Câu hỏi đại biểu Hoàng Văn Cường đặt ra là liệu với việc tung gói hỗ trợ thời gian tới, dòng tiền có đi vào sản xuất kinh doanh không hay lại đi đâu? Một số ý kiến cho rằng cần giám sát từ xa, sớm.
Những phiên thảo luận liên quan đến phục hồi, phát triển kinh tế diễn ra sôi động (Ảnh: Quốc Chính).
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Năm 2021 diễn ra sáng nay (5/12), không ít chuyên gia lưu ý về khả năng hấp thụ của nền kinh tế khi tung các gói hỗ trợ, kích cầu.
Tiền liệu có chảy vào sản xuất kinh doanh?
GS. Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội - cho rằng cần quan tâm, đánh giá mức độ hấp thụ nền kinh tế. Trong đó, có hai cơ sở để đánh giá, đó giải ngân đầu tư công và tốc độ tăng trưởng tín dụng. "Tuy nhiên giải ngân đầu tư công hiện nay rất chậm, chỉ còn gần một tháng nữa, khó khả năng về đích năm nay. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 8%", ông Cường nói. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ, chuyển vốn vào sản xuất chậm.
Câu hỏi ông Cường đặt ra là liệu với việc tung gói hỗ trợ thời gian tới dòng tiền có đi vào sản xuất kinh doanh không hay lại đi đâu?
Ông Cường cho biết, thông thường đầu tư vào một đồng thì giá trị tạo ra phải hơn một đồng. Thế nhưng một số nghiên cứu lại chỉ ra chúng ta đầu tư 100 đồng thì chỉ thu 79 đồng. Vậy còn lại đi đâu? Ông Cường cho rằng có sự thất thoát ra bên ngoài đầu tư, đưa vào tiêu dùng, khiến giá tiêu dùng tăng lên.
Bên cạnh đó, theo ông, tiền bị đẩy sang khu vực đầu cơ, làm giá bất động sản tăng lên, giá chứng khoán tăng lên. "Thông thường chỉ số chứng khoán tăng phải do cái sức khỏe nền kinh tế tăng nhưng giai đoạn vừa qua, tăng trưởng khó khăn giá cổ phiếu vẫn cứ tăng lên. Tăng nhưng không phải thực chất do lợi nhuận doanh nghiệp tăng", ông Cường lo ngại.
Dẫn chứng những vấn đề này, ông cho biết, đang có "vấn đề" trong việc hấp thụ vốn. Tuy nhiên, vị đại biểu khẳng định, không phải vì như thế mà dừng lại, không tăng nguồn đầu tư. "Chúng ta phải tăng nhưng phải giải quyết được các vấn đề này", ông Cường nhấn mạnh.
Theo đó, ông đặt ra 3 vấn đề: Làm sao để vốn đầu tư công nhanh, đi vào công trình phục vụ phát triển; doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng; kiểm soát các dòng vốn để đi đúng vào nơi chúng ta muốn đầu tư, cần đầu tư.
Về vấn đề tăng tiếp cận vốn tín dụng, ông Cường cho biết không phải doanh nghiệp chỉ trông chờ giảm lãi suất mà chỉ cần tiếp cận được vốn. Theo đó, ngân hàng nên thay đổi các phương thức tiếp cận, đẩy mạnh theo hướng đồng hành cùng doanh nghiệp, bám sát theo các hợp đồng để đưa vốn vào sản xuất. Qua đó xem dòng tiền đi đâu, cho vay làm việc gì. "Trong bối cảnh Covid-19, chúng ta chuyển đổi mạnh sang không dùng tiền mặt. Tức là dòng tiền đi đâu kiểm soát được, tránh chuyện trục lợi", ông bày tỏ.
Về giải ngân vốn đầu tư công, ông Cường đề xuất đẩy mạnh việc đặt hàng tư nhân, đừng chỉ dựa vào các cơ quan nhà nước. Việc phát triển các công trình thông qua phương thức đặt hàng tư nhân sẽ vừa nhanh vừa hiệu quả.
Giám sát từ xa, giám sát sớm
Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - cũng kiến nghị, khi thực hiện gói hỗ trợ cần chú ý tới vấn đề giám sát. Nhắc lại bài học kích cầu năm 2008-2009, ông Hồng Anh cho biết, nguyên nhân chính nằm ở vấn đề kiểm soát. Kích cầu quy mô lớn nhưng dòng tiền ít vào sản xuất mà chảy vào bất động sản, chứng khoán, hậu quả lạm phát tăng cao, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Do vậy với gói kích thích lần này, ông Đặng Hồng Anh kiến nghị cần tăng cường giám sát từ sớm từ xa. Mô hình giám sát chính sách từ sớm từ xa ngay từ khâu xây dựng chính sách. Cách này giúp tránh sự bất cập trong quá trình triển khai.
Trước đó, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết với tinh thần chủ động từ sớm từ xa, các cơ quan của Quốc hội đã có các cuộc làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước để bàn về chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Theo ông Thanh, có thể vạch ra một số nguyên tắc lớn khi xây dựng, thiết kế gói hỗ trợ phục hồi và phát triển như bảo đảm bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội...
Nhấn mạnh gói hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm, ông Thanh cho biết sẽ hỗ trợ cả tổng cung và tổng cầu. Trong đó về phía cung, giảm thuế cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động, đồng thời kích cầu thị trường, đầu tư.
Cũng theo lãnh đạo Ủy ban Kinh tế, gói hỗ trợ sẽ kết hợp hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ, phối hợp hài hòa hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô.
"Gói hỗ trợ cũng cần đủ lớn. Nếu quy mô gói hỗ trợ không đủ lớn thì sẽ không tạo ra được cú huých, không tạo ra thay đổi như kỳ vọng, thậm chí lãng phí nguồn lực hỗ trợ. Thực hiện gói kích thích, cũng cần lưu ý tính khả thi, nhanh chóng, hiệu quả", ông Thanh nhấn mạnh.
Ông cho biết, trong gói kích thích hỗ trợ có đề xuất nội dung về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân - đây là trọng tâm trọng điểm, đồng thời hướng tới các lĩnh vực các ngành nghề ảnh hưởng của Covid-19, có dư địa phục hồi.
"Vừa qua chúng tôi có thẩm tra một luật sửa 8 luật trong thời gian tới. Sẽ đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Khó khăn chỉ là tạm thời, cùng với các chính sách hỗ trợ, cộng đồng doanh nghiệp sẽ sớm vượt qua khó khăn", đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh.
Nguyễn Mạnh/dantri.com.vn