TP HCM sẽ hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong thời gian sớm nhất và triển khai khung hành động, kiến tạo hành trình mới
Diễn đàn Kinh tế TP HCM (HEF) năm 2023 vừa diễn ra đã thu hút đến hơn 1.200 đại biểu tham dự là các chuyên gia trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư. Tại HEF, thành phố đã công bố phác thảo khung chiến lược phát triển kinh tế xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp cho việc xây dựng khung chiến lược này, tập trung vào 4 trụ cột.
Vấn đề sống còn
PGS-TS Vũ Minh Khương - chuyên gia về chính sách và kinh tế, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore - nhận định TP HCM đang đứng trước cơ hội rất lớn tạo đột phá trong phát triển, nếu thành công, thành phố có thể tạo ra kỳ tích. TP HCM và Singapore có những điểm tương đồng như tiềm năng lớn khai thác năng lượng từ mặt trời, làm điện mặt trời mái nhà hay có thể học hỏi kinh nghiệm xử lý ngập, lụt…
Và mô hình thành công của Singapore mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình chuyển đổi xanh, đó là mô hình "5S" gồm: sinh tồn (Survival), chiến lược (Strategy), cấu trúc tổ chức thực hiện (Structure), chọn người giao trọng trách (Steward Selection), tìm kiếm ý tưởng thông tuệ (Sagacity-seeking).
Trong đó, ở bước đầu tiên là "sinh tồn", phải ý thức được đổi mới xanh là sống còn chứ không còn lựa chọn nào khác, vì tính cạnh tranh của quốc gia và tương lai của nền kinh tế cho thế hệ mai sau. Hay chiến lược cũng đặc biệt quan trọng, là tầm nhìn, cam kết, nguyên tắc hành động; nắm bắt xu thế thời đại, định vị chiến lược; khai thác cộng hưởng và coi trọng bền vững, trường tồn.
"Đứng trên vai người khổng lồ sẽ giúp chúng ta đi rất nhanh, bằng cách học hỏi những mô hình hay, thành công trong các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi xanh. Như Singapore đã xem làm sạch các dòng sông giai đoạn 1977-1987 là trọng tâm, điều cơ bản cần làm trước khi chuyển đổi xanh. TP HCM cũng có thể học tập mô hình này để làm sạch các dòng sông, kênh rạch. Bởi chuyển đổi xanh nên bắt đầu từ những điều rất cơ bản, thiết thực cho người dân" - PGS-TS Vũ Minh Khương gợi ý.
Kiểm soát khí thải, chuyển đổi các phương tiện giao thông xanh là một nội dung trong chiến lược phát triển kinh tế xanh của TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Jan Jambon, Bộ trưởng - Thủ hiến Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Văn hóa, Công nghệ thông tin và Quản lý cơ sở vật chất Vùng Flanders (Bỉ), chia sẻ vùng Flanders có ngành công nghiệp hóa dầu lớn và Bỉ cũng từng đối diện với những áp lực về môi trường. Dù vậy, Bỉ nỗ lực dành một lượng lớn GDP cho đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường, đặc biệt là áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhờ đó mà Bỉ từng bước giải quyết được những vấn đề phức tạp, tái chế được gần 50% lượng rác thải ra môi trường. Do đó, các yếu tố gồm chính sách, cơ chế bền vững sẽ giúp cho quá trình giảm phát thải ròng, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn từng bước đạt hiệu quả.
Tăng trưởng xanh đòi hỏi các thành phố, các quốc gia phải giảm thâm dụng nguồn nhân lực, tránh phát tán khí thải thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại để thay đổi cách thức kinh doanh.
Ông Jeremy Jurgens, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), kể câu chuyện khi ông đi thăm một nhà máy ở Trung Quốc nhờ ứng dụng AI, công nghệ sinh học... đã giúp giảm tổn thất 14%, gia tăng năng suất và giảm chi phí. "Một tương lai của kinh tế tuần hoàn là hoàn toàn có thể và các quốc gia đều đang nỗ lực, là những mô hình để các quốc gia khác có thể học tập, áp dụng trong quá trình chuyển đổi" - ông Jeremy Jurgens nói.
Lan tỏa các mô hình thành công
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, chỉ ra rằng với địa hình thấp, sụt lún và là một trong 10 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, TP HCM đang đối mặt nhiều thách thức trong phát triển nền kinh tế xanh.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của TP HCM có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây, đòi hỏi yêu cầu phải tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. Lãnh đạo thành phố nhận thức rõ cần thiết chuyển hướng kiến tạo một hành trình mới, một hành trình tăng trưởng xanh với tầm nhìn, một tương lai bền vững.
"Nguồn ngân sách của thành phố hạn hẹp trong khi cần có nguồn lực tài chính lớn để thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phát triển công nghệ của DN còn hạn chế. Do đó, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đòi hỏi hành động tập thể, nhất quán về tầm nhìn, chiến lược và lộ trình hiệu quả với các mục tiêu trung và dài hạn để chuyển đổi dần dần, hạn chế các cú sốc về kinh tế - xã hội" - ông Phạm Bình An nói.
Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM đi vào triển khai sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc trên. Cụ thể, nghị quyết cho phép TP HCM thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; triển khai đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông; đầu tư điện áp mái trên các tòa nhà công sở; ưu đãi nhà đầu tư chiến lược trong phát triển năng lượng sạch, pin công nghệ mới; đồng thời cho phép DN chuyển đổi xanh được tham gia vay vốn kích cầu đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phân tích rằng xét về các yếu tố cho sự phát triển của kinh tế xanh, TP HCM có nhiều điều kiện thuận lợi so với các địa phương khác trong cả nước về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên cả nước và nước ngoài trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Lực lượng đông đảo DN với nhiều tiềm năng phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất, quản trị và liên kết quốc tế.
Để triển khai hiệu quả mục tiêu phát thải ròng về 0, TP HCM cần tập trung vào một số nội dung cụ thể. Trong đó, cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển đô thị gắn với phát triển hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Theo ông Lê Công Thành, cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người dân về lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên.
"Thành phố cần tiếp tục có lộ trình, kế hoạch hành động cụ thể, rõ ràng để tạo thuận lợi trong triển khai; kêu gọi cộng đồng DN trong và ngoài nước có những đề xuất sáng kiến cho hoạt động này để lan tỏa các mô hình triển khai thành công theo phương châm nhà nước kiến tạo thể chế và dẫn dắt, DN và người dân đóng vai trò trung tâm" - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.
4 trụ cột trong khung chiến lược Khung chiến lược kinh tế xanh TP HCM xác định người dân và du khách - DN là trung tâm của chuyển đổi, đồng thời thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế nhằm thực hiện 4 trụ cột gồm: Một là, phát triển nguồn lực xanh (nhân lực trình độ cao, tài chính xanh, liên kết vùng và hợp tác quốc tế). Hai là, xây dựng hạ tầng xanh (chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch và tiết kiệm nước, tuần hoàn tài nguyên). Ba là, phát triển hành vi xanh (tiêu dùng xanh, giao thông xanh, xây dựng xanh). Bốn là, xác định ngành hoặc lĩnh vực tiên phong (sản xuất công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, khởi nghiệp xanh - đổi mới sáng tạo, du lịch xanh, thực phẩm xanh, xây dựng Cần Giờ xanh). |
Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/kinh-te/dinh-hinh-khung-chien-luoc-xanh-20230917205226529.htm