Khí hóa lỏng (gas) là mặt hàng kinh doanh có điều kiện do nguy cơ cháy nổ cao, tuy nhiên trên thực tế, việc quản lý thị trường này đang tồn tại nhiều bất cập. Vấn đề nổi cộm suốt thời gian qua là tình trạng thu gom, chiếm dụng bình gas, sang chiết gas trái phép. Nhiều đối tượng thu gom tiến hành mài nhãn hiệu trên vỏ của chủ sở hữu, thay đổi kết cấu, lô-gô, biến thành bình gas của mình rồi tung ra thị trường, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy hiểm về tính mạng người sử dụng.
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sang chiết gas trái phép tại khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai, ngày 26/9/2023. Ảnh: THIÊN VƯƠNG |
Mới đây, chiều tối 21/1/2024, tại điểm thu gom vỏ bình gas ở đường Nguyễn Trọng Quyền, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ đã xảy ra một vụ nổ lớn gây rúng động cả khu vực.
Theo thống kê của Chi hội gas miền nam (thuộc Hiệp hội Gas Việt Nam), cả nước hiện có hơn 30% lượng bình gas bị chiếm dụng và làm giả nhãn hiệu.
Trước đó, ngày 3/9/2023, trên địa bàn phường Cẩm Thủy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh cũng xảy ra vụ nổ bình gas làm ba người trong một gia đình bị thương.
Ngày 15/8/2023, một vụ nổ lớn liên quan đến bình gas xảy ra tại đường Yên Phụ (Hà Nội) làm bốn người bị thương,... Các vụ nổ kể trên là hồi chuông báo động về mức độ an toàn trong kiểm soát, quản lý kinh doanh, sang chiết gas.
Theo thống kê của Chi hội gas miền nam (thuộc Hiệp hội Gas Việt Nam), cả nước hiện có hơn 30% lượng bình gas bị chiếm dụng và làm giả nhãn hiệu. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng sang chiết lậu gas trên thị trường với những phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Hàng triệu vỏ bình gas không thể quay về doanh nghiệp sở hữu để tiến hành kiểm định khiến nguy cơ cháy, nổ càng lớn.
Thị trường gas được điều chỉnh bởi các hành lang pháp lý như: Luật Dầu khí, Luật Thương mại, Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Xây dựng,... cùng 11 nghị định, 14 thông tư hướng dẫn. Tưởng chừng các quy định về việc quản lý thị trường gas đã hết sức chặt chẽ, đủ sức ngăn chặn gas lậu, gas giả lưu thông, tuy nhiên, việc xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng chưa nghiêm, chưa hết trách nhiệm đã khiến cho các đối tượng vi phạm lộng hành, thị trường gas tiếp tục tiềm ẩn nhiều bất ổn, đe dọa sự an toàn của người dân.
Trước thực trạng nêu trên, ngành gas mong muốn Bộ Công thương sớm ban hành nghị định mới, thay thế Nghị định số 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh gas theo hướng tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động kinh doanh và dịch vụ kinh doanh gas, nhằm hạn chế việc chiếm dụng vỏ bình, chiết nạp gas lậu và cung cấp gas giả. Để bảo đảm yêu cầu quản lý, cần quy định rõ, ràng buộc các công ty đầu mối phải cập nhật và đăng ký khách hàng để quản lý chất lượng sản phẩm gas cung ứng cho thị trường, góp phần cùng cơ quan nhà nước bảo đảm an toàn cháy, nổ; qua đó, có thể quy được trách nhiệm những doanh nghiệp nếu xảy ra sự cố.
Riêng doanh nghiệp bán trực tiếp cho người tiêu dùng, cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm khi đưa ra khỏi kho hàng, chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố đối với người tiêu dùng; bán hàng với khách hàng phải có hợp đồng; có trách nhiệm hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ an toàn cháy nổ cho người tiêu dùng,…
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/quan-ly-chat-viec-sang-chiet-kinh-doanh-gas-post799265.html