Thương mại Việt - Mỹ phát triển

Thứ 3, 19.03.2024 | 09:00:35
461 lượt xem

Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn hội nhập cao hơn, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu khi thu hút dòng vốn chất lượng cao từ Mỹ

Tháng 9-2023, trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Việt Nam, hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, nhiều thỏa thuận, thương vụ đầu tư trị giá hàng tỉ USD đã được doanh nghiệp (DN) hai quốc gia ký kết.

Nhiều chuyến thăm và thỏa thuận hợp tác

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, cho biết sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ, giới DN hai nước, đặc biệt là các DN Mỹ, đã rất hào hứng tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Phía Mỹ đã cử nhiều đoàn DN đến Việt Nam tìm hiểu, thúc đẩy hợp tác về công nghệ, chất bán dẫn, đất hiếm. Đặc biệt là trong chuyến thăm vào tháng 11-2023 của Chủ tịch Tập đoàn Nvidia, ông Jensen Huang, hai bên đã có rất nhiều cuộc trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Bởi trong thỏa thuận về đối tác chiến lược Việt - Mỹ, đây là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng trong hợp tác sắp tới giữa hai nước sau khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện.

Tháng 12-2023, Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ bán dẫn Mỹ (SIA) và các DN thành viên tiếp tục có chuyến làm việc tại Việt Nam. Tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, ông John Neuffer, Chủ tịch SIA, chia sẻ nhiều DN trong đoàn đã có những khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam, như Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon… và nhiều DN trong số này đang xem xét tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Bởi họ nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Ngay lúc này, đoàn DN cấp cao gồm 50 công ty hàng đầu của Mỹ hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Công nghệ, năng lượng, hàng không và quốc phòng, sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, dịch vụ tài chính, y tế, quỹ đầu tư… đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 18 đến 21-3.

Thương mại Việt - Mỹ phát triển- Ảnh 1.

Họp báo chiều 18-3 tại Hà Nội giới thiệu đoàn doanh nghiệp cấp cao gồm 50 công ty hàng đầu của Mỹ đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Ảnh: DƯƠNG NGỌC

Phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 18-3 ở Hà Nội, ông Ted Osius - nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) - nhấn mạnh đây là phái đoàn DN lớn nhất của Mỹ tới Việt Nam kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện.

Theo ông Ted Osius, tiếp sau phái đoàn này sẽ có đại diện một số DN Mỹ liên quan lĩnh vực sức khỏe và khoa học đời sống đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh. Phái đoàn có các DN đến từ nhiều ngành khác nhau, thể hiện nội dung hợp tác rất đa dạng. Điều hết sức đặc biệt của phái đoàn này là có sự phối hợp giữa tư nhân với chính phủ. "Trong phái đoàn sẽ có bà Sarah Morgenthau - đại diện đặc biệt về thương mại và kinh doanh, Bộ Ngoại giao Mỹ; bà Reta Jo Lewis, Chủ tịch Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Mỹ; đại diện nhiều công ty, tập đoàn Mỹ… Điều này thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công và khu vực tư trong thúc đẩy hợp tác kinh tế với Việt Nam. Có rất nhiều cơ hội trước mắt chúng ta trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược toàn diện, gồm: Chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thúc đẩy cam kết phát thải ròng bằng 0, thúc đẩy vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy năng lực sản xuất của Việt Nam…" - ông Ted Osius khẳng định.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nhấn mạnh tầm quan trọng của phái đoàn DN rất lớn và đa dạng đến Việt Nam lần này. "Điều này không chỉ phản ánh cam kết của chính phủ Mỹ mà còn của khu vực tư nhân Mỹ nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh, nỗ lực triển khai các hành động cụ thể sau khi hai nước nâng cấp quan hệ" - ông Marc Knapper nói.

Cơ hội thu hút thêm nhiều "đại bàng"

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến tháng 2-2024, Việt Nam thu hút được 39.553 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 473 tỉ USD đến từ 145 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ đứng thứ 11 với 1.347 dự án, tổng vốn đăng ký trên 11,8 tỉ USD.

Ở lĩnh vực thương mại, Bộ Công Thương cho biết trong năm 2023, trong bối cảnh các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm nhưng kết quả xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ vẫn là điểm sáng. Theo đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 96,78 tỉ USD, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất siêu sang thị trường Mỹ trong cả năm 2023 đạt 83 tỉ USD.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tới các thị trường lớn phục hồi tốt và đạt mức tăng cao. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch ước đạt 17,4 tỉ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước. "Sự khởi đầu thuận lợi trong 2 tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các DN tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho hàng hóa Việt Nam trong năm 2024" - Bộ Công Thương cho hay.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, nhìn nhận dư địa để gia tăng thị phần các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta tại thị trường Mỹ còn rất lớn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Mỹ muốn đa dạng chuỗi cung ứng của mình, vấn đề hàng tồn kho cao đang dần được khắc phục. Nếu tận dụng được cơ hội, Việt Nam có thể đạt được những con số xuất khẩu ấn tượng vào thị trường này trong năm 2024.

Ông Michael Kokalari - Giám đốc phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường, Quỹ VinaCapital - đánh giá vị thế thu hút vốn FDI của Việt Nam càng được củng cố và chất lượng vốn FDI cũng được nâng cao, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Nhìn về phía DN, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ là Apple lần đầu tiên công bố sẽ đưa một số công đoạn thiết kế phát triển sang thực hiện tại Việt Nam, bên cạnh hoạt động sản xuất, lắp ráp sản phẩm hiện tại. "Apple cũng sẽ chuyển hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) sang Việt Nam, sau khi quyết định sản xuất Apple Watch tại Việt Nam vào năm 2022 - vốn là một sản phẩm phức tạp. Tập đoàn này có "những kế hoạch lớn cho Việt Nam", bước chuyển từ lắp ráp sản phẩm sang thiết kế các sản phẩm cho thấy tập đoàn này đang nâng cao chất lượng các hoạt động của họ tại đây" - ông Michael Kokalari nói.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh có nhiều lợi thế để thu hút dòng vốn FDI, nhất là vốn chất lượng cao từ Mỹ, Việt Nam cần đẩy nhanh phát triển hạ tầng. Cụ thể, hạ tầng vận tải và kho bãi của Việt Nam cần được nâng cấp càng sớm càng tốt, khả năng cung cấp nguồn điện ổn định cho sản xuất… CEO của HSBC Việt Nam, ông Tim Evans, cho rằng để thu hút vốn FDI nhiều hơn, Việt Nam cần xác định đâu là nút thắt gây khó nhiều nhất trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Mỹ, để từ đó đặt ra kế hoạch hành động toàn diện và khả thi để tháo gỡ.

Theo khảo sát mới nhất của HSBC Global Connections, các thay đổi về luật pháp là một trong 2 thách thức lớn nhất đối với DN nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam. Trong đó, 30% công ty tham gia khảo sát nhắc đến khó khăn trong việc thích nghi với các chính sách và quy định thay đổi nhanh chóng ở Việt Nam. "Xây dựng khung pháp lý ổn định và dễ vận dụng sẽ là một bước tích cực trong thu hút thêm các bên tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam" - ông Tim Evans nói. 


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/thuong-mai-viet-my-phat-trien-196240318220854906.htm

  • Từ khóa