1ha đất chỉ có thể sản xuất trong đúng khuôn khổ đất đó, nhưng với độ sâu của biển, 1ha mặt nước biển sẽ có thể sản xuất được nhiều sản phẩm hơn. Nuôi biển cũng chính là cách sản xuất bền vững, bảo tồn nguồn lợi biển cho muôn đời sau.
Doanh nghiệp, HTX, các nhà hoa học và địa diện chính quyền tỉnh Quảng Ninh bắt tay hợp tác phát triển nghề nuôi biển - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Đây là ý kiến PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đưa ra tại Hội nghị "Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh". Hội nghị được Bộ NN&PTNT phối hợp cùng UBND Tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức hôm nay (1/4).
Quyết liệt bảo vệ tài nguyên biển
Quảng Ninh là một trong 3 đầu tàu phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đảm bảo đồng bộ, liên thông, tổng thể đứng đầu khu vực phía Bắc.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết: "Quan điểm phát triển của Quảng Ninh là phát triển kinh tế biển xanh, sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên biển và đại dương để tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế việc làm cho người dân, đảm bảo sức khỏe của các hệ sinh thái biển và đại dương, không đánh đổi tài nguyên môi trường lấy tăng trưởng, phát triển kinh tế biển bằng mọi giá".
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh vai trò nuôi biển đóng góp vào kinh tế biển nói chung, ông Nguyễn Xuân Ký khẳng định đây sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới của tỉnh.
Với đường bờ biển dài hơn 250km, hơn 40.000ha bãi triều, gần 19.000ha rừng ngập mặn, 20.000ha diện tích eo biển và vịnh, ngư trường rộng lớn trên 6.100km2, 3 khu bảo tồn biển,…
"Quảng Ninh đặt mục tiêu năm 2030 trở thành trung tâm thủy sản của miền Bắc. Tỉnh đã quy hoạch hơn 45.000ha khu vực biển dành cho nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, gia tăng giá trị, tính bền vững gắn bảo tồn phát triển nguồn lợi thủy sản với phát triển du lịch dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo", ông Ký nhấn mạnh.
Trong đó, đổi mới cơ cấu giống, sản phẩm phù hợp với từng vùng, nâng cao năng suất, chất lượng của thủy sản, phát triển các vùng nuôi biển tập trung, ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, tổ chức sản xuất hiện đại. Trọng tâm là phát triển doanh nghiệp thủy sản và các mô hình tổ chức hợp tác. Chuyển từ mô hình sản xuất hàng hóa dựa trên kinh tế hộ, nhỏ lẻ, manh mún chạy theo sản lượng sang mô hình liên kết đa chủ thể theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm.
Quảng Ninh đặt mục tiêu năm 2030 trở thành trung tâm thủy sản của miền Bắc - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Chiến lược nuôi biển của Quảng Ninh là lấy nhà nông chuyên biệt làm nòng cốt, lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu hướng tới đa giá trị. Lợi thế lớn của tỉnh sẽ tận dụng thị trường khách du lịch mỗi năm trên 20 triệu khách để tiêu thụ và xuất khẩu tại chỗ.
Kết hợp nuôi trồng thủy hải sản hướng ra biển với khai thác thủy hải sản công nghệ cao, hiệu quả, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và dịch chuyển mật độ nuôi biển từ vùng biển 3 hải lý trở vào để mở rộng diện tích nuôi biển phù hợp với quy hoạch và sức tải của môi trường.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá rất cao sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong việc xây dựng nền kinh tế nuôi biển. "Không có việc gì chúng ta không thể làm được khi chỉ trong 2 năm, Quảng Ninh đã loại bỏ, thay thế được hơn 10 triệu phao xốp, dọn sạch được biển; hơn 100 HTX dịch vụ nuôi biển được thành lập ở tỉnh. Đó là những thành tựu to lớn mà Quảng Ninh đã làm được", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết các Bộ ngành sẽ phối hợp để xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nuôi biển về lồng bè để khắc phục tình trạng nuôi tự phát trong thời gian qua - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Lan tỏa tinh thần phát triển nuôi biển từ Quảng Ninh
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định: "Hội nghị Phát triển nuôi biển bền vững - Nhìn từ Quảng Ninh" còn có ý nghĩa lớn vì tỉnh Quảng Ninh sẽ là địa phương tiên phong, là "tâm điểm" của vòng tròn thủy sản. Từ đó lan tỏa, mở rộng thêm các vòng tròn đồng tâm khác, vòng tròn của sự quyết tâm, phát triển, đồng lòng…"
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích: "Cá heo liên tục xuất hiện ở biển Quảng Ninh, đó là một tín hiệu tốt lành. Tại sao hơn 10 triệu phao xốp vẫn có thể thay đổi, dẹp bỏ được? Biển Quảng Ninh trong con mắt của khách nước ngoài ngày càng đẹp hơn, sạch hơn… Sự quyết tâm, năng động của lãnh đạo, ngành chuyên môn; sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp; sự đồng thuận của người dân cho thấy, Quảng Ninh đã sẵn sàng hạ tầng nuôi biển, đó là những hạ tầng cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng xã hội, hạ tầng con người; đã xây dựng được hệ sinh thái nuôi biển… Quảng Ninh có mô hình độc đáo nuôi biển công nghệ cao kết hợp du lịch trải nghiệm. Quảng Ninh đã chọn ngành thủy sản để thành trụ cột nền kinh tế của mình trong thời gian tới".
Bộ NN&PTNT đã ghi nhận, tổng hợp các vướng mắc, nhanh chóng cùng các bộ, ngành kiến nghị với Chính phủ.
"Tư lệnh" ngành Nông nghiệp nhấn mạnh sẽ không khuyến khích bà con nuôi biển khi trên biển còn quá nhiều các hàng rào chính sách mong bà con hãy hết sức bình tĩnh để chúng ta cùng giải quyết từng phần".
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, các Bộ ngành sẽ phối hợp để xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nuôi biển về lồng bè để khắc phục tình trạng nuôi tự phát trong thời gian qua; thúc đẩy ngành nuôi trồng, chế biến rong tảo biển và các tiềm năng khác; nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu về khoa học, công nghệ để có các mô hình nuôi trồng công nghệ cao, chế biến sâu, để các sản phẩm thủy sản trở thành các sản phẩm mỹ phẩm, dược phẩm…
Quảng Ninh sẽ trở thành một nơi đổi mới sáng tạo của ngành hàng nuôi biển, sẽ có các trung tâm nghiên cứu về giống, chiến lược. Thủy sản sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh, các quyết sách của Trung ương cũng xác định Quảng Ninh sẽ trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc. Điều này sẽ trở thành hiện thực khi tỉnh có sự quyết tâm hành động của lãnh đạo, ngành chuyên môn; sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp; sự đồng thuận của người dân.
Hệ sinh thái ngành hàng nuôi biển cần có sự kết nối mật thiết giữa cơ quan quản lý chuyên ngành Trung ương, địa phương - cộng đồng doanh nghiệp - các Viện, trường, đối tác, chuyên gia quốc tế; tổ chức nghề nghiệp của người nuôi biển; người nuôi biển hay có sinh kế gắn với nuôi biển".
Nuôi biển bền vững, bài bản sẽ giúp giải quyết xung đột giữa ngành nuôi biển và phát triển du lịch biển vốn là thế mạnh của các địa phương ven biển, tránh câu chuyện "thủy sản đi tới đâu, du lịch lùi tới đó" và ngược lại.
"Nhìn vào thực trạng nuôi biển còn nhiều tồn tại để biết, rồi chúng ta phải nuôi trồng theo những cách thức mà thế giới đang tiếp cận. Đã có giấc mơ phải mơ lớn hơn nữa; đã có tham vọng thì phải tham vọng lớn hơn nữa", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/nuoi-bien-khat-vong-mot-nen-kinh-te-xanh-ben-vung-102240401115919641.htm