Những năm gần đây, Romania là lựa chọn đối với nhiều lao động Việt Nam đăng ký sang làm việc. Điểm thu hút nhất của thị trường này là nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài, lao động Việt Nam làm việc, thu nhập ổn định và thủ tục cấp visa thông thoáng. Đây thực sự là một thị trường tiềm năng trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, từ năm 2018 đến nay, Romania đã tiếp nhận gần 11.000 lao động Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây phát sinh tình trạng một số lao động tụ tập uống rượu, đánh bạc, bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc nghe theo đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ di cư trái phép sang nước khác... làm ảnh hưởng đến hình ảnh lao động Việt Nam làm việc tại Romania.
Do đó, để giữ ổn định thị trường Romania, tại công văn gửi đến các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Romania, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đã yêu cầu các đơn vị phải rà soát, chấn chỉnh hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Romania. Các đơn vị phải giáo dục, định hướng cho người lao động về phong tục, tập quán, quy định pháp luật nước sở tại và các nội dung người lao động cần tuân thủ theo hợp đồng lao động ký với người sử dụng; phổ biến cho người lao động về những rủi ro nếu bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc, trách nhiệm tuân thủ pháp luật nước sở tại.
Tuyển chọn lao động online tại phiên giao dịch việc làm quận Long Biên, TP Hà Nội. |
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cũng yêu cầu các đơn vị phải xây dựng phương án quản lý lao động hiệu quả. Đối với những nơi có nhiều lao động Việt Nam cùng làm việc, cần tổ chức quản lý theo mô hình tổ, đội, nhóm nhằm kịp thời phát hiện các vấn đề phát sinh để xử lý, giải quyết dứt điểm. Chủ động thông tin và phối hợp với người sử dụng lao động và Đại sứ quán Việt Nam tại Romania trong quản lý, giải quyết các vụ việc phát sinh liên quan đến lao động.
Ngoài ra, cần trao đổi với người sử dụng lao động về các biện pháp giám sát, thực hiện quy chế làm việc, nội quy sinh hoạt đối với người lao động, nhằm hạn chế tình trạng người lao động tụ tập uống rượu, đánh bạc; không để đối tượng xấu có cơ hội lôi kéo, dụ dỗ người lao động bỏ hợp đồng lao động hoặc di cư sang nước thứ ba. Nếu phát hiện người lao động bỏ hợp đồng cần thông báo tới gia đình, địa phương và đề nghị gia đình, địa phương phối hợp vận động, khuyên nhủ người lao động quay trở lại nơi làm việc hoặc trở về Việt Nam, tránh những rủi ro của việc cư trú và làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý nghiêm các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt là công tác tuyển chọn, đào tạo; công khai, minh bạch chi phí của người lao động trước khi đi; quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động chưa tốt dẫn đến người lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc; đình chỉ có thời hạn đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm; rút giấy phép đối với doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện theo quy định.
Theo qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/giu-uy-tin-tai-thi-truong-lao-dong-romania-765978