Nông sản 4.0 kể chuyện giá trị bản địa

Chủ nhật, 31.12.2023 | 09:13:27
492 lượt xem

Theo một báo cáo được TikTok Việt Nam công bố, tính từ tháng 4 đến tháng 10/2023 đã có hơn 800 phiên livestream (phát sóng trực tiếp) với hơn 10.000 video gắn hashtag #OCOP và #DacSanVietNam, tiếp cận 300 triệu lượt xem thông qua hình thức livestream và hơn 850 triệu lượt xem thông qua nội dung video ngắn, mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng cho ngành hàng OCOP (Chương trình “One Commune One Product-Mỗi xã một sản phẩm), kết nối hơn 500 nhà sáng tạo và nhà bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử

Những con số ấn tượng này phản ánh một xu hướng đang lan tỏa rất nhanh: Giới trẻ nhanh nhạy, nông dân có lợi thế sản xuất… dùng công nghệ đưa nông sản vươn xa và quảng bá hình ảnh quê hương.

Khi bắt tay sản xuất các video ngắn giới thiệu đặc sản quê nhà và đăng tải lên mạng xã hội, các nhà sáng tạo nội dung số “hot” hiện nay có điểm chung là sự am hiểu và niềm tự hào, điều này đã giúp nông sản vùng miền nhận được sự quan tâm và “chốt đơn” từ hàng triệu khách hàng cả nước.

Xem livestream của Nguyễn Thị Tường Thảo hay Thảo Mola (sinh năm 1995), chủ kênh “Món lạ vườn nhà” với 1,5 triệu lượt thích, ít người biết rằng cô gái trẻ giản dị như một nông dân chính hiệu này sở hữu hai bằng đại học loại giỏi, từng có công việc thu nhập cao ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau chín tháng bền bỉ “xây” kênh quảng bá rau, củ, quả đặc trưng Đà Lạt (Lâm Đồng) như ớt Snack, bí sợi mỳ, chanh ngón tay..., Tường Thảo bán được hơn 90.000 đơn hàng, đưa hơn 10 tấn nông sản Đà Lạt tiêu thụ trên toàn quốc, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương.

Ở Đắk Lắk, Nguyễn Thị Thu Hà hay Hana Ban Mê (sinh năm 1994) cũng “bỏ phố về quê” và chinh phục người xem với những đoạn phim ngắn về cuộc sống thường ngày, lao động trên nương rẫy, thu hoạch sầu riêng, quá trình từ quả cà-phê đến ly cà-phê… Hơn 30 triệu lượt thích trên kênh TikTok mà Thu Hà có được sau hai năm là thành quả đầy ý nghĩa khi đã đồng hành giúp bà con nông dân địa phương tiêu thụ cà-phê, hạt điều, mắc-ca… trên nhiều sàn thương mại điện tử.

Đáng chú ý, những câu chuyện của nông sản hấp dẫn khách hàng nhiều khi không chỉ là chỉ dẫn địa lý, cách sản xuất, tính độc đáo… mà còn chứa đựng cả thông điệp gắn với bản sắc dân tộc, truyền thống văn hóa địa phương.

Một số nhà sáng tạo nội dung số “triệu view” là người dân tộc thiểu số ở miền núi phía bắc đã và đang rất tích cực quay video giới thiệu món ăn, trang phục, phong tục tập quán… của cộng đồng mình và chia sẻ lên mạng xã hội, góp phần thúc đẩy giao thương sản vật vùng miền và lan tỏa nét đẹp trong sinh hoạt, văn hóa của đồng bào. Có thể kể đến Ma Thị Chú, người H’Mông ở Mường Khương, Lào Cai; Chảo Thị Yến, người Dao ở Bát Xát, Lào Cai; Nông Cẩm Quỳnh, người Nùng ở Na Hang, Tuyên Quang; Lường Quang Đại, người Tày ở Bạch Thông, Bắc Kạn; Nguyễn Thị Thu Hoa, người Mường ở Thanh Sơn, Phú Thọ…

Mỗi lần lên sóng, các “streamer” này đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, đưa người xem qua những địa danh du lịch nổi tiếng, vừa trò chuyện vừa hát dân ca, hoặc ghi lại một ngày ra vườn trồng cây, hái quả, chế biến các đặc sản… Những kiến thức thú vị, nét duyên chân chất và nguồn năng lượng tích cực từ họ tạo cảm hứng rất lớn cho người xem mua hàng, chia sẻ cho người thân.

Bán nông sản qua livestream đã manh nha từ lâu nhưng thực sự bùng nổ sau đại dịch Covid-19 khi tâm lý và thói quen mua sắm của người dân thay đổi. Với nhiệt huyết của các thanh niên, nông dân, chủ thể OCOP và sự vào cuộc hỗ trợ từ sớm của các cơ quan, tổ chức liên quan, sản phẩm OCOP (đặc biệt là ngành hàng thực phẩm, dược liệu) đã bắc những chiếc cầu nối đến người tiêu dùng, khắc phục nhiều hạn chế của hình thức giao dịch truyền thống. Chẳng hạn như các sự kiện: Bí xanh Ba Bể-Bắc Kạn, Vải thiều Lục Ngạn-Bắc Giang, Mận Phiêng Khoài-nhãn Sông Mã (Sơn La), Nông sản trong mây (mắc-ca, sầu riêng)-Lâm Đồng, Xứ sở Sen Hồng-Đồng Tháp…

Trong sự kiện livestream Về miền đất Tổ tại tỉnh Phú Thọ, 20 triệu lượt xem đã đem lại doanh thu hơn 300 triệu đồng cho 6 sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương này là Thịt chua Trường Foods, Chè Đinh Hoài Trung, Bún gạo Hùng Lô, Tương Hoa Lúa, Rau sắn muối chua Liên Gia Trang, Maika Food.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đưa câu chuyện nông sản lên mạng là một kênh truyền thông hiệu quả cho văn hóa bản địa, không chỉ tác động người tiêu dùng, khách du lịch mà còn tới chính các chủ thể qua mỗi sản phẩm, từ đó người dân hiểu và thêm yêu, thêm tự hào về quê hương, gắn kết gia đình, làng xóm. Sản phẩm OCOP lấy văn hóa làm nền tảng, động lực để nâng cao giá trị, đồng thời cũng là “đại sứ” chuyển tải văn hóa vùng miền.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/nong-san-40-ke-chuyen-gia-tri-ban-dia-post790026.html

  • Từ khóa