Trồng cây, trồng rừng hiệu quả, thiết thực

Thứ 3, 13.02.2024 | 14:55:55
422 lượt xem

Năm 2023, ngành lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thị trường xuất khẩu lâm sản phục hồi chậm, tình trạng lạm phát của thế giới vẫn ở mức cao,… đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.

Được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng, người dân tích cực tham gia bảo vệ, khoanh nuôi và trồng rừng. 


Nhưng các địa phương trong cả nước đã trồng được 250.000 ha rừng trồng tập trung và 127 triệu cây phân tán, góp phần bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến với sản lượng khai thác đạt hơn 22 triệu mét khối gỗ; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì 42,02%.

Cùng với đó, công tác bảo vệ rừng chuyển biến tích cực, theo hướng giảm cả về số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại; thu dịch vụ môi trường rừng đạt cao; đóng vai trò quan trọng trong kết quả chung của toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thực hiện Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025" của Chính phủ, đến nay, sau ba năm triển khai, gần 80% mục tiêu đề ra đã thực hiện hiệu quả. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả to lớn, nhưng việc triển khai nhiệm vụ trong hai năm cuối đang gặp không ít khó khăn do quỹ đất trồng rừng mới ngày càng thu hẹp, diện tích đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp đã cơ bản được trồng và nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để phát triển kinh tế của địa phương...

Ngành Lâm nghiệp hiện đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, cạnh tranh thương mại toàn cầu trong xuất khẩu gỗ và lâm sản ngày càng tăng; chính sách đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng và hạ tầng lâm nghiệp chưa tương xứng; diện tích rừng trồng gỗ lớn và rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững chiếm tỷ trọng chưa cao; đời sống, thu nhập của người dân làm nghề rừng còn thấp; tình trạng vi phạm pháp luật lâm nghiệp còn xảy ra phức tạp ở một số địa phương. Thực tế đó đặt ra cho ngành lâm nghiệp và cộng đồng xã hội những nhiệm vụ mới, nặng nề hơn là đi đôi với việc bảo vệ rừng hiệu quả, cần phải trồng mới thêm nhiều cây xanh nhằm bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển bền vững, vừa bảo đảm nguồn nguyên liệu gỗ và lâm sản phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Trước những yêu cầu đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về tổ chức "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt pháp luật về lâm nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch trồng cây phân tán, trồng rừng tập trung, phát triển lâm sản ngoài gỗ; nông lâm kết hợp; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học gắn với việc phát triển kinh tế-xã hội, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nâng cao giá trị đa dụng của rừng ở địa phương. Việc tổ chức triển khai "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp, đồng thời tăng cường huy động xã hội hóa, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, tham gia trồng cây, trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời điểm tổ chức phát động "Tết trồng cây" đối với các tỉnh phía bắc tiến hành vào đầu xuân năm mới 2024, đối với các tỉnh phía nam tiến hành vào dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19/5) và kéo dài cả năm, phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương. Cùng với việc nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện trồng cây, gây rừng, ngành lâm nghiệp cần tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, tăng cường công tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng; mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn để bảo đảm chủ động cung cấp nguyên liệu bền vững và hợp pháp cho ngành chế biến gỗ; góp phần nâng cao năng suất, giá trị của rừng trồng và giá trị gia tăng của ngành chế biến gỗ.

Phát triển dịch vụ môi trường rừng đồng thời quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn từ dịch vụ môi trường rừng bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật; phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khai thác lợi thế, giá trị về tài nguyên thiên nhiên, gắn với văn hóa, lịch sử và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương. Thông qua đó, phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng; phát triển nguồn thu từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon, nhằm đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ổn định, bền vững.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/trong-cay-trong-rung-hieu-qua-thiet-thuc-post796050.html

  • Từ khóa