Diễn biến khả quan về lượng hàng tiêu thụ tăng trở lại nhờ nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nửa cuối năm 2023 giúp ngành thép được dự báo có thể lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2024 với triển vọng sản xuất thép sẽ tăng khoảng 10%. Đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua được đánh giá sẽ tác động tích cực tới thị trường bất động sản thời gian tới, là cơ hội để ngành thép đẩy mạnh tăng trưởng.
Dây chuyền sản xuất thép tại Nhà máy cán thép Thái Nguyên (thuộc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên).
Trong năm 2024, sự phục hồi của thị trường sẽ giúp biên lợi nhuận các doanh nghiệp sản xuất thép được cải thiện sau một thời gian dài chịu cảnh thua lỗ, tồn kho.
Tín hiệu lạc quan
Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), kinh tế Việt Nam có những điểm sáng tích cực trong năm 2023 khi tăng trưởng được thúc đẩy; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm,... Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng từ nhu cầu của thị trường toàn cầu suy giảm, sản xuất thép thành phẩm trong năm 2023 của các doanh nghiệp thành viên chỉ đạt 27,76 triệu tấn, giảm 5%; tiêu thụ thép thành phẩm đạt gần 26,3 triệu tấn, giảm 3,5% so với năm 2022. Tuy vậy, xuất khẩu lại là điểm sáng khi có sự tăng trưởng đáng kể, đạt 8 triệu tấn, tăng 29% so năm trước, với các thị trường xuất khẩu chủ yếu tại khu vực ASEAN, EU, Hoa Kỳ và Ấn Độ,...
VSA cũng cho biết, dự kiến trong năm 2024, tiêu thụ thép sẽ tăng khoảng 6,4%, xuất khẩu thép tăng lên gần 13 triệu tấn. Mục tiêu này được đặt ra dựa trên kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay. Bên cạnh đó, nhu cầu thép của thế giới dự kiến cũng tăng 1,9%, đạt 1,8 tỷ tấn trong năm 2024, trong đó nhu cầu thép của ASEAN kỳ vọng tăng 5,2%. VSA nhận định, triển vọng sản xuất thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2024 và 8% vào năm 2025 khi nhu cầu sử dụng thép của các ngành kinh tế trong nước phục hồi trở lại. Sản xuất thép thành phẩm trong hai năm 2024 và 2025 ước đạt khoảng 28 triệu-30 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước khoảng 22 triệu-23 triệu tấn.
Bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp thép đã bước qua thời kỳ ảm đạm khi giá thép có dấu hiệu phục hồi trở lại, các doanh nghiệp không phải trích lập hàng tồn kho lớn như năm ngoái. Lợi nhuận của các doanh nghiệp thép đang dần cải thiện nhờ tiêu thụ, xuất khẩu thép tăng trở lại, hàng tồn kho tại các doanh nghiệp đã giảm. Công ty cổ phần Thép tấm lá Thống Nhất là doanh nghiệp đầu tiên báo có lãi trở lại trong quý IV/2023 với doanh thu đạt 447 tỷ đồng, gấp gần 4 lần quý IV/2022; lợi nhuận đạt 3,38 tỷ đồng (quý IV/2022 lỗ 4,5 tỷ đồng); lũy kế cả năm 2023, doanh nghiệp lãi 2,8 tỷ đồng.
Ngay trong ngày đầu tháng 1/2024, thép có đợt điều chỉnh tăng giá đầu tiên (tăng 200 nghìn-400 nghìn đồng/tấn) sau 21 lần điều chỉnh giảm trong năm 2023. Mới đây, ngày 21/1, mặt hàng thép đã tăng giá lần thứ 2 với mức tăng phổ biến từ 250 nghìn-300 nghìn đồng/tấn và tăng từ 450 nghìn-700 nghìn đồng/tấn so với thời điểm cuối năm 2023, tùy chủng loại. Hiện giá thép thanh vằn trong nước đang dao động quanh mức 14,3 triệu-14,9 triệu đồng/tấn (giá thanh toán ngay tại nhà máy, chưa VAT, đã trừ chiết khấu tối đa theo sản lượng và vùng miền).
Bám sát diễn biến thị trường
Việc giá thép trong nước phục hồi diễn ra trong bối cảnh giá thép trên thị trường thế giới diễn biến tăng; nền kinh tế Việt Nam đang có những diễn biến tích cực, hỗ trợ cho sự tăng trưởng, tiêu thụ cũng như sản xuất thép. Điển hình nhất là từ quý III/2023, các địa phương, bộ, ngành đồng loạt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông khiến nhu cầu tiêu thụ thép gia tăng. Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn hay “nút thắt” trong chính sách cho thị trường bất động sản (chiếm 60% nhu cầu thép cả nước), góp phần thúc đẩy sản lượng thép tiêu thụ trong nước.
Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Đa nhận định, năm 2023 có thể xem là một trong những năm khó khăn nhất của ngành thép từ trước đến nay do tăng trưởng kinh tế giảm sút. Nguyên nhân bởi các ngành tiêu thụ thép chính, nhất là xây dựng suy giảm rất mạnh, tổng lượng tiêu thụ thép năm 2023 giảm khoảng 9%; diễn biến thị trường nguyên liệu sản xuất biến động phức tạp.
Do đó, năm 2024 sẽ là năm bản lề quan trọng của ngành thép, bởi giá thép đã ở đáy của chu kỳ giảm, nhiều khả năng thời gian tới, giá thép sẽ tiếp tục phục hồi. Nhìn xa hơn, nhu cầu thép chắc chắn sẽ tăng, đến năm 2030 mức tiêu thụ thép trung bình đạt 290-300 kg/người, tăng mạnh so với mức 240 kg/người ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là tiền đề cho chu kỳ phát triển và tăng trưởng mới của ngành thép Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Chủ tịch VSA cũng lưu ý, các doanh nghiệp thép chưa nên quá lạc quan mà cần chủ động tìm hiểu, theo sát diễn biến nhu cầu thị trường một cách thận trọng trước khi xu hướng này được định hình và xác lập chắc chắn trong năm 2024. Đồng thời, cần nâng cao năng lực, nguồn lực tài chính, nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi công nghệ, tập trung cho chuyển đổi xanh, sản xuất xanh để giảm phát thải các-bon.
Từ đó có thể mở rộng thị trường xuất khẩu phù hợp với cơ chế điều chỉnh các-bon biên giới của EU (CBAM) vừa thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026. Cần minh bạch hơn nữa trong quản trị, hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ bị các nước mở điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh thương mại toàn cầu hiện nay.
Mặc dù khó khăn còn phía trước, nhưng những tín hiệu tăng giá trong thời điểm hiện nay sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của thị trường; “bức tranh” triển vọng lạc quan của ngành thép đã khá rõ khi danh sách các dự án đầu tư công mới sẽ triển khai trong năm 2024 đang ngày một nối dài thêm sau những chỉ đạo quyết liệt và nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, để hỗ trợ cụ thể cho ngành thép hồi phục và phát triển, các chuyên gia kinh tế đề xuất, Bộ Công thương cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng phù hợp các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ thị trường thép trong nước. Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành thép để tận dụng cơ hội tại thị trường nội địa từ việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình giao thông, xây dựng lớn. Từ đó thúc đẩy nguồn cung sản xuất trong nước, tạo sự tăng trưởng đột phá, phát triển sản xuất thép, vật liệu xây dựng và cơ khí,...
Năm 2024, dự báo nhu cầu thép toàn cầu sẽ đạt 1,8 tỷ tấn, tăng 1,9% so năm 2023, nhưng nguồn cung thép toàn cầu dự kiến giảm nhẹ 1% do tác động từ việc Trung Quốc thực hiện kế hoạch cắt giảm sản lượng 2% trong năm tới. Giá thép thế giới trong năm 2024 dự kiến tăng nhẹ 3,5% so với năm 2023 trong bối cảnh nhu cầu hồi phục và nguồn cung thắt chặt.
Nguồn: Hiệp hội Thép thế giới (WSA)
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/trien-vong-phuc-hoi-cua-nganh-thep-post796126.html