhau; đồng thời quy định cụ thể về "chế độ đặc biệt" trong việc bảo vệ và bảo quản bảo vật quốc gia.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, có ý kiến cho rằng quy định không được kinh doanh đối với bảo vật quốc gia là giới hạn quyền sở hữu tài sản của công dân theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Ngoài ra, quy định đó cũng chưa bảo đảm tính thống nhất trong nội dung dự thảo luật, vì điểm c khoản 1 Điều 41 giới hạn quyền sở hữu đối với tài sản nhưng khoản 3 Điều 42 lại quy định việc chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.
"Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Dân sự", ông Vinh nhấn mạnh.
Các đại biểu dự phiên họp Quốc hội ngày 18/6 (Ảnh: Hồng Phong).
So với luật hiện hành, dự thảo luật chuyển từ quy định "Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu Nhà nước" thành "Nhà nước đại diện chủ sở hữu di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân".
Nhưng theo cơ quan thẩm tra, tờ trình của Chính phủ chưa đề cập lý do sửa đổi các hình thức sở hữu di sản văn hóa; chưa xác định thẩm quyền, tiêu chí công nhận loại hình sở hữu.
Vì vậy, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình nội dung này, quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có).
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu quy định để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo dantri.com.vn