Thông điệp về khát vọng vươn mình của dân tộc Việt Nam

Thứ 4, 15.01.2025 | 09:22:03
289 lượt xem

Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Ba Lan Donald Tusk, Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc, tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 WEF tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ từ ngày 15 đến 23/1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: TTXVN)

Các chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và hai nước long trọng kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2025). Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Ba Lan sau 15 năm, đến Séc sau 6 năm, mở ra cơ hội nâng tầm quan hệ với hai nước, qua đó đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông Âu.

Từ khi sợi dây kết nối Việt Nam-Ba Lan chính thức được dệt nên vào năm 1950, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước phát triển tốt đẹp. Ba Lan là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Ba Lan ở Đông Nam Á.

Kim ngạch thương mại song phương giai đoạn 2021-2023 đều đạt hơn 2,5 tỷ USD/năm; trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt 2,86 tỷ USD, tăng 21,8% so với mức cùng kỳ năm 2023.

Ba Lan cũng là một trong những nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát. Hợp tác song phương trong các lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, giáo dục, đào tạo, nông nghiệp, văn hóa, lao động phát triển tốt đẹp.

Cùng với Ba Lan, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Séc ghi nhận những bước phát triển tốt đẹp. Cách đây 75 năm, các nhà lãnh đạo hai nước đã đặt những viên gạch đầu tiên xây đắp nên nhịp cầu hợp tác hữu nghị song phương.

Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, tạo tiền đề vững chắc cho hợp tác song phương trong các lĩnh vực phát triển tích cực. Séc là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông Âu, trong khi Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của Séc trong ASEAN.

Kim ngạch thương mại song phương 10 tháng đầu năm 2024 ghi nhận sự bứt phá ngoạn mục, đạt 1,57 tỷ USD, tăng 90% so với mức cùng kỳ năm 2023. Cộng đồng người Việt Nam ở Séc có khoảng 100.000 người, là cầu nối vững chắc, giúp tăng cường hơn nữa sự hiểu biết và gắn bó giữa hai dân tộc.

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong chuyến công tác lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính là tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 WEF tại Davos. WEF Davos 2025 diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, an ninh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Với chủ đề "Hợp tác vì kỷ nguyên thông minh", hội nghị dự kiến quy tụ sự tham dự của khoảng 2.700 đại biểu, trong đó có khoảng 60 người đứng đầu các chính phủ, nhà nước, tổ chức quốc tế và đại diện hoàng gia các nước, cùng lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn…

Thời gian qua, hợp tác giữa Việt Nam và WEF ngày càng phát triển mạnh mẽ và thực chất, nổi bật là việc lãnh đạo cấp cao Việt Nam thường xuyên tham dự các hội nghị thường niên của WEF. Việc Thủ tướng Chính phủ tham dự WEF Davos 2025 khẳng định vai trò, vị thế, uy tín quốc tế ngày càng tăng, cũng như đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, trong đó có WEF.

Chuyến tham dự WEF Davos 2025 là minh chứng cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, phát triển và giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng làm việc song phương tại Thụy Sĩ, một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Bước qua hơn nửa thế kỷ đồng hành, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sĩ không ngừng phát triển, gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp. Hai bên duy trì thường xuyên tiếp xúc cấp cao.

Thụy Sĩ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại châu Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều 10 tháng đầu năm 2024 đạt 657 triệu USD. Trên cơ sở những thành tựu hợp tác mà Việt Nam và Thụy Sĩ cùng nhau gặt hái trong hơn 50 năm qua, chuyến làm việc song phương tại Thụy Sĩ của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dịp để hai bên tiếp tục hướng tới tương lai và tìm ra con đường tốt nhất để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương.

Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc, tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 WEF tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố tin cậy chính trị, đưa quan hệ với các nước Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, phù hợp với tình hình mới; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam.

Chúc chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ thành công tốt đẹp, góp phần chuyển tải thông điệp về quyết tâm, khát vọng của Việt Nam bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/thong-diep-ve-khat-vong-vuon-minh-cua-dan-toc-viet-nam-post856059.html

  • Từ khóa