Công trình mở mới đường liên xã từ thị trấn Chi Lăng vào xã Y Tịch (huyện Chi Lăng) có chiều dài hơn 7,8 km, có điều kiện thi công đặc biệt khó khăn bởi 2/3 chiều dài tuyến là thi công ven các triền núi đá. Mặc dù vậy, các đơn vị xây lắp đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhan tiến độ.
Công nhân khoan phá đá Công ty Cổ phần xây dựng Trường An thực hiện khoan nổ mở nền đường tại khu vực đầu tuyến thuộc thị trấn Chi Lăng
Công trình mở mới đường liên xã từ thị trấn Chi Lăng vào xã Y Tịch được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp B, với chiều dài tuyến 7,83 km, tổng mức đầu tư hơn 164 tỷ đồng, chủ đầu tư là Ban quản lý xây dựng và bảo trì hạ tầng giao thông (thuộc Sở Giao thông Vận tải), thời gian thực hiện dự án từ 2021-2024. Đáng chú ý, tuyến đường có tới 5/7,8 km chiều dài tuyến nằm trên các triền núi đá, điều kiện thi công rất khó khăn do độ dốc lớn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban quản lý xây dựng và bảo trì hạ tầng giao thông chia sẻ: Công tác tổ chức thi công trên tuyến gặp nhiều thách thức, các đơn vị không thể tổ chức đồng loạt thi công vì không có đường công vụ phục vụ vận chuyển tập kết máy móc, thiết bị. Muốn thi công được khu vực giữa tuyến phải đi qua tuyến mở mới của đơn vị xây lắp bên ngoài. Không những vậy, khối lượng thi công nền đường đa số là phá đá, nổ mìn, nhà thầu muốn tiếp cận được khu vực phạm vi thi công bên trong phải mất thời gian chờ đơn vị bên ngoài mở nền sơ bộ.
Trên cơ sở phân tích hiện trường thực hiện xây lắp công trình, chủ đầu tư và 4 đơn vị trúng thầu xây lắp đã thống nhất đề ra giải pháp là chia theo từng đoạn để các đơn vị đều có thể triển khai sản xuất các hạng mục công việc theo thiết kế. Đồng thời, các đơn vị huy động tối đa hệ thống thiết bị nổ mìn và công nhân lành nghề để khoan phá mở nền sơ bộ trên tuyến nhằm hỗ trợ các đơn vị khác tiếp cận phạm vi thi công.
Ông Lương Quang Ninh, Phó chỉ huy trưởng Công ty Cổ phần xây dựng Trường An Lạng Sơn (đơn vị đảm nhiệm thi công 2,5 km chiều dài khu vực đầu tuyến) cho biết: Do điều kiện thi công đặc biệt khó khăn, đơn vị đã huy động tối đa phương tiện, thiết bị và 20 công nhân lành nghề chia làm 3 tổ sản xuất thi công liên tục từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối. Mục tiêu đặt ra là hoàn thành mởi nền thông tuyến càng sớm càng tốt vừa đáp ứng tiến độ, vừa hỗ trợ nhà thầu phía trong triển khai các hạng mục theo kế hoạch. Với biện pháp thi công nêu trên, từ tháng 10/2023, đến nay đơn vị đã hoàn thành mở nền đường trên triền núi đá được 1,5/2,5km và phấn đấu hoàn thành mở nền thông tuyến vào cuối tháng 4/2024.
Tương tự, tại đoạn tuyến do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển nông thôn Song Quang đảm nhiệm, việc triển khai khoan phá nổ mìn mở nền đường được đơn vị phối hợp với các nhà thầu khác trong liên danh tổ chức khẩn trương.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển nông thôn Song Quang cho biết: Đoạn tuyến đơn vị đảm nhiệm mở mới là hơn 1,5 km, toàn bộ đoạn tuyến đều nằm trên triền núi đá. Trong điểu kiện không có đường công vụ đơn vị đã phối hợp hỗ trợ nhà thầu thi công phía bên ngoài đẩy nhanh hạng mục khoan phá mở nền bằng việc bổ sung thêm các mũi khoan phá và máy nén khí để tạo nền đường. Sau khi tiếp cận được phạm vi thị công, đơn vị đã tăng cường thiết bị, nhân lực hoạt động hết công suất để tăng tốc thi công hạng mục. Với sự phối hợp nhịp nhàng, đến giữa tháng 3/2024, đơn vị đã hoàn thành mở nền đường trên triền núi đá được 1,1/1,5 km.
Nhờ sự phối hợp có hiệu quả giữa các nhà thầu và công tác điều hành sát sao của chủ đầu tư trong việc tháo gỡ các khó khăn, đến nay, khối lượng thực hiện dự án đã đạt 40% giá trị hợp đồng, trong đó hạng mục quan trọng nhất là mở nền thông tuyến đã đạt 70% kế hoạch.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban quản lý xây dựng và bảo trì hạ tầng giao thông nhấn mạnh: Hiện các khó khăn thực hiện dự án cơ bản được tháo gỡ, chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu xây dựng lại kế hoạch tiến độ để phê duyệt nhằm tăng tốc công trình. Mục tiêu đặt ra là hoàn thành đưa công trình vào khai thác trong tháng 10/2024.
Công trình mở mới đường liên xã từ thị trấn Chi Lăng vào xã Y Tịch sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách từ các xã Vạn Linh, Y Tịch theo đường mới đến quốc lộ 1A; giúp cho Chi Lăng kết nối giữa các vùng sản xuất na lớn của huyện về chợ đầu mối tiêu thụ tại thị trấn Chi Lăng gần hơn rất nhiều so với trước đây.
Theo baolangson.vn