Các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với tình trạng cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Các nhà khoa học xã hội cho rằng việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế, giúp thay đổi mô hình tăng trưởng.
Quang cảnh Tọa đàm “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt”. |
Ngày 7/1/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 40/QĐ-TTg về “Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, yêu cầu “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm; phấn đấu xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia có uy tín quốc tế”.
Theo Báo cáo gần đây về việc thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2023 của Bộ Công thương, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín tiếp tục đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới, 102% trong 5 năm (2019-2023).
Năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD, năm 2023 đã đạt 498,13 tỷ USD, tăng 1 bậc, lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), cho rằng: Giá trị thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng mạnh, dẫn đầu là các ngành viễn thông, ngân hàng, thực phẩm.
Các thương hiệu viễn thông đạt tổng giá trị thương hiệu 13,2 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2022, chiếm khoảng 31% tổng giá trị của tất cả các thương hiệu trong bảng xếp hạng. Ba thương hiệu dẫn đầu là Viettel với 8,9 tỷ USD, VinaPhone 800 triệu USD, MobiFone 800 triệu USD.
Thương hiệu ngân hàng có tổng giá trị thương hiệu 12,5 tỷ USD, tăng 47% so với năm 2022, chiếm 30% tổng giá trị tất cả các thương hiệu trong bảng xếp hạng. Dẫn đầu là Vietcombank với 1,9 tỷ USD; Agribank 1,4 tỷ USD; BIDV 1,4 tỷ USD; Vietinbank 1,3 tỷ USD, chiếm 81%.
Các thương hiệu ngành thực phẩm và đồ uống có tổng giá trị thương hiệu 6 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2022, chiếm khoảng 14% tổng giá trị của tất cả thương hiệu trong bảng xếp hạng. Trong số 5 thương hiệu thực phẩm và đồ uống có giá trị nhất Việt Nam (đạt 4,9 tỷ USD), có 2 thương hiệu quốc gia là Vinamilk với 3 tỷ USD và Habeco 200 triệu USD.
Kết quả nêu trên cho thấy, các thương hiệu hàng đầu Việt Nam đã có những cải tiến vượt bậc cả về giá trị và chỉ số sức mạnh thương hiệu, dần bắt kịp xu thế toàn cầu đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp, tiêu biểu là giá trị thương hiệu, để góp phần đáng kể gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực xây dựng và phát triển thương hiệu; tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu quốc gia và các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia trên các phương tiện truyền thông.
Tại thị trường nước ngoài, Chương trình đã tuyên truyền, quảng bá, chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm tiêu biểu của các địa phương như: Thanh long Bình Thuận; cà-phê Sơn La, Buôn Mê Thuột, Khe Sanh, Cầu Đất; vải Thanh Hà, Lục Ngạn; chè Shan Tuyết; xoài Yên Châu...
Từ đó, thương hiệu sản phẩm Việt Nam đã được giới thiệu rộng rãi hơn trên thế giới.
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), bức tranh thương hiệu Việt còn nhiều mảng chưa sáng, chưa có nhiều thương hiệu mạnh.
Nguyên nhân chính là do một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng doanh nghiệp chưa coi thương hiệu là công cụ cốt yếu để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng; việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu còn tự phát, nhỏ lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp và đồng bộ. Hệ thống chính trị nhiều nơi vẫn chưa thật sự quan tâm, quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu.
Bên cạnh đó, nguồn lực cho việc xây dựng thương hiệu còn thiếu; hoạt động quảng bá, xúc tiến hình ảnh chưa đồng bộ, thiếu hệ thống, khiến sức lan tỏa của thương hiệu Việt chưa được như yêu cầu.
Lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên giá cả, chưa dựa nhiều vào giá trị. Do đó, các doanh nghiệp rất cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để xây dựng và bảo vệ thương hiệu.
Để có một thương hiệu đã khó nhưng để có một thương hiệu nổi tiếng, đại diện quốc gia càng khó hơn, nhất là đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Thương hiệu không đơn giản chỉ ở cái tên mà phải hàm chứa chất xám về chất lượng, mẫu mã, công dụng… của sản phẩm.
Bên cạnh chất lượng thì yếu tố quan trọng, cốt lõi để tạo nên thương hiệu còn nằm ở giá cả và khả năng đáp ứng thị hiếu của khách hàng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, các nhà khoa học cho rằng, cần triển khai các chương trình, hoạt động đa dạng, trọng tâm là bảo vệ thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu; đồng thời, tư vấn, đào tạo, nâng cao năng lực xây dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp; tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam ở trong và ngoài nước…
Theo nhandan.vn