Trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng bởi cạnh tranh chiến lược, tác động của dịch Covid-19 hay biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần nắm bắt xu hướng của mỗi nước và dòng chảy của thế giới để tiếp cận thị trường thành công. Đó là chia sẻ của nhiều đại sứ bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 đang diễn ra tại Hà Nội.
Nắm bắt xu hướng sau đại dịch Covid-19
Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long cho biết, sau khi ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), Anh đẩy mạnh hợp tác với các nước ngoài EU. Hiện nay, London thúc đẩy đàm phán và ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác. Với Việt Nam, hợp tác vẫn trên cơ sở FTA với EU (EVFTA).
Năm nay, Anh hướng tới tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hướng sang thị trường châu Á-Thái Bình Dương.
Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long trả lời báo chí bên lề hội nghị. |
Bên cạnh đó, Anh xác định sau đại dịch Covid-19 là cơ hội tăng cường hợp tác trong 3 lĩnh vực, gồm: Cơ sở hạ tầng, kinh tế xanh bền vững, kinh tế số và khoa học kỹ thuật. Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, Anh đang xây dựng một loạt công cụ, trong đó, Cơ quan đầu tư quốc tế Anh được tăng cường để hỗ trợ huy động vốn đầu tư, trong khi Cơ quan hỗ trợ xuất khẩu cũng được nâng tầm để thúc đẩy xuất khẩu.
Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, Anh đang là một cường quốc phát triển rất mạnh năng lượng tái tạo và cung cấp nguồn tài chính xanh rất lớn. Trong phát triển xanh có hai yếu tố: Năng lượng tái tạo và tài chính xanh. Vì thế, Anh chắc chắn là đối tác hợp tác rất quan trọng đối với Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, muốn xâm nhập thành công vào thị trường “khó tính” như Anh, trước hết các DN Việt Nam phải chú trọng vào chất lượng hàng hóa. Bởi “Anh mở cửa thị trường chỉ là điều kiện cần, còn để trở thành điều kiện đủ, DN Việt Nam phải đáp ứng được nhu cầu của họ”.
Đây không phải là vấn đề lớn vì DN Việt Nam hiện có đủ năng lực, trình độ, chất lượng. Tuy nhiên, để làm được tốt, DN cần có sự chuẩn bị bài bản.
Bên cạnh đó, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cũng cảnh báo tình trạng nhiều nước phát triển, trong đó có Anh, đang dần loại bỏ các sản phẩm sử dụng năng lượng không sạch như ô tô chạy xăng, dầu, hay một loạt sản phẩm sử dụng năng lượng than.
“Có một số ý kiến cho rằng, vào thời điểm nào đó, những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xanh có thể sẽ bị đánh thuế rất cao tại Anh, khiến các nước khó xuất khẩu vào thị trường này. Nhận định trên cần được xem xét cẩn thận, để trên cơ sở đó, Nhà nước và DN Việt Nam đưa ra các hoạch định cụ thể để đi theo xu hướng và dòng chảy của thế giới”, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long khuyến cáo.
Nhiều cơ hội cho DN Việt Nam ở nước ngoài
Nếu “xứ sở sương mù” lựa chọn 3 lĩnh vực trên để thúc đẩy hợp tác sau đại dịch thì ở “xứ sở chuột túi”, chính sách mở rộng thị trường tập trung vào “đa phương hóa, đa dạng hóa”. Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành giải thích, trong hai năm trở lại đây, Australia đã chủ động tìm kiếm thị trường mới, mời gọi các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới thông qua nhiều chính sách hấp dẫn.
Để tranh thủ cơ hội này, Đại sứ Nguyễn Tất Thành cho rằng, DN Việt Nam cần xây dựng quan hệ, kết nối với đối tác quan trọng của Australia, như: Hội đồng DN Việt Nam-Australia (EVBC), Hiệp hội DN Australia tại Việt Nam, DN kiều bào và chính quyền địa phương.
Đại sứ cũng kiến nghị thành lập nhóm tư vấn kinh tế gồm đại diện các bộ, ngành, các DN lớn của Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam ở Australia, nhằm hỗ trợ các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ chưa quen địa bàn, để họ có diễn đàn trao đổi.
Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung trả lời báo chí bên lề hội nghị. |
Mới được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Israel, nhưng Đại sứ Lý Đức Trung đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu và nhận thấy rằng tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa hai bên là rất lớn khi có sự tương đồng về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.
Theo Đại sứ, Israel nằm ở phía Tây Địa Trung Hải, có diện tích khoảng 20.000km2, nhưng chỉ có 4.000km2 là trồng trọt được. Dù khan hiếm nguồn tài nguyên nước ngọt nhưng với sức người, trí tuệ và sự sáng tạo, Israel đã chinh phục, cải tạo được thiên nhiên.
Từ một nơi không có nước ngọt, chủ yếu là cát, giờ đây Israel đã có nước ngọt, có thể canh tác trên sa mạc, nuôi trồng thủy sản, tạo ra những loại cây trái có chất lượng cao nhất thế giới. Những gì Israel đạt được chính là dựa trên nền công nghệ quản trị, đưa Israel trở thành “quốc gia khởi nghiệp” hàng đầu thế giới.
Do đó, theo Đại sứ Lý Đức Trung, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, các địa phương, DN của Việt Nam có thể hợp tác chặt chẽ với Israel, phối hợp với nhau để tạo ra những giải pháp mới trong nông nghiệp, như: Cải tạo đất, giống, lưu giữ giống bản địa và phát huy những giống đó trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới để tạo ra năng suất cao...
PHƯƠNG VŨ/qdnd.vn