Những năm gần đây, không chỉ phát triển về số lượng mà chất lượng hoạt động của các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn thôn Quảng Hồng, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn được nâng lên rõ rệt. Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Thành viên HTX Hoa đào Bản Cao chăm sóc đào cảnh
Thôn Quảng Hồng được sáp nhập từ 3 thôn Quảng Hồng I, Quảng Hồng II và Quảng Hồng theo Quyết định số 05/QĐ-UBND ngày 4/1/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh. Thôn có diện tích tự nhiên 769 ha, có 245 hộ dân với 1.037 nhân khẩu.
Thôn có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông, lâm nghiệp và chăn nuôi, tuy nhiên trước đây người dân phát triển tự phát, không có liên kết nên sản phẩm không có đầu ra ổn định, giá trị kinh tế không cao.
Ông Hoàng Văn Luận, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Quảng Hồng cho biết: Để tăng liên kết giữa các hộ dân trong phát triển sản xuất, Chi bộ, Ban công tác mặt trận thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân tham gia thành lập các HTX. Cùng đó, chúng tôi tích cực tuyên truyền đến người dân về lợi ích khi tham gia kinh tế tập thể; tuyên truyền về các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các HTX…
Là HTX phát triển mô hình trồng đào cảnh trên địa bàn, HTX Hoa đào Bản Cao thành lập năm 2017 với ban đầu 13 thành viên. Bà Hoàng Thị Diệu, Phó Giám đốc HTX cho biết: Được sự quan tâm của ngành chức năng, năm 2020, HTX được Nhà nước hỗ trợ đưa trí thức trẻ về làm việc. Cùng đó, từ năm 2018 đến nay, HTX được Nhà nước hỗ trợ trên 300 triệu đồng phát triển sản xuất, mở rộng diện tích trồng đào từ 2,6 ha lên 12 ha. Qua đó, từng bước xây dựng thương hiệu hoa đào Quảng Lạc gắn với hội chợ hoa đào hàng năm. Năm 2023, doanh thu của HTX đạt trên 1 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2018.
Cũng như HTX Hoa đào Bản Cao, HTX Dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng được thành lập từ năm 2017. Ông Hoàng Văn Cương, Phó Giám đốc HTX cho biết: Với 9 thành viên khi mới thành lập, nay thành viên HTX đã tăng lên 17 người. Với trên 500 đàn ong, trung bình mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường khoảng 3.000 lít mật đem lại doanh thu 500 triệu đồng, tăng khoảng 30% so với năm 2017. Việc tham gia vào HTX góp phần giúp các thành viên có cơ hội trao đổi học tập kinh nghiệm chăm sóc đàn ong, tăng liên kết, từ đó có đầu ra sản phẩm ổn định.
Không chỉ 2 HTX trên, thôn Quảng Hồng hiện còn 2 HTX hoạt động hiệu quả là HTX Chế biến lâm sản và HTX An Hồng. Đây là thôn có nhiều HTX hoạt động hiệu quả nhất trên địa bàn tỉnh. Các HTX đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho trên 50 lao động địa phương với mức thu nhập dao động từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, năm 2023, tại thôn đã thành lập được tổ liên kết trồng cây lâm nghiệp Bạch đàn cao sản xóm Pác Cáp với diện tích gần 100 ha…
Ông Phạm Đình Duy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc cho biết: Quảng Hồng là thôn điển hình trong việc duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các HTX. Để hỗ trợ các HTX, Thời gian qua, UBND xã phối hợp với phòng chuyên môn thành phố tổ chức tập huấn ứng dụng kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho người dân. Trung bình mỗi năm, xã phối hợp tổ chức tuyên truyền lồng ghép cho người dân (trong đó có các thành viên HTX) từ 8 đến 10 lớp tập huấn với trên 500 lượt người tham dự về các nội dung phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Cùng đó, từ năm 2017 đến nay, UBND xã đã phối hợp UBND thành phố hỗ trợ một số HTX nông nghiệp trên địa bàn thôn Quảng Hồng phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.
Việc phát triển kinh tế tập thể hiệu quả đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thôn. Hiện thôn còn 6 hộ nghèo, chiếm 2,3%; thu nhập bình quân đầu người của thôn năm 2023 đạt 54,8 triệu đồng/người/năm, tăng khoảng 32 triệu đồng/người so với năm 2020.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/thon-quang-hong-diem-sang-trong-phat-trien-kinh-te-tap-the-5004654.html