Linh hoạt, sáng tạo, đưa Lạng Sơn bứt phá toàn diện

Thứ 7, 25.01.2025 | 14:53:59
229 lượt xem

Năm 2024, vượt qua khó khăn, thách thức, Lạng Sơn đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Những bứt phá trong năm qua tạo tiền đề quan trọng để Lạng Sơn vững bước vào năm 2025 – năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

 Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, kiểm tra thiết kế các công trình trong Khu trung chuyển hàng hóa  ảnh: TRÍ DŨNG

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, kiểm tra thiết kế các công trình trong Khu trung chuyển hàng hóa Ảnh: TRÍ DŨNG

Năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tỉnh Lạng Sơn triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, với những thời cơ, thuận lợi, cùng các khó khăn và thách thức đan xen.

Trong bối cảnh đó, với quyết tâm chính trị cao, UBND tỉnh đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động, linh hoạt trong điều hành, đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ năm 2024; tiếp tục xác định chủ đề, phương châm hành động của năm là: “Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá”. UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch, phê duyệt nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành; đề ra các nhóm giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

UBND tỉnh đã trình Tỉnh ủy ban hành 21 nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, quyết định để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ; trình HĐND tỉnh ban hành 117 nghị quyết tại 10 kỳ họp, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; đề xuất tổ chức các kỳ họp chuyên đề để kịp thời giải quyết các nhiệm vụ phát sinh, cấp bách. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của HĐND tỉnh và giải quyết các ý kiến, kiến nghị cử tri; các kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra và kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa UBND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các cơ quan tư pháp, các ban đảng Tỉnh ủy; giữ mối liên hệ thường xuyên với các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương…

UBND tỉnh đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản, công điện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xóa nhà tạm, nhà dột nát...; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh được phê duyệt tại Quyết định số 865/QĐ-TTg ngày 17/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó là duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của các Ban chỉ đạo, Tổ công tác của tỉnh, thành lập các đoàn kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự án đầu tư, kỷ luật, kỷ cương, cải cách hành chính tại các huyện, thành phố; làm việc với các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ quan, tổ chức để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Định kỳ hằng quý, UBND tỉnh tổ chức hội nghị, cuộc họp kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến đến cơ sở để chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ, tình hình thực hiện nhiệm vụ đã giao. Chỉ đạo tổ chức trang trọng, hiệu quả các hội nghị, lễ phát động, công bố các nội dung quan trọng tạo sức lan tỏa trong xã hội như: Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư năm 2024; Lễ khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng; Lễ khởi công Khu Công nghiệp VSIP Lạng Sơn...

Trong năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo sản xuất nông, lâm nghiệp theo kế hoạch; chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tổ chức kiểm tra thực tế, chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 và khẩn trương khắc phục hậu quả thiệt hại sau bão. Triển khai lập, hoàn thiện các quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu; các giải pháp nâng cao năng lực thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, kế hoạch tài chính 3 năm 2025 - 2027; rà soát tổng thể các dự án đầu tư ngoài ngân sách. Thực hiện tốt các chính sách phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân; chỉ đạo tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI; hoàn thiện thủ tục công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Chỉ đạo triển khai diễn tập khu vực phòng thủ huyện, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn; triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính… Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh uỷ, giám sát của HĐND tỉnh; sự tham gia, phối hợp tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; sự đoàn kết, thống nhất của các cấp, các ngành, đồng thuận của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Lạng Sơn đạt nhiều kết quả tích cực, dự kiến đạt và vượt 15/18 chỉ tiêu theo kế hoạch.

Cụ thể, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển đồng bộ và toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6,01%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 61,1 triệu đồng, tăng 1,3 triệu đồng so với năm 2023. Tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phát huy hiệu quả các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Trong năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh cơ bản đạt kế hoạch. Các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả. Dự ước năm 2024, toàn tỉnh có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 110% kế hoạch, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong phát triển kinh tế cửa khẩu, UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, hoàn thiện các quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu; hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu; đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong khu kinh tế cửa khẩu. Đáng chú ý, trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), hiện nay, UBND tỉnh Lạng Sơn đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án.

Hoạt động xuất, nhập khẩu duy trì ổn định tại 5 cửa khẩu và 2 đường chuyên dụng, lối thông quan. Tính đến ngày 26/12/2024, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của tất cả các loại hình qua địa bàn tỉnh đạt 66,9 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2023; riêng kim ngạch hàng hóa mở tờ khai tại Cục Hải quan Lạng Sơn đạt 5,3 tỷ USD. Dự ước tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mở tờ khai tại Hải quan Lạng Sơn năm 2024 đạt 5,66 tỷ USD, đạt 111% kế hoạch, tăng 18,4% so với năm trước. Xuất khẩu hàng địa phương 169 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 8,3%

Tỉnh đã thành lập mới 3 cụm công nghiệp, lũy kế toàn tỉnh có 10 cụm công nghiệp, trong đó có 4 cụm đã khởi công đầu tư xây dựng. Tỉnh đã phối hợp với Tổng công ty Điện lực TKV thuộc Tập đoàn công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức khởi công Nhà máy Nhiệt điện Na Dương II; đưa Nhà máy thuỷ điện Bản Nhùng phát điện thương mại; lũy kế toàn tỉnh hiện có 7 nhà máy thủy điện với tổng công suất 54,9 MW.

Hoạt động thương mại trên địa bàn phát triển đúng định hướng, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cơ bản ổn định. Lạng Sơn đã tổ chức thành công Hội chợ Thương mại, Du lịch quốc tế Việt - Trung năm 2024 thu hút đông đảo các doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước tham gia. Hoạt động vận tải, kho bãi hàng hóa, hành khách đáp ứng nhu cầu của Nhân dân; các tổ chức tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu của người dân. Chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục được nâng cao. Du lịch tiếp tục phục hồi, tổng lượng khách du lịch đến Lạng Sơn trong năm 2024 ước đạt 4,21 triệu lượt, tăng 7,6% so với 2023; doanh thu 4.350 tỷ đồng, tăng 38,8%.

Trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và giải ngân vốn đầu tư công, Lạng Sơn đã khởi công nhiều dự án quan trọng như: Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT; cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư PPP; Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn; các cụm công nghiệp: Hồ Sơn 1, Hòa Sơn 1, Bắc Sơn 2. Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công Trung ương giao Lạng Sơn là 4.021,305 tỷ đồng. Ước khối lượng thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước trong năm qua là 4.221,5 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch Trung ương giao, đạt 93,2% kế hoạch địa phương triển khai. Trong năm, Lạng Sơn tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn. Tính đến hết năm, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 98,3%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt 87%. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,5%.

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch đúng quy định. Tỉnh đã tổ chức lập quy hoạch vùng huyện đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đối với 9 huyện, phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đình Lập, phê duyệt 11 nhiệm vụ, đồ án và hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh (2021 - 2025) theo quy định.

Cũng trong năm qua, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhờ đó, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã đạt kết quả tích cực. Uớc năm 2024 có 1.200 doanh nghiệp được thành lập mới, lũy kế toàn tỉnh có 5.208 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 59.804 tỷ đồng, 788 chi nhánh, văn phòng đại diện; trong năm, có 63 hợp tác xã được thành lập mới, lũy kế toàn tỉnh hiện có 545 hợp tác xã với tổng vốn đăng ký 1.272 tỷ đồng, 3 liên hiệp hợp tác xã.

Năm 2024 cũng ghi nhận bước chuyển tích cực của Lạng Sơn trong thu ngân sách. Tính đến ngày 30/12/2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh là 10.530,1 tỷ đồng, đạt 140,7% dự toán, tăng 35,1% so với năm 2023, trong đó: thu nội địa 2.954,1 tỷ đồng, đạt 118,9% dự toán, tăng 10,5% so với năm 2023; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 7.565,2 tỷ đồng, đạt 151,3% dự toán, tăng 48,2%.

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 (YAGI)   tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn Ảnh: ĐÌNH QUYẾT

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 (YAGI) tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn Ảnh: ĐÌNH QUYẾT

Bên cạnh những kết quả trong phát triển kinh tế, Lạng Sơn cũng đạt nhiều kết quả đáng kể trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. Quy mô, mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được sắp xếp hợp lý; chất lượng giáo dục tiếp tục được cải thiện và nâng cao. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%. Hết năm 2024, toàn tỉnh có 2.740 giường bệnh, đạt 33,6 giường bệnh/vạn dân; 11,4 bác sĩ/vạn dân; 100% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,45%.

Các hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng ngày lễ lớn, sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh được tổ chức với hình thức đa dạng, góp phần tôn vinh giá trị truyền thống, phong tục tập quán của địa phương, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; hệ thống các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện. Trên lĩnh vực lao động - việc làm, năm 2024, dự ước toàn tỉnh có 18,5 nghìn lao động được giải quyết việc làm mới, tăng 8,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64%, tăng 2% so với năm 2023.

Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chính sách người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Chính sách về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện kịp thời, đúng quy định, không để phát sinh vấn đề nổi cộm. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội, chương trình MTQG tiếp tục được triển khai hiệu quả. Dự kiến hết năm có thêm ít nhất 9 xã và 15 thôn thuộc xã vùng I, II thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 2,66%, còn 3,36%.

Công tác chuyển đổi số được đẩy mạnh, Lạng Sơn duy trì là một trong các tỉnh đi đầu về chuyển đổi số trên toàn quốc. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 24/30 chỉ tiêu của mục tiêu đến năm 2025 đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các tổ chức uy tín trong lĩnh vực truyền thông, khoa học, kỹ thuật bình chọn, trao các giải thưởng như: Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024; Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam 2024…

Cùng với phát triển kinh tế- xã hội, UBND tỉnh đã chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Năm qua, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị ổn định, trật tự, kỷ cương xã hội được tăng cường, không xảy ra vụ việc phức tạp. Công tác quản lý nhà nước về biên giới lãnh thổ quốc gia được thực hiện đúng quy định. Hoạt động hợp tác quốc tế diễn ra sôi động; quan hệ với Trung Quốc được thắt chặt thông qua các cuộc tiếp xúc, làm việc của lãnh đạo và các cơ quan hai phía. Quan hệ hợp tác với một số đối tác truyền thống, đối tác mới và các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục được duy trì, mở rộng…

Mặc dù đạt nhiều kết quả nổi bật, song việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể như: tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; việc thực hiện các dự án đầu tư còn một số vướng mắc về thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy... chưa được giải quyết kịp thời; giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm vẫn gặp vướng mắc; tiến độ một số dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách chưa đáp ứng yêu cầu…

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, tạo tiền đề, cơ sở xác định các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2026 - 2030. Năm 2025 cũng là năm có nhiều ngày lễ lớn như: Kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước và là năm tiến hành đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

UBND tỉnh xác định chủ đề, phương châm hành động của năm 2025 là: “Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, tăng tốc bứt phá”. Mục tiêu tổng quát là: Tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, phấn đấu năm 2025, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt từ 8% trở lên. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Tập trung chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị theo hướng: Tinh - Gọn – Mạnh, Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả ở tất cả các cấp, các ngành. Tăng cường công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư. Đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Triển khai công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đúng quy định. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Quyết tâm hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đề ra, chuẩn bị tốt các điều kiện góp phần vào thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030, tạo tiền đề cho bước phát triển toàn diện và vững chắc trong giai đoạn 2026 - 2030. Tỉnh đề ra 18 chỉ tiêu cụ thể với 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của tỉnh được xây dựng trong bối cảnh dự báo kinh tế - xã hội tiếp tục có sự phục hồi, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; hệ thống cơ chế, chính sách từng bước hoàn thiện, đồng bộ. Trung ương quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; các dự án giao thông, khu, cụm công nghiệp được đẩy mạnh triển khai; tiềm năng, lợi thế của tỉnh tiếp tục được phát huy và khai thác hiệu quả; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm thực hiện tốt, đời sống nhân dân được nâng cao; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; quan hệ đối ngoại được mở rộng.

Bên cạnh những thuận lợi, Lạng Sơn tiếp tục phải đối mặt với những thách thức, rủi ro của tình hình chung trên thế giới như: xung đột quân sự tại các nước, các khu vực trên thế giới làm cho kinh tế tiếp tục phục hồi chậm, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn; các vấn đề an ninh phi truyền thống tác động trực tiếp, nhiều mặt đến Việt Nam nói chung và địa phương nói riêng. Cùng với đó là những hạn chế của một tỉnh miền núi, biên giới, quy mô kinh tế nhỏ, nguồn lực hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực chưa đồng đều, khả năng hấp thụ nguồn vốn chưa cao. Các ngành kinh tế của tỉnh còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan, kinh tế cửa khẩu chịu sự tác động, chi phối của chính sách biên mậu phía Trung Quốc…

Năm 2025 đã đến mang theo nhiều niềm tin và kỳ vọng vào sự tăng tốc, bứt phá của Lạng Sơn trong năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh trong năm 2025 hết sức nặng nề. Từ những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua và sự tăng tốc của Lạng Sơn trong năm 2024, chúng ta tin tưởng rằng với quyết tâm, nỗ lực cao nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Lạng Sơn sẽ hoàn thành đạt và vượt mục tiêu kế hoạch năm 2025 cũng như giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra, tạo tiền đề quan trọng để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh 


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/linh-hoat-sang-tao-dua-lang-son-but-pha-toan-dien-5036333.html

  • Từ khóa