Cotti Coffee là thương hiệu cà phê nhượng quyền có hơn 5.000 cửa hàng tại Trung Quốc và mới gia nhập Việt Nam. Chuyên gia cho rằng đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với nhà đầu tư.
Đầu tháng 12, Cotti Coffee - thương hiệu chuỗi cà phê đến từ Trung Quốc chính thức gia nhập thị trường Việt với mô hình kinh doanh nhượng quyền. Sự có mặt của Cotti vào thời điểm này gây ra nhiều tranh luận xoay quanh việc nên hay không nên đầu tư vào cà phê nhượng quyền ở thời điểm này?
Cần hơn 1 tỷ đồng để mở 1 cửa hàng
Cotti Coffee - thương hiệu chuỗi cà phê chuỗi trực thuộc Cotti Coffee (Tianjin) Co., Ltd., được thành lập bởi Lục Chính Diệu và Tiền Trị Á - những người đã sáng lập chuỗi thương hiệu cà phê lớn nhất Trung Quốc Luckin Coffee vào tháng 10/2022.
Cotti Coffee có trụ sở chính tại Bắc Kinh. Tính tới tháng 8/2023, thương hiệu này đã có hơn 5.000 cửa hàng tại Trung Quốc. Khi bắt đầu mở rộng kinh doanh toàn cầu, Cotti Coffee lựa chọn thị trường Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Canada và mới đây là Việt Nam.
Về sản phẩm, Cotti Coffee có sản phẩm chủ đạo là cà phê. Cùng với đó, thương hiệu này có các mặt hàng đồ uống phổ biến như trà sữa, trà hoa quả, với giá bán tại Việt Nam vào khoảng từ 20.000 đồng đến dưới 50.000 đồng/ly.
Cotti Coffee có hơn 5000 cửa hàng tại Trung Quốc (Ảnh: Cotti).
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, hiện tại, Cotti Coffee có 3 chi nhánh tại TPHCM và sắp tới là Hà Nội. Thương hiệu từ đất nước tỷ dân đang miễn phí toàn bộ phí nhượng quyền cho các nhà đầu tư.
Theo chia sẻ của nhân viên tư vấn phía Cotti Coffee, số vốn nhà đầu tư cần bỏ ra khi bắt đầu hợp tác với thương hiệu là khoảng hơn 1,1 tỷ đồng.
Trong đó, hơn 700 triệu đồng là chi phí cho máy móc như máy pha cà phê, các loại tủ lạnh, tủ đông, máy in, cục phát wifi, màn hình...; hơn 200 triệu đồng cho thiết kế xây sửa quầy bar, làm biển hiệu...; khoảng 17 triệu đồng là tiền thiết kế cửa hàng có diện tích dưới 80m2 và 170 triệu đồng là chi phí cọc để nhập nguyên liệu đầu vào.
Người này nói Cotti Coffee "không chú trọng đẩy mạnh số lượng cửa hàng" mà tập trung vào "chất lượng cửa hàng". Ngoài ra, Cotti Coffee thu phí chia sẻ phần trăm lợi nhuận. Những cửa hàng có lợi nhuận gộp dưới 100 triệu đồng, sẽ không phải nộp khoản chia sẻ này.
Từ bài học quá nhiều cửa hàng gần nhau dẫn đến việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn của các nhà đầu tư thương hiệu Mixue, phía Cotti Coffee cho biết khoảng cách này phụ thuộc vào từng khu vực.
"Ví dụ khu đó có 2 trung tâm thương mại gần nhau, khu đông đúc, hoặc trong trường hợp cửa hàng bị quá tải đơn thì phía Cotti sẽ tính toán mở thêm cửa hàng", nhân viên tư vấn cho biết.
Tham vọng thay đổi thị trường chuỗi cà phê Việt
Thời gian qua, câu chuyện đầu tư vào các chuỗi đồ uống nhượng quyền được bàn tán nhiều trên các diễn đàn. Nói về nhượng quyền, Mixue là thương hiệu có độ phủ sóng mạnh và được coi là khá thành công ở thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện tại, nhiều nhà đầu tư cho biết họ rơi vào tình cảnh "bút sa gà chết" khi quá nhiều cửa hàng Mixue được mở ra trên khắp cả nước. Bên cạnh đó, chi phí cho một cửa hàng là quá lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, không giống quảng cáo ban đầu.
Như vậy, khi Cotti Coffee xuất hiện, không ít người đặt thương hiệu này lên bàn cân với Mixue và đưa ra câu hỏi "nên hay không nên" đầu tư vào các cửa hàng nhượng quyền đồ uống ở thời điểm này.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Tùng - chuyên gia F&B, nhà sáng lập Pizza Home, cho rằng Cotti Coffee vào thị trường Việt Nam vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Theo ông, thị trường các quán cà phê ở Việt Nam đang là "vùng đỏ", tuy nhiên, thị trường các chuỗi cà phê ở Việt Nam vẫn là "vùng xanh".
Ông đánh giá cao việc mở rộng cửa hàng với tốc độ nhanh của Cotti Coffee trong thời gian qua tại Trung Quốc và hãng đã nhìn được tiềm năng của thị trường Việt Nam.
Cotti Coffee có thế mạnh về giá bán sản phẩm và mô hình tinh gọn, dễ dàng nhân rộng (Ảnh: Cotti).
Về sản phẩm, Cotti Coffee không có gì đặc biệt so với các thương hiệu đối thủ. Tuy nhiên, ông Tùng nói có lẽ thương hiệu này cạnh tranh bằng mô hình kinh doanh, không đơn thuần chỉ nằm ở sản phẩm mà muốn đi theo thế mạnh của mô hình tinh gọn, có thể nhanh chóng nhân rộng cửa hàng.
Cotti Coffee có thể thay đổi thị trường chuỗi cà phê khi đưa ra giá bán dễ tiếp cận, chỉ 19.000 đồng, 29.000 đồng, khá rẻ so với giá bán của các thương hiệu như Highlands, Phê La hay Katinat.
"Đối thủ không chỉ là các thương hiệu đang có sẵn, mà đáng sợ hơn là các thương hiệu từ dưới đất chui lên", ông nói. Ông đánh giá cao chuỗi cung ứng, công ty quản lý đứng sau Cotti Coffee, giúp thương hiệu này có khả năng cạnh tranh về giá.
Về việc miễn phí phí nhượng quyền, ông cho rằng đây là cách làm để nhân rộng số lượng cửa hàng thật nhanh trong thời gian đầu. Lời khuyên cho những người muốn đầu tư vào thương hiệu này là hãy tìm hiểu kỹ cách mà thương hiệu này đã làm ở Trung Quốc, Hàn Quốc.
Hãy nghiên cứu về số lượng cửa hàng đóng cửa trên tổng số lượng cửa hàng mở cửa. Tại Việt Nam, điều đáng băn khoăn lớn nhất là thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng ở Việt Nam so với Trung Quốc. Những điều này cần được tính toán nếu muốn đầu tư Cotti Coffee vào thời điểm này.
Thuận lợi ban đầu, khó khăn về sau
Anh Dương Nguyễn - người có kinh nghiệm hơn 10 năm trong việc đầu tư, xây dựng các chuỗi cà phê nhượng quyền, cho rằng Cotti Coffee sẽ gặp nhiều rủi ro khi có mặt tại Việt Nam.
Việt Nam là thủ phủ của cà phê, do vậy, tiêu chuẩn của người tiêu dùng cũng ngày càng nâng lên. Bên cạnh yếu tố "ngon", họ quan tâm nhiều đến yếu tố trải nghiệm, ngắm, nhìn, sờ, chạm. Nói cách khác, người tiêu dùng ngày nay cần nhiều hơn ở một ly cà phê ngoài yếu tố thưởng thức mùi vị.
"Tôi khẳng định tiêu chuẩn trung bình ngành cà phê ở Việt Nam cao hơn Trung Quốc. Hạt cà phê ở Việt Nam quá đa dạng và xuất khẩu nằm trong top thế giới nên việc thương hiệu Trung Quốc với sản phẩm chủ chốt là cà phê sẽ khó cạnh tranh ở thị trường Việt Nam", anh Dương nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo anh, Cotti Coffee có thiết kế không gian khó định vị, không quá đẹp, không quá sang trọng, không chú trọng nhắm vào đối tượng khách hàng cụ thể.
Nói về điểm cộng của thương hiệu này tại Việt Nam, anh Dương cho rằng khi Cotti Coffee vào Việt Nam sẽ phần nào giúp thị trường đồ uống Việt thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, giúp nhà đầu tư trong nước có cơ hội học hỏi từ các đối thủ trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, chuỗi có thể sẽ phát triển mạnh trong thời gian đầu. Anh Dương cho rằng nếu nhà đầu tư nắm bắt cơ hội sớm, nghiên cứu kỹ thị trường và chọn địa điểm phù hợp, khả năng chiến thắng khi đi cùng Cotti Coffee là khá cao. Tuy nhiên, về lâu về dài, anh Dương cho rằng nếu Cotti Coffee không thay đổi để có mô hình phù hợp hơn với thị trường Việt, thương hiệu này khó có thể cạnh tranh với các ông lớn trong nước như Phê La, Katinat...
Theo dantri.com.vn