Gian nan xử lý nợ xấu

Thứ 2, 25.12.2023 | 09:07:57
445 lượt xem

Giới chuyên gia nhận định, một trong những áp lực mà các ngân hàng đang phải đối mặt là tỷ lệ nợ xấu có chiều hướng tăng; nhất là sau khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ hết hiệu lực, có thể sẽ khiến cho tỷ lệ nợ xấu tăng cao hơn con số hiện tại.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Bảo Việt (Hà Nội). (Ảnh: TRẦN HẢI)

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống tính tới cuối tháng 7/2023 là 3,56%, gấp hai lần so với con số 1,69% vào cuối năm 2020; tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16%.

Tăng tốc rao bán tài sản thế chấp

Từ đầu năm đến nay, nhất là các tháng cuối năm, thị trường lại chứng kiến việc các ngân hàng thương mại cấp tập rao bán các loại tài sản thế chấp để thu hồi, xử lý nợ xấu. Với tổng trị giá bất động sản thế chấp tại các ngân hàng chiếm khoảng 70% tổng tài sản bảo đảm cho các khoản vay, thậm chí tỷ lệ này tại một vài tổ chức tín dụng lên đến 80-90%, do đó bất động sản thường là loại tài sản chính được các ngân hàng đem ra phát mại.

Mới đây nhất, Agribank Chi nhánh Tây Hà Nội thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Việt Nam. Đây là dự án điện gió đầu tiên bị ngân hàng rao bán thu hồi nợ. Theo Agribank, tổng giá trị khoản nợ tính đến hết 30/11/2023 quy đổi là hơn 1.205 tỷ đồng; tài sản bảo đảm cho khoản nợ này là toàn bộ công trình xây dựng Nhà máy Phong điện 1-Bình Thuận. Agribank đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ này là hơn 1.205 tỷ đồng - bằng giá trị khoản nợ tính đến ngày 30/11.

BIDV cũng có thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ hơn 510 tỷ đồng của Công ty CP Sado Germany Window tại chi nhánh Đông Đồng Nai. Đây là khoản nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) từ cuối năm 2022. Đồng thời, BIDV thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Nam Ninh và Công ty TNHH Đầu tư thương mại Nam Ninh phát sinh tại chi nhánh Ninh Bình và chi nhánh Tam Điệp, có giá trị cả dư nợ gốc, nợ lãi, nợ quá hạn là gần 752,3 tỷ đồng.

Trong khi đó, VietinBank đang tiến hành các thủ tục để đấu giá công khai khoản nợ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu để thu hồi nợ. Tổng giá trị khoản nợ tạm tính đến hết ngày 31/10/2023 là hơn 1.494 tỷ đồng. Bảo đảm cho nghĩa vụ nợ hầu hết là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất. VietinBank đưa ra giá khởi điểm bán đấu giá của khoản nợ này chỉ 142 tỷ đồng, tương đương 10% giá trị khoản nợ...

Khó khăn khi thu hồi nợ

Có thể thấy, tình hình thị trường khó khăn tác động lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình trả nợ cho các ngân hàng. Trước tình hình này, để thu hồi nợ, các ngân hàng thương mại buộc phải rốt ráo xử lý tài sản thế chấp bằng cách thu giữ, rao bán như trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, như nhìn nhận của Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, việc thanh lý tài sản trong thời gian này rất khó khăn. Nhiều tài sản bảo đảm là bất động sản trị giá lớn khó thanh lý do thị trường nhà đất gần như đóng băng.

Bên cạnh đó, một lý do nữa cũng khiến cho việc thanh lý tài sản của ngân hàng gặp khó là bởi định giá phát mại tài sản nhiều khi không theo giá thị trường mà thường được tính gộp gốc và lãi, mỗi lần chiết khấu từ 5-10%, do đó có tài sản đấu giá hơn hai năm mới bán được.

Với các ngân hàng có vốn nhà nước, việc thanh lý tài sản bảo đảm còn khó khăn hơn, nhất là khi liên quan đến việc thẩm định giá. Theo đại diện lãnh đạo BIDV, do Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn cách thức thẩm định giá khoản nợ, cho nên gây nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro; bởi khi bán nợ, việc thẩm định giá khoản nợ cơ bản dựa trên thẩm định giá tài sản bảo đảm, nhưng trong thời kỳ suy giảm của thị trường bất động sản, nhiều trường hợp giá trị tài sản xuống thấp hơn dư nợ gốc khiến ngân hàng e ngại khi ra quyết định phát mại tài sản vì sợ thất thoát vốn vay sau khi thu hồi nợ.

Đáng lo ngại hơn là hiện tượng rủ nhau “bùng nợ” có tổ chức đang ngày càng lan rộng thời gian gần đây, làm ảnh hưởng rất lớn tới công tác đòi nợ và thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng.

Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh, từ đầu năm đến nay, số lượng cán bộ thu hồi nợ tại VPBank đã giảm tới 3.000 người, bởi lo sợ bị đe dọa khi đi thu nợ. Do vậy, ông Vinh đề nghị các cơ quan, bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương hỗ trợ ngân hàng trong xử lý tài sản bảo đảm, vì đây là vấn đề rất khó khăn của các ngân hàng. Đặc biệt, các đơn vị chức năng cần tăng cường phối hợp xử lý các hội nhóm “bùng nợ”, cả với “bùng nợ” khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, một “mối lo xa” cũng đang được các ngân hàng tính đến đó là trong khi nợ xấu cũ vẫn còn khó khăn xử lý, thì áp lực nợ xấu mới lại dần hiện hữu khi hiệu lực của Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ kết thúc vào 30/6/2024. Giới chuyên môn nhận định, sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực rất có thể sẽ khiến nợ xấu cao hơn hiện tại. Do vậy, để hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo một số ngân hàng thương mại đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục gia hạn Thông tư 02.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể xem xét kéo dài Thông tư 02 thêm tối đa một năm - đến tháng 6/2025, thời điểm thị trường bất động sản được dự báo sẽ phục hồi. “Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn, việc kéo dài thời gian hiệu lực của Thông tư nhằm giãn quá trình xử lý nợ, giúp quá trình trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng diễn ra từ từ, không ảnh hưởng lớn đến nền tảng tài chính; đồng thời, doanh nghiệp có thêm nguồn lực, điều kiện tái tạo quay vòng nguồn vốn kinh doanh”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa phân tích.

Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng đã có chỉ đạo, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung/kéo dài thời gian thực hiện đối với Thông tư 02; đồng thời, rà soát lại một số thông tư như Thông tư số 03/2023, Thông tư số 06/2023 và Thông tư số 10/2023, nhằm phù hợp với tình hình thực tế, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ xem xét, đánh giá nghiên cứu đề xuất gia hạn Thông tư 02. “Thực tế, thông tư này có tác dụng rất thiết thực trong hỗ trợ ngân hàng, doanh nghiệp, song lại không được quốc tế đánh giá cao vì làm “che mờ” bức tranh nợ xấu thật của hệ thống”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/gian-nan-xu-ly-no-xau-post789112.html

  • Từ khóa