Nếu số người chết vì viêm phổi gia tăng và dịch lan rộng, giới phân tích dự báo các thị trường tài chính sẽ tiếp tục đi xuống.
Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong, vốn đã bị chèn ép bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, là thị trường giảm mạnh nhất trong tuần qua với biên độ 3,8%. Theo sau là CSI 300 của Trung Quốc giảm 3,5%. Các thị trường chứng khoán Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan, những quốc gia đã ghi nhận các trường hợp lây nhiễm bệnh viêm phổi Vũ Hán, cũng chìm trong sắc đỏ.
Tại Mỹ, các chỉ số chủ chốt đều giảm mạnh trong phiên giao dịch thứ Sáu sau khi các quan chức y tế báo cáo về trường hợp nhiễm virus corona thứ hai.
Lo ngại về khả năng dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế đã khiến phố Wall chịu ảnh hưởng tiêu cực, chỉ số công nghiệp Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite cùng ghi nhận tuần sụt giảm đầu tiên trong năm 2020. Dow Jones và S&P 500 giảm ít nhất 1%, còn Nasdaq Composite mất 0,8%. Trước đó, trong phiên giao dịch cuối tuần, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm mạnh.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo mức độ sợ hãi trên thị trường, trong phiên cuối tuần đã tăng lên trên 15, lần đầu tiên kể từ tháng 12/2019.
Cổ phiếu các hãng hàng không và các nhà sản xuất hàng xa xỉ chịu áp lực mạnh. Cổ phiếu của Air France và British Airways giảm xấp xỉ 6% trong tuần qua, trong khi Burberry, Richemont và LVMH - các nhà sản xuất hàng xa xỉ phụ thuộc nhiều vào doanh số bán hàng tại Trung Quốc - giảm hơn 4%. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu các doanh nghiệp châu Á sản xuất găng tay cao su và các thiết bị y tế đều giao dịch tích cực.
"Tốc độ lây lan của virus này là rất lớn và điều này đã tác động trực tiếp đến cổ phiếu các hãng bán lẻ và du lịch", Andrew Sullivan, người đứng đầu công ty môi giới Pearl Bridge Partners, cho biết. "Chúng tôi dự báo tác động tiêu cực sẽ còn tiếp diễn".
Cùng chịu tác động tiêu cực với chứng khoán là giá dầu. Giá dầu Brent trên sàn London giảm gần 6% trong tuần, xuống còn 60,9 USD mỗi thùng vào cuối ngày thứ Sáu - mức thấp nhất kể từ đầu tháng 12 - khi giới phân tích chỉ ra rằng, dịch viêm phổi mới là nguyên nhân của việc bán tháo.
"Khi các thành phố bị cách ly và vận chuyển công cộng bị đóng cửa, có nghĩa là hoạt động kinh tế giảm, tác động tiêu cực đến nhu cầu năng lượng. Đến khi nào có bằng chứng cho thấy sự bùng phát được ngăn chặn, đình trệ kinh tế không còn thì tâm lý đối với dầu sẽ được cải thiện, đưa giá tăng trở lại", John Freeman, Chuyên gia phân tích của Raymond James nhận định.
Không chỉ dầu và chứng khoán, đồng nhân dân tệ cũng chịu tác động tiêu cực. Đồng nội tệ của Trung Quốc đã giảm hơn 1% trong tuần qua, xuống mức 6,9 nhân dân tệ đổi 1 đôla Mỹ.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự tăng trưởng kinh tế chậm hơn trước khi dịch bệnh bùng phát và đồng nhân dân tệ có thể chịu nhiều áp lực hơn nếu sự bùng phát của virus này tác động mạnh tới hoạt động kinh doanh, đi lại và chi tiêu của người tiêu dùng.
"Tin xấu là điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra, vì số ca nhiễm mới vẫn đang gia tăng", Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Capital, nhận định. Còn Ken Cheung, chiến lược gia mảng ngoại hối thị trường châu Á tại Ngân hàng Mizuho (Hong Kong) cho biết, một số nhà đầu tư có lãi nhờ đà tăng của nhân dân tệ đã đóng vị thế trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. "Họ đã cảnh giác với sự leo thang của diễn biến bệnh viêm phổi", Ken Cheung cho biết.
Minh Sơn/vnexpress.net
https://vnexpress.net/kinh-doanh/tai-chinh-toan-cau-chao-dao-vi-dich-viem-phoi-vu-han-4047023.html