Các doanh nghiệp tư nhân đã có sự bứt phá trong năm qua, xuất khẩu ra nước ngoài nhiều hơn, thậm chí đã xuất khẩu cả máy móc.
Doanh nghiệp vượt khó để bứt phá
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, điểm nổi bật nhất trong năm 2019 là sự bứt phá của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh thương mại toàn cầu đi xuống, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước vẫn tăng trưởng 8%. Các doanh nghiệp tư nhân đã xuất khẩu ra nước ngoài nhiều hơn, thậm chí có doanh nghiệp đã xuất khẩu cả máy móc.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm qua, quy mô kinh tế của Việt Nam tăng nhanh, lần đầu tiên lọt top 50 nền kinh tế thế giới, xét về quy mô nền kinh tế; cộng đồng doanh nghiệp nhỏ đang “sinh sôi” khi năm 2019 có gần 40.000 doanh nghiệp thành lập mới, nếu cộng cả nhóm doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là khoảng 180.000 doanh nghiệp.
Năm 2020, kinh tế tư nhân được kỳ vọng sẽ bứt phá. |
Mặc dù vậy, Chủ tịch VCCI cho rằng, 2019 vẫn là một năm đầy khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, nguồn thu từ sản xuất kinh doanh vào ngân sách Nhà nước không đạt dự toán. Bên cạnh đó, dù Việt Nam có cải thiện về môi trường kinh doanh nhưng kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Môi trường kinh doanh mới đứng thứ 5 trong ASEAN, hành trình như vậy vẫn còn rất xa để lọt vào top 4 khi năng lực cạnh tranh đang xếp thứ 7 và môi trường kinh doanh xếp thứ 5 trong khu vực.
Ông Lộc dự báo, bước sang năm 2020, cộng đồng doanh nghiệp Việt vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn vì xu thế tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có xu hướng giảm nhiệt, thách thức với kinh tế còn nhiều, “sức khoẻ” của doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn còn nhiều vấn đề cần lưu tâm…
Kỳ vọng khởi sắc trong năm 2020
Mặc dù khó khăn vẫn hiện hữu, nhưng với tiềm năng và triển vọng sẵn có, người đứng đầu VCCI tin rằng, 2020 sẽ là năm đột phá của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Nếu những cải cách thể chế do Chính phủ đặt ra được thúc đẩy thì quá trình chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 13 vào năm 2021 sẽ là quá trình đồng khởi của những nỗ lực cải cách và phát triển, tăng tốc trong đầu tư.
Đặc biệt, nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ được thể hiện khi trong những ngày đầu năm Chính phủ đã đưa ra Nghị quyết 01, Nghị quyết 02, hướng đến trọng tâm là cải cách môi trường đầu tư kinh doanh.
Để minh chứng cho sự đồng hành cùng doanh nghiệp, Thủ tướng đã rất quyết liệt trong việc thành lập các tổ công tác thúc đẩy rà soát bất cập trong môi trường kinh doanh. Song song với đó, VCCI cũng kiến nghị Chính phủ và Quốc hội tập trung mọi nỗ lực để giải quyết những điểm xung đột, chồng chéo của các văn bản pháp luật liên quan đến việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.
Ông Lộc cho rằng, nếu tháo gỡ được những vướng mắc này sẽ là động cơ rất quan trọng để thúc đẩy các nguồn vốn của xã hội vào sản xuất kinh doanh trong năm 2020. Chủ tịch VCCI kỳ vọng, chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính chuyên ngành sẽ được triển khai mạnh mẽ trong năm nay, song song với đó, những giải pháp thúc đẩy Chính phủ điện tử cũng sẽ được đẩy mạnh.
“Với những giải pháp như vậy, hy vọng 2020 sẽ là năm của những đột phá mới trong môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời, tạo ra cảm hứng cũng như động lực để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển. Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam sẽ là những “ngôi sao hy vọng” của nền kinh tế thế giới.
Việc tháo gỡ thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh sẽ mang lại lợi ích cho tất cả, trước hết là cho khu vực tư nhân, trong đó có doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Tôi tin rằng, động lực chính của sự phát triển sẽ đến từ đây. Năm 2020 sẽ là năm gặt hái nhiều thành công của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”, TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, dấu ấn rõ nét của nền kinh tế là sự xuất hiện và nổi lên của các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam, trong đó có các tập đoàn kinh tế tư nhân.
Với 3 - 4 thế hệ doanh nhân, kinh tế Việt Nam đã chuyển mình cùng sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân và để lại dấu ấn rõ nét trong 5 - 6 năm trở lại đây.
“Sự nổi lên của các tập đoàn lớn thể hiện trên nhiều góc độ. Họ bắt đầu làm những công trình phức hợp đòi hỏi không chỉ trình độ quản lý mà còn là khả năng nắm bắt và làm chủ công nghệ. Nhiều công trình lớn về xây dựng, bất động sản, cầu cảng, sân bay, những công trình phức hợp lớn được thực hiện bởi các tập đoàn tư nhân. Sau giai đoạn tích lũy, nhiều doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang lĩnh vực phù hợp với xu thế và đòi hỏi của đất nước”, TS. Võ Trí Thành chia sẻ.
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển của các tập đoàn kinh tế tại Việt Nam cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề, đòi hỏi phải có hành lang pháp lý điều chỉnh, để vừa thực hiện đúng đường lối của Đảng, vừa tạo tiền đề để có nhiều tập đoàn kinh tế hùng mạnh đạt đến tầm cỡ khu vực và thế giới./.
Chung Thủy/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/kinh-te-tu-nhan-ngoi-sao-hy-vong-cua-nen-kinh-te-1002565.vov