Những năm qua, huyện Hữu Lũng đã khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, tận dụng hiệu quả các nguồn lực để từng bước phát triển chăn nuôi đại gia súc. Qua đó, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn huyện.
Người dân xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng phát triển mô hình chăn nuôi bò thương phẩm
Huyện Hữu Lũng có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh, những năm gần đây, chính quyền huyện luôn quan tâm hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi đại gia súc, UBND huyện đã chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi hình thức chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa với quy mô lớn hơn. Cùng đó, từ năm 2020 đến nay, bình quân mỗi năm, UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 4 - 6 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn cách xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa khép kín cho người dân.
Cùng đó UBND huyện đã lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc và khuyến khích xây dựng các mô hình trang trại, nhóm hộ liên kết trong chăn nuôi đại gia súc nhằm từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Đơn cử từ năm 2020 đến năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện 17 dự án chăn nuôi đại gia súc (bò và ngựa) tại 12 lượt xã với tổng kinh phí trên 8,9 tỷ đồng, quy mô 376 con, trong đó chủ yếu là chăn nuôi bò sinh sản. Hiện nay, các con giống được bàn giao cho người dân đều phát triển tốt, một số bò đã sinh bê, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập.
Ông Trần Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng cho biết: Năm 2020, xã được UBND huyện phân bổ nguồn vốn để thực hiện các mô hình giảm nghèo, theo đó, xã đã hỗ trợ 35 con bò giống cho 35 hộ nghèo, cận nghèo. Sau 3 năm triển khai, các con giống đều được các hộ chăm sóc tốt và đã sinh được trên 20 con bê, giúp các hộ dân có thêm nguồn thu nhập từ bán bê để đầu tư, phát triển thêm các mô hình kinh tế khác. Hiện có 27 hộ tham gia mô hình đã vươn lên thoát nghèo. Từ hiệu quả của mô hình, năm 2023, khi được phân bổ nguồn vốn, xã tiếp tục hỗ trợ 23 con bò giống cho 23 hộ nghèo, cận nghèo. Bên cạnh triển khai các dự án, UBND xã cũng tuyên truyền, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc. Hiện nay, toàn xã có 197/1.141 hộ dân chăn nuôi đại gia súc với tổng đàn trâu, bò trên 2,1 nghìn con.
Ngoài nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, người dân trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã chủ động đầu tư, xây dựng các gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc. Trên địa bàn huyện hiện có 10 gia trại, trang trại chăn nuôi đại gia súc với quy mô từ 15 con trở lên, thu nhập đạt 300 đến 600 triệu đồng/năm. Điển hình như mô hình của gia đình anh Sầm Văn Dậu tại thôn Hét, xã Vân Nham. Anh Dậu cho biết: Qua tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, nhận thấy chăn nuôi trâu, bò cho hiệu quả kinh tế tương đối ổn định, tỉ lệ rủi ro bệnh tật thấp và gia đình có nhiều quỹ đất phù hợp để phát triển chăn nuôi, năm 2020, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín với diện tích trên 200 m2, trồng 0,8 ha cỏ voi để chăn nuôi 20 con trâu, bò. Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm, gia đình luôn duy trì đàn trâu, bò khoảng 20 con. Mỗi năm, gia đình tôi xuất bán từ 18 - 20 con trâu, bò mang lại thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.
Bà Nông Thị Huyền Trang, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết: Thời gian qua, chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn huyện đã từng bước phát triển, mang lại hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập và góp phần vào công tác giảm nghèo của huyện. Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ người dân triển khai các dự án chăn nuôi phù hợp, trong đó ưu tiên mô hình chăn nuôi đại gia súc; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các xã tổ chức tập huấn, bổ sung kiến thức cần thiết trong chăn nuôi cho người dân; vận động người dân chuyển đổi hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Đồng thời, phòng sẽ liên hệ với các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gia súc để tìm đầu ra, giúp người chăn nuôi yên tâm lao động, sản xuất.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển chăn nuôi đại gia súc, tổng đàn đại gia súc của huyện Hữu Lũng đã tăng khá và trở thành một trong những mô hình kinh tế hiệu quả mà huyện đang hướng đến nhân rộng. Kết thúc năm 2023, huyện có tổng đàn trâu 8.000 con, tăng 6,38% so với năm 2022; tổng đàn bò 3.200 con, tăng 4,64%.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/huu-lung-chu-trong-phat-trien-chan-nuoi-dai-gia-suc-5005147.html