Không gian phát triển mới cho ngành năng lượng

Thứ 7, 13.04.2024 | 15:41:10
359 lượt xem

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề để các địa phương, các tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư có cơ sở triển khai phát triển điện lực, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, phù hợp với xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan đang gấp rút triển khai kế

Hai trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng

 Ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, bản kế hoạch này đã được Bộ Công Thương chi tiết hóa nhiều nội dung của Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg. Trong đó đã xác định cụ thể tiến độ đưa vào vận hành các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên của ngành điện giai đoạn tới năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 để làm cơ sở triển khai, điều hành phát triển nguồn điện (gồm có dự án điện khí trong nước, khí LNG, thủy điện vừa và lớn, thủy điện tích năng...). Đối với các dự án lưới điện truyền tải, đã xác định được giai đoạn vận hành cũng như hình thức đầu tư các dự án (nhà nước hoặc xã hội hóa) để làm cơ sở đầu tư phát triển lưới điện truyền tải, bảo đảm đồng bộ với phát triển nguồn điện cũng như cải thiện, nâng cao chất lượng, độ tin cậy của lưới điện truyền tải. Cùng với đó, xác định danh mục các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện sinh khối và điện sản xuất từ rác) phù hợp với quy mô công suất tính toán, phân bổ cho các địa phương.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII cũng đã xác định rõ hai trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng. Trung tâm 1 tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình và khu vực lân cận (quy mô khoảng 2.000MW), Trung tâm 2 tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh và mở rộng lân cận trong tương lai. Đối với nguồn điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, xử lý những khó khăn, vướng mắc, báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, xác định cụ thể các dự án trong thời gian tới.

Không gian phát triển mới cho ngành năng lượng
 Cụm khí điện đạm Cà Mau. Ảnh: AN SƠN

Cơ chế, chính sách cho điện gió ngoài khơi

 Dẫn tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tình hình cung ứng điện trong các năm tới còn nhiều rủi ro, phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ các dự án nguồn điện lớn trong Quy hoạch điện VIII. Để triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII hiệu quả, EVN kiến nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ ban hành cơ chế phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; sớm ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời tự sản tự tiêu; các cơ chế giao EVN và những doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư dự án nguồn điện, lưới điện trọng điểm... EVN cũng kiến nghị các địa phương sớm tổ chức lựa chọn chủ đầu tư các dự án nguồn điện để triển khai đầu tư, sớm đưa vào vận hành đáp ứng tiến độ theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, đặc biệt với nguồn điện lớn...

Nhấn mạnh việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII mới chỉ là kết quả bước đầu, để tổ chức thực hiện thành công kế hoạch này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, còn nhiều việc cần làm. Đối với các bộ, ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, cần nghiên cứu đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án điện đặc thù như: Điện khí, điện gió ngoài khơi, các dự án sản xuất hydrogen/amoniac sử dụng nguồn năng lượng tái tạo hay dự án xuất khẩu điện gió ngoài khơi; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách có liên quan, nhất là chính sách liên quan tới các cơ chế tài chính, cơ chế giá điện, cơ chế khuyến khích để hỗ trợ thực hiện... Đối với các địa phương, cần khẩn trương rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, bảo đảm thống nhất với quy hoạch điện lực cũng như các quy hoạch ngành quốc gia; đồng thời, rà soát, cập nhật các quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành của địa phương, nhất là quy hoạch, kế hoạch về sử dụng đất, quy hoạch xây dựng để sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, khẩn trương thực hiện việc lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhất là các dự án điện quy mô lớn, điện nền và dự án truyền tải...

Đặc biệt lưu ý với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, cần chủ động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các dự án nguồn điện trong kế hoạch. Đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc đã quyết định đầu tư nhưng nếu đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, thi hành bản án (nếu có), chỉ được tiếp tục triển khai thực hiện sau khi đã thực hiện đầy đủ các khuyến nghị, kết luận của cơ quan chức năng và phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục rà soát, tham mưu trong thời gian sớm nhất việc hoàn thành xây dựng các cơ chế, chính sách về phát triển điện gió ngoài khơi phục vụ xuất khẩu, sản xuất hydrogen, amoniac xanh, phù hợp với định hướng phát triển nêu tại Quy hoạch điện VIII; muộn nhất là trong quý II-2024 phải có đầy đủ cơ chế, chính sách này.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khong-gian-phat-trien-moi-cho-nganh-nang-luong-772538

  • Từ khóa