Cơ hội cho hàng Việt xuất khẩu trực tiếp vào kênh phân phối nước ngoài

Thứ 5, 18.04.2024 | 08:52:07
411 lượt xem

Việc xuất khẩu trực tiếp vào kênh phân phối nước ngoài không chỉ giúp nhà sản xuất có thêm lợi nhuận mà còn giúp hàng Việt Nam có cơ hội bằng chính thương hiệu riêng, là yếu tố quan trọng nhằm xây dựng thành công thương hiệu ở thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp giao thương, ký kết hợp đồng tại Viet Nam International Sourcing 2023.

Nhà cung ứng đến Việt Nam mua hàng

Là một trong những chuỗi phân phối lớn nhất thế giới, Tập đoàn Walmart luôn có nhu cầu đa dạng hoá các mặt hàng cho hệ thống phân phối của mình. Nhiều năm gần đây, Walmart đã thu mua nhiều hàng hóa của Việt Nam, từ hàng tiêu dùng đến thực phẩm như xoài đông lạnh, trà, cà-phê…

Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 quốc gia xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống Walmart toàn cầu và đang vươn lên vị trí thứ hai sau Trung Quốc. Hàng Việt Nam không chỉ thâm nhập vào hệ thống Walmart tại Hoa Kỳ mà còn tại các thị trường lớn khác như Trung quốc, Canada, Mexico… Năm 2023, Walmart thu mua 7 tỷ USD hàng Việt, chủ yếu là hàng điện tử, dệt may, đồ chơi. Trong thời gian tới, chiến lược của Tập đoàn Walmart là tập trung xây dựng Việt Nam trở thành Trung tâm cung ứng hàng hóa Khu vực châu Á.

Ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng Phụ trách phát triển nhà cung ứng mới Walmart chia sẻ: “Việt Nam đang trở thành một điểm đến hàng đầu để Walmart tìm kiếm nguồn hàng cung ứng. Hiện nay, các mặt hàng tại hệ thống Walmart ngày càng đa dạng từ điện tử, dệt may, da giày, hàng nội ngoại thất, hàng gia dụng, đồ chơi đến các mặt hàng thực phẩm đông lạnh…”.

Một chuỗi phân phối lớn khác cũng đang mở rộng tìm kiếm nguồn hàng tại Việt Nam. Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail cho biết, mỗi buổi sáng trên thế giới có 2 tỷ người uống cà-phê Espresso nên nhu cầu cà-phê Việt Nam còn rất rộng lớn. Ngoài hạt cà-phê thì vỏ cà-phê cũng là nguyên liệu để chế biến trà rất tuyệt vời. Đây là một trong những sản phẩm Tập đoàn Central Retail muốn tăng cường thu mua tại Việt Nam để bán tại chuỗi phân phối của Tập đoàn Central Retail ở nước ngoài.

Hoặc, nhãn Việt Nam cũng được người tiêu dùng Thái Lan rất ưa chuộng và liên tục trong 2 năm 2022 và 2023, Central Retail Việt Nam đã xuất khẩu một lượng tương đối lớn sản phẩm này sang chuỗi siêu thị Tops của Central Retail Thái Lan. Tại Việt Nam, trong các hệ thống siêu thị Central có tới 95% sản phẩm là hàng Việt Nam như: tôm Cà Mau, cá ba sa, xoài cát Hòa Lộc... Còn tại siêu thị của Central Retail Thái Lan, nhiều mặt hàng Việt Nam cũng được ưa chuộng như thanh long, phở, bún, cà-phê, chè… Trong năm 2024, Tập đoàn sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm được nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam để đưa vào hệ thống và xuất khẩu ra nước ngoài.

Đây là hai trong số nhiều kênh phân phối lớn đang có nhu cầu tăng nhập khẩu hàng Việt Nam để bán ở các kênh phân phối. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so cùng kỳ năm trước

Xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế, song hiện nay, đa số hàng hóa của Việt Nam vẫn phải qua doanh nghiệp trung gian trước khi bán vào các kênh phân phối. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ, trước đây, doanh nghiệp sản xuất vẫn bán hàng hóa cho các nhà nhập khẩu, sau đó mới bán cho các nhà bán lẻ nên phải chịu chiết khấu chi phí. Bên cạnh đó, nếu đưa hàng hóa được vào thẳng các kênh phân phối của nước ngoài thì sẽ tăng cơ hội để hàng Việt Nam được bán với thương hiệu Việt Nam.

Do đó, nếu tiếp xúc được với các chuỗi bán lẻ lớn như Aeon, Walmart, Amazon, Central Retail… thì doanh nghiệp sẽ cắt bớt được trung gian trong xuất khẩu và tăng giá trị xuất khẩu hàng hoá Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Tất cả các điều này làm giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt về giá cũng như quảng bá thương hiệu.

Hiểu được điều này, cho nên 2 năm gần đây, Bộ Công thương đã tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing) nhằm kết nối thẳng doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các kênh phân phối lớn của thế giới. Trong lần tổ chức đầu tiên của năm 2023, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã được tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp phân phối hoặc các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới, sở hữu chuỗi sản xuất toàn cầu. Nhiều hợp đồng đã được ký kết sau hội chợ, mở ra cơ hội lớn để tiêu thụ hàng hóa.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu cho biết, qua sự kiện này, các doanh nghiệp Bắc Âu đã có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về thị trường Việt Nam và tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau, từ logistics đến sản xuất.

“Các tập đoàn lớn của Bắc Âu đã ký kết một số hợp đồng lớn ngay sau hội chợ. Nhóm doanh nghiệp môi giới trung gian trong lĩnh vực dịch vụ cũng có một số kết quả khả quan ban đầu như doanh nghiệp Nordic Apiary, Frends đã ký được Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn FPT của Việt Nam”, bà Nguyễn Hoàng Thúy thông tin.

Cơ hội cho hàng Việt xuất khẩu trực tiếp vào kênh phân phối nước ngoài ảnh 1
Hàng Việt Nam có nhiều cơ hội xuất hiện ở các kênh phân phối lớn.

Doanh nghiệp cần làm gì để nắm bắt cơ hội?

Với hiệu quả lớn từ năm đầu tổ chức, Bộ Công thương xác định sẽ tiếp tục tổ chức Viet Nam International Sourcing 2024) từ ngày 6-8/6/2024. Đây sẽ tiếp tục là cơ hội để doanh nghiệp sản xuất được kết nối với các chuỗi phân phối, các doanh nghiệp lớn để tiêu thụ hàng hóa. Hội chợ sẽ có quy mô 10.000m2 dành cho 500 doanh nghiệp thuộc các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh và các nhà phân phối, bán lẻ quốc tế có nhu cầu như: Thực phẩm, dệt may, giày dép, ba lô, túi xách, đồ thể thao và dã ngoại, đồ gia dụng và nội thất, công nghiệp hỗ trợ...

Tuy nhiên, để hàng hóa vào được chuỗi phân phối của doanh nghiệp nước ngoài không phải điều dễ dàng chỉ sau một kỳ hội chợ. Doanh nghiệp Việt Nam được khuyến cáo cần có năng lực sản xuất đủ lớn, sản phẩm có sự ổn định về chất lượng, giá cả cạnh tranh. Đồng thời phải đáp ứng thêm các tiêu chuẩn sản phẩm xanh, sạch…

Ông Yuichiro Shiotani, Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đang chú trọng và chọn những nhà cung cấp có xu hướng phát triển sản xuất xanh. Đơn cử như với sản phẩm chuối, doanh nghiệp sẽ chọn những nhà cung ứng sản xuất ít phát thải ra môi trường, hay sản phẩm cà-phê từ những doanh nghiệp bảo đảm công bằng thương mại tại nơi thu mua.

Ông Giafar Safaverdi, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Dịch vụ IKEA Việt Nam, Quản lý Khu vực Cung ứng Đông Nam Á (Tập đoàn IKEA) – một trong những doanh nghiệp tư nhân bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới chia sẻ thêm, các nhà cung ứng và nhà cung cấp dịch vụ của IKEA phải đảm bảo các sản phẩm được sản xuất từ những nguồn cung ứng đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn trách nhiệm bền vững, với khả năng sản xuất sản phẩm kịp thời, đầy đủ, đảm bảo chất lượng với chi phí tối ưu nhất.

Sản phẩm cũng phải đáp ứng Tiêu chuẩn IWAY - Bộ Quy tắc thu mua, Cung ứng có trách nhiệm của IKEA nhằm bảo đảm hoạt động kinh doanh luôn vì môi trường, xã hội, điều kiện làm việc của người lao động và phúc lợi động vật trong chuỗi giá trị.

Tại Mỹ, các kênh phân phối như Walmart hay Cotsco, Amazon đều lấy người tiêu dùng làm trung tâm và yếu tố khắt khe về chất lượng, giá cả hàng hóa. Đặc biệt là kiểm soát chất lượng đầu vào, bảo đảm tiêu chí xanh, trách nhiệm với môi trường, lao động.

Sau đại dịch Covid-19 và những bất ổn địa chính trị-kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ/bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Việt Nam hiện đã trở thành 1 mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi ngày càng có nhiều nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn xanh sạch của thế giới. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm chắc các cơ hội từ các sự kiện lớn như Viet Nam International Sourcing nhằm đưa hàng hoá tham gia sâu vào các chuỗi phân phối cũng như hiện diện ở các kênh bán lẻ nước ngoài.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/co-hoi-cho-hang-viet-xuat-khau-truc-tiep-vao-kenh-phan-phoi-nuoc-ngoai-post805194.html#805194|zone-highlight-1185|0

  • Từ khóa