Trong 5 năm trở lại đây, người dân Lạng Sơn đã và đang từng bước xây dựng những nông trại trồng dâu tây gắn với liên kết sản xuất bán cây giống, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là nông trại Lý Gia Trang của chị Lý Thanh Nga, tại xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc.
Lý Thanh Nga, chủ nông trại Lý Gia Trang chăm sóc vườn dâu tây
Chúng tôi tới thăm nông trại của chị Nga vào một ngày trong tháng 2. Đã khoảng 17 giờ nhưng nông trại của chị vẫn tấp nập khách tham quan, trải nghiệm hái dâu tây và tới mua cây giống. Chị Nga hối hả đi từng vườn dâu tây vừa để giới thiệu giống cây cho khách mua, vừa để hướng dẫn người tới trải nghiệm cách chọn và hái quả chín.
Chị Nga chia sẻ: Hiện nay, nông trại có tổng diện tích 20 ha, chia thành nhiều phân khu. Riêng khu vực trồng dâu tây có diện tích gần 2 ha và một nhà kính để cấy mô cây giống có diện tích 1.000 m2.
Chị Nga cho hay: Con trai tôi đã tới nhiều trang trại trồng dâu tây để học hỏi mô hình, kỹ thuật trồng trong nhiều năm du học nghề tại Nhật Bản. Năm 2020, khi trở về Lạng Sơn, con trai tôi áp dụng kinh nghiệm đã học được để trồng thử giống dâu tây nhập từ Mộc Châu tại nông trại của gia đình.
Thời điểm đó, gia đình chị Nga đã đầu tư khoảng 800 triệu đồng xây dựng nhà kính với diện tích 1.000 m2 để trồng thử hơn 17.000 cây dâu giống. Tuy nhiên, trong suốt 2 năm (2020 - 2021), nông trại của chị Nga trồng dâu tây không thành công, cây ra hoa nhưng không có quả, khi cây ra quả lại không đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, chị Nga quyết định tới Công ty Cấy mô Đà Lạt, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng để mua cây dâu tây Hana F0 của Nhật Bản về tự gây giống và trồng.
Kiên trì trồng thử nghiệm và nghiên cứu kỹ thuật chăm bón, tới năm 2022, chị Nga nuôi cấy thành công khoảng 17.000 cây dâu tây Hana trong nhà kính. Từ đó, nông trại Lý Gia Trang đã trở thành một trong những nhà cung cấp giống dâu tây lớn tới nhiều tỉnh thành trên toàn quốc như Sơn La, Quảng Bình, Quảng Trị..., trung bình mỗi năm bán ra hơn 100.000 cây giống, thu về khoảng 800 triệu đồng/năm.
Nắm chắc kiến thức về điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu để thay đổi phương pháp trồng phù hợp, chị Nga đã trồng thành công gần 7.000 cây dâu tây tại vườn bên ngoài nhà kính.
Không chỉ đẩy mạnh công việc nuôi cấy, phân phối giống cây dâu tây, chị Nga còn phát triển nông trại theo hướng du lịch xanh, du lịch trải nghiệm, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tới chụp hình check-in, hái quả tại vườn vào mỗi mùa dâu tây chín, góp phần tăng doanh thu cho nông trại. Vào những ngày cao điểm, nông trại của gia đình chị Nga đón tiếp tới 300 đến 400 lượt khách. Nông trại của chị Nga cũng tạo việc làm thời vụ cho 7 - 12 lao động địa phương, thu nhập mỗi người từ 7 - 8 triệu đồng/tháng.
Ông Hoàng Văn Huấn, Chủ tịch UBND Xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc nhận xét: Thời gian qua, nông trại Lý Gia Trang đã trồng nhiều loại hoa tươi và cây ăn quả, trong đó dâu tây là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao từ việc cung cấp cây giống. Nông trại của chị Lý Thanh Nga còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều người dân sinh sống trên địa bàn xã, giúp họ có thu nhập tốt hơn.
Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở dần đảm bảo các tiêu chuẩn để xây dựng sản phẩm dâu tây trở thành một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của xã.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/lam-giau-tu-cay-dau-tay-giong-5001553.html