Công nghiệp khí thích ứng với xu hướng mới

Chủ nhật, 14.04.2024 | 09:22:51
357 lượt xem

Năm 2023, ngành công nghiệp khí Việt Nam có sự chuyển dịch mạnh mẽ khi Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) hoàn thành dự án kho chứa khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) một triệu tấn và nhập khẩu thành công chuyến hàng LNG đầu tiên nhằm bổ sung cho nguồn khí nội địa đang suy giảm mạnh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và xanh hóa nguồn năng lượng quốc gia.

Tiếp nhận thành công chuyến hàng LNG đầu tiên về kho LNG Thị Vải.


Với mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng, PVGas xác định nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2024-2025 là chuyển dịch mô hình kinh doanh, tập trung phát triển thị trường, làm động lực phát triển dài hạn,...

Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng

Giữa tháng 3, PVGas chính thức triển khai cung cấp LNG phục vụ sản xuất công nghiệp, đồng thời giới thiệu mô hình kinh doanh tích hợp gồm khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)/khí tự nhiên nén (CNG)/khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp khi hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng LNG tại khu vực phía nam, bao gồm các cấu phần như: Cảng nhập, kho chứa, hệ thống tái hóa và đường ống cấp cho các khách hàng điện, công nghiệp và trạm xe bồn. Với sản phẩm LNG đưa ra thị trường, đơn vị đã sở hữu bộ sản phẩm khí dùng làm nhiên liệu hoàn chỉnh để cấp cho khách hàng công nghiệp, gồm: Khí tự nhiên cấp bằng đường ống, CNG, LPG và LNG. Bên cạnh đó, PVGas sẽ cung cấp giải pháp về năng lượng dành cho thị trường với đa dạng sự lựa chọn, bảo đảm chất lượng, nguồn cung và giá cả cạnh tranh,...

Theo Tổng Giám đốc PVGas Phạm Văn Phong, việc cung cấp LNG cho sản xuất công nghiệp là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển chuỗi giá trị LNG của đơn vị, trong đó có các cam kết mang đến cho khách hàng giải pháp về năng lượng xanh, sạch và thân thiện hơn với môi trường, cùng đồng hành với Chính phủ thực hiện cam kết về Net Zero từ năm 2050. Việc này cũng đáp ứng nhu cầu của các khách hàng công nghiệp với yêu cầu chuyển đổi sang sản xuất xanh nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn mới của quốc tế trong xu hướng chuyển dịch năng lượng. “Với việc đưa ra gói giải pháp năng lượng theo mô hình kinh doanh tích hợp gồm khí khô, CNG, LPG, LNG, doanh nghiệp bảo đảm cung cấp cho khách hàng công nghiệp bộ giải pháp về năng lượng bền vững, giá cả cạnh tranh, cùng nhiều dịch vụ đi kèm về bảo dưỡng, hạ tầng,... qua đó, mang đến sự lựa chọn tối ưu, cùng nhiều giá trị gia tăng bền vững cho khách hàng” - ông Phạm Văn Phong khẳng định.

Phó Tổng Giám đốc PVGas Nguyễn Công Luận cho biết thêm, LNG là nguồn nguyên nhiên liệu với các ưu điểm vượt trội về hiệu quả sử dụng năng lượng, thân thiện với môi trường, thuận tiện trong quá trình vận chuyển và nguồn cung. Do đó, đơn vị tiếp tục đầu tư các hạ tầng trong chuỗi giá trị LNG, nhằm cung cấp gói giải pháp năng lượng tối ưu của doanh nghiệp dành cho thị trường. Đáng chú ý, việc phân phối LNG bằng xe bồn, tàu và đường sắt sẽ bảo đảm chuỗi cung ứng năng lượng liên tục, hiệu quả, hiệu suất cao cho các đối tác của PVGas, bảo đảm thực hiện đúng theo chiến lược phát triển thị trường khí của đơn vị.

“Tại Việt Nam, hiện PVGas đang chiếm 100% thị phần khí khô và 70% thị phần khí LPG. Để đáp ứng nhu cầu khí cho sản xuất công nghiệp tại Việt Nam, đơn vị sẽ khởi công giai đoạn 2 của Kho LNG Thị Vải với công suất nâng lên ba triệu tấn/năm, dự kiến vận hành vào năm 2026; triển khai dự án kho cảng trung tâm LNG Sơn Mỹ tại Bình Thuận với tổng công suất sáu triệu tấn/năm và triển khai các dự án đầu tư kho cảng LNG trung tâm tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Bên cạnh đó, đơn vị cũng thiết lập các thỏa thuận với các nhà cung cấp LNG lớn của thế giới nhằm bảo đảm nguồn cung ổn định và cạnh tranh cho thị trường nội địa” - ông Nguyễn Công Luận nhấn mạnh.

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách

Tổng Giám đốc PVGas Phạm Văn Phong cũng cho rằng, muốn hoàn thành các mục tiêu sản xuất, kinh doanh, sớm đưa các phương án cấp khí (LPG, LNG) tại miền bắc vào vận hành, tiếp tục tham gia tích cực vào thị trường kinh doanh LPG, LNG quốc tế, cung cấp khí làm nguyên liệu,... đơn vị sẽ tiếp tục nâng cao công tác quản trị, triển khai linh hoạt các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, sớm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng. Bên cạnh đó, đơn vị cũng làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ các nút thắt về cơ chế chính sách, nhất là các cơ chế chính sách cho việc đầu tư hạ tầng và tiêu thụ LNG cũng như cơ chế cho các cước phí đường ống đã đầu tư,... Trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp khí đến năm 2030 và xa hơn, PVGas tập trung thực hiện triệt để chiến lược phát triển, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm khí; đầu tư và phát triển kinh doanh LNG là động lực tăng trưởng. Trong đó, tập trung cung cấp khí cho các nhà máy điện khí; phát triển mạnh, gia tăng tỷ trọng tiêu thụ khí ngoài điện với mục tiêu tăng trưởng khách hàng công nghiệp, giao thông vận tải 10%/năm; tăng cường các hoạt động kinh doanh LPG, LNG quốc tế với mục tiêu duy trì chiếm lĩnh 70% thị phần kinh doanh LPG trong nước, kinh doanh quốc tế hơn một triệu tấn/năm. Ngoài ra, PVGas định hướng tham gia cung cấp LPG làm nguyên liệu cho lĩnh vực hóa dầu; phát triển dịch vụ trên cơ sở các lợi thế (vận chuyển, tồn trữ; cho thuê hạ tầng cảng, đường ống, kho bãi; dịch vụ tư vấn, bảo trì bảo dưỡng,...); nghiên cứu thử nghiệm và đưa hydro trộn vào khí để cấp cho các hộ tiêu thụ; tận dụng nhiệt lạnh sản xuất và kinh doanh khí công nghiệp...

Đánh giá thị trường thời gian tới, Tổng Giám đốc PVGas Phạm Văn Phong nhận định, đơn vị phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nguồn khí từ các mỏ nội địa đang suy giảm nhanh; nhu cầu khí của các hộ tiêu thụ điện, công nghiệp tiếp tục giảm, thiếu ổn định do xu hướng chuyển dịch năng lượng, giá than giảm, khó khăn của nền kinh tế; việc cấp khí/LNG cho các hộ tiêu thụ mới chưa có cơ chế để thực hiện,... Tuy nhiên, với trọng tâm giai đoạn 2024-2025 là chuyển dịch mô hình kinh doanh, đơn vị sẽ tập trung phát triển thị trường làm động lực tăng trưởng trong dài hạn, tạo động lực để doanh nghiệp vượt khó, hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Nhìn nhận về hoạt động của doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng lưu ý, PVGas cần tập trung vào tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và phát triển thương mại quốc tế đi cùng hệ sinh thái của PVN làm lực kéo cho thực hiện chiến lược; tập trung vào phát triển các dịch vụ liên quan như: Tồn chứa, vận chuyển, kinh doanh hạ tầng, hình thành mô hình kinh tế chia sẻ; xây dựng chiến lược về bảo đảm nguồn cung; tối ưu sản xuất, nhân rộng các mô hình hiệu quả cũng như thí điểm các mô hình mới; thúc đẩy nghiên cứu phát triển, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo,... nhằm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/cong-nghiep-khi-thich-ung-voi-xu-huong-moi-post804625.html

  • Từ khóa