Thị trường Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nhóm nhà đầu tư cá nhân, với hoạt động giao dịch thường ngắn hạn. "Cá mập" không hoàn toàn thắng lợi, nhưng nhiều quỹ vẫn mang lại hiệu suất đáng nể.
VN-Index kết thúc năm Quý Mão 2023 với mức tăng trưởng 12,2%. Tuy nhiên, không phải biến động tài sản của mọi nhà đầu tư đều đồng pha với chỉ số, bao gồm cả các quỹ giao dịch lớn, thường được ví là "cá mập", "cá voi" trên thị trường.
"Tôi tham gia Pyn Elite Fund từ mùa hè 2022 khi thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc. Sau một năm rưỡi, tài khoản của tôi vẫn đang lỗ. Tôi có nên lo lắng không?", lãnh đạo Pyn Elite Fund đã chia sẻ tâm trạng này của một bộ phận nhà đầu tư tại bức "tâm thư" đăng tải mới đây trên website chính thức của quỹ.
Pyn Elite Fund là quỹ ngoại từ Phần Lan, có quy mô hơn 700 triệu EUR (khoảng 18.800 tỷ đồng).
Trong bài viết chia sẻ với nhà đầu tư, ông Petri Deryng, người đại diện của Pyn Elite Fund, cho biết, nếu như năm 2022, hiệu suất đầu tư của Pyn Elite vượt trội so với chỉ số VN-Index thì năm 2023 lại tụt phía sau. Năm 2022, hiệu suất đầu tư của Pyn Elite cao hơn 5% so với mức tăng của VN-Index thì trong năm vừa rồi, tình hình là con số này ở mức thấp hơn gần 10%.
Thị trường nhiều biến động trong năm 2023 nhưng nhiều quỹ vẫn thắng VN-Index (Ảnh minh họa: Hải Long).
Một cách chính xác thì giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ đã giảm liên tục trong 3 tháng (8, 9 và 10/2023), chỉ tăng khoảng 8% trong tháng 11 và 12. Hiệu suất của Pyn Elite Fund cho cả năm 2023 chỉ ở mức 1,69%, thua xa mức lãi suất tiết kiệm ngay cả khi nền lãi suất xuống thấp kỷ lục.
Trong tháng 10, thị trường chứng khoán Việt Nam bất ngờ giảm 10% khi nhà đầu tư cá nhân nội địa trở nên lo ngại trước con số lạm phát tại nền kinh tế Mỹ. Họ cho rằng điều này khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể hạ lãi suất để ổn định tình hình.
Việc giảm 10% trong một tháng là rất dữ dội và nguyên nhân chủ yếu là thị trường Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nhóm nhà đầu tư cá nhân, với hoạt động giao dịch thường ngắn hạn.
Như vậy, đúng như lời lãnh đạo Pyn Elite Fund chia sẻ với nhà đầu tư: "Ngay cả những nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm nhất cũng không thể phán đoán chính xác biến động thị trường". Tuy nhiên, nhà đầu tư giàu kinh nghiệm có thể xác định các yếu tố tác động tới thị trường.
Trên thực tế, vẫn có rất nhiều quỹ thắng thị trường trong năm qua, điển hình là VCBF-MGF do Công ty TNHH Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) quản lý đạt hiệu suất lên tới 32%. Bên cạnh đó, một số quỹ khác của VCBF cũng mang lại lợi nhuận lớn như VCBF-BCF có hiệu suất 16,7%; VCBF-TBF có NAV tăng 16,9%.
Quỹ đầu tư Lợi thế cạnh tranh bền vững SSI (SSI-SCA) cũng thắng lớn trong năm 2023 với mức tăng trưởng NAV lên đến 30,6%. Tài sản của 2 quỹ TVGF3 và TVGF4 của Công ty Quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM) cũng có hiệu suất ấn tượng, lần lượt là 31,2% và 27,7%.
"Cá mập" VinaCapital trong năm qua cũng đạt hiệu quả cao với hiệu suất đầu tư của các quỹ VinaCapital-VESAF và VinaCapital-VEOF lần lượt đạt lợi nhuận 31% và 19,5%. VMEEF, quỹ mở mới nhất của Vincapital cũng đạt mức hiệu suất 13,2% chỉ sau 8 tháng đi vào hoạt động (4/5/2023-31/12/2023).
Nhóm quỹ của Dragon Capital là DCDS và DCDE thắng VN-Index với mức tăng trưởng NAV năm 2023 lần lượt là 27,8% và 23,4%.
Mặc dù có hiệu suất khiêm tốn, lãnh đạo Pyn Elite Fund cho biết, thị trường chứng khoán hiện chưa phản ánh tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp và việc lãi suất đi xuống, chưa nói tới chuyện nền kinh tế Việt Nam đang có màn biểu diễn xuất sắc và triển vọng lợi nhuận tích cực trong vài năm tới.
Người đứng đầu quỹ Pyn Elite Fund tỏ ra lạc quan vào triển vọng thị trường. Ông Petri Deryng nhận định có nhiều lý do để kỳ vọng thị trường sẽ tăng mạnh, chứng khoán đang có định giá hấp dẫn. P/E của thị trường Việt Nam hiện đạt 11,6 lần. Theo dự báo, con số này có thể rơi về mức thấp là 9 lần trong năm 2024 nhờ kết quả kinh doanh cải thiện.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hoài Thu, CFA, Tổng giám đốc điều hành Quỹ đầu tư chứng khoán của VinaCapital, kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng khoảng 19%, cao nhất trong ASEAN và cao hơn cả Trung Quốc, Ấn Độ - 2 thị trường có truyền thống tăng trưởng cao của châu Á.
Với mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình 19% của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2024, P/E của VN-Index cho năm 2024 sẽ về khoảng 9,6 lần với mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại, gần như là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, và thấp hơn khoảng 25% so với mức định giá của các nước ASEAN-5 (Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan).
Hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng với các cơ quan liên quan và các công ty chứng khoán đang nỗ lực để đưa hệ thống giao dịch KRX vào vận hành sớm và loại bỏ quy định các nhà đầu tư tổ chức phải ký quỹ 100% trước khi giao dịch mua chứng khoán.
Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, VinaCapital ước tính tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng từ 0,7% đến 1,2% trong rổ chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell, và dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể lên tới 5-8 tỷ USD.
Theo dantri.com.vn