Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV: Đại biểu thảo luận ở hội trường về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Thứ 5, 27.06.2024 | 00:00:00
371 lượt xem

Ngày 26/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

445.jpg (2500×1648)

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội ban hành năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009, sau hơn 20 năm thực hiện, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn và những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa. Để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho phát triển mới của hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ngày 18/6, các đại biểu đã thảo luận ở Tổ về dự án Luật. Đây là nội dung được nhiều cử tri quan tâm và được các đại biểu Quốc hội phát biểu với 96 lượt ý kiến về dự án Luật này.

Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, ngày 18/6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, với 72 lượt ý kiến phát biểu, 5 đại biểu gửi góp ý bằng văn bản.

8610.jpg (1634×1062)

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định có liên quan đến việc quản lý, phát triển, bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình công viên địa chất, gắn phát triển du lịch bền vững. Theo đại biểu, hiện nay, loại hình này đã và đang trong quá trình phát triển theo xu hướng chung của các nước trên thế giới. Trong đó đều có liên quan đến việc kết hợp phát huy giá trị của di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh và di sản địa chất. Bên cạnh đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 6/6 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng nêu rõ việc phải phát huy giá trị công viên địa chất thông qua xem xét các hình thức để phát triển du lịch khám phá và nghiên cứu, coi đây như một sản phẩm du lịch đặc biệt. Hơn nữa, đề xuất những cơ chế để huy động sự tham gia của người dân, đào tạo cho người dân và xây dựng, hình thành các sản phẩm du lịch mang tính chất độc đáo cho nhiều đối tượng tham gia.

Đến nay, cơ chế, chính sách cũng như khuôn khổ pháp lý vẫn đang thiếu. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung một cách phù hợp đối với vấn đề này, góp phần phát triển du lịch khám phá và nghiên cứu, thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới công viên địa chất Việt Nam, tạo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các cộng đồng địa phương. Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc đồng bộ quy định giữa dự thảo Luật Di sản văn hoá và dự thảo Luật Địa chất, khoáng sản đối với trường hợp công viên địa chất là sự kết hợp hài hoà, tích hợp giữa hai yếu tố di sản địa chất và di sản văn hoá.

Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, các đại biểu thảo luận tập trung vào một số nội dung như: cần quy định cụ thể chính sách ưu đãi hỗ trợ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; có cơ chế quản lý hiệu quả hơn trong việc mua và bán thuốc; bổ sung một số nội dung đối với quy định về quyền, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài và điều kiện lưu hành oxy y tế; không đưa thuốc kê đơn vào danh mục phân phối qua thương mại điện tử; tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận thuốc nhập khẩu chất lượng cao; cần đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc; cân nhắc quy định hậu kiểm đối với hoạt động quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng; bổ sung quy định về việc ban hành danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả; xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp dược; nghiên cứu, lựa chọn những loại cây dược liệu làm cây chủ lực quốc gia…

8612.jpg (1937×1667)

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường

Phát biểu ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ quan tâm tới chính sách của nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược, tại Chương II của dự thảo luật. Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu sớm ban hành và quan tâm đến các vấn đề về quy chế quản lý giống; hướng dẫn kỹ thuật; mức hỗ trợ đối với các chương trình, dự án trồng cây dược liệu sử dụng kinh phí nhà nước; việc phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; định hướng phát triển các nhà máy chế biến, tạo vùng nguyên liệu để các địa phương có kế hoạch triển khai phù hợp.

Bên cạnh đó, hiện nay việc phát triển cây dược liệu vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, đầu ra không ổn định, chưa có nhiều vùng phát triển theo chuỗi giá trị, nhiều loại dược liệu được trồng theo quy hoạch nhưng khi thu hoạch lại không có thị trường đầu ra. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét có quy định về chính sách ưu đãi cụ thể hơn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện sản xuất theo liên kết chuỗi gắn với các vùng nguyên liệu dược.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xv-dai-bieu-thao-luan-o-hoi-truong-ve-luat-di-san-van-hoa-sua-doi-va-luat-5012924.html

  • Từ khóa