Dân Việt trở lại với đầu tư chứng khoán?

Thứ 7, 06.01.2024 | 14:53:36
707 lượt xem

Số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong tháng 12/2023 đã tăng hơn 39.000 tài khoản, trong đó đã loại trừ số lượng tài khoản không hoạt động, bị xóa khỏi hệ thống.

Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa công bố thông tin số lượng tài khoản giao dịch trong nước và ngoài nước tại thời điểm 31/12/2023.

Cụ thể, số lượng tài khoản giao dịch trong nước có 7,25 triệu tài khoản với 7,23 triệu tài khoản là của nhà đầu tư cá nhân và 16.235 tài khoản là của nhà đầu tư tổ chức.

Dân Việt trở lại với đầu tư chứng khoán? - 1

Thị trường chứng khoán hiện đang có 7,23 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân (Ảnh minh họa: Mai Chi).

Số lượng tài khoản giao dịch nước ngoài đạt con số 45.384 tài khoản, trong đó tài khoản cá nhân là 40.833 tài khoản và tài khoản của nhà đầu tư tổ chức là 4.551 đơn vị. Tổng số tài khoản giao dịch đến cuối năm 2023 là 7,29 triệu đơn vị. Con số này tăng 39.618 đơn vị so với thời điểm cuối tháng 11/2023.

Như vậy, trong tháng 12/2023, số tài khoản đăng ký mới đã vượt quá số lượng tài khoản bị đóng, phản ánh sự gia nhập tích cực của nhà đầu tư với thị trường chứng khoán. Riêng số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân tăng so với tháng trước là 39.240 tài khoản.

Số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước tăng trở lại sau khi sụt giảm 2 tháng liên tiếp vào tháng 10 và tháng 11 do ảnh hưởng của hoạt động làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán của cơ quan chức năng hoàn thiện trong tháng 11/2023.

Lũy kế cả năm qua, Tính chung cả năm, số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã tăng thêm tổng cộng 391.109 tài khoản.

Theo quyết định vừa được Chính phủ ban hành, phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, mục tiêu số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.

Trong đó, Chính phủ đề nghị phải tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu phấn đấu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030; thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20-30% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030.

Đến năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam phấn đấu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/dan-viet-tro-lai-voi-dau-tu-chung-khoan-20240105175737773.htm

  • Từ khóa