Giữa chiến sự và bị hứng chịu trừng phạt liên tiếp của phương Tây, kinh tế Nga tiếp tục tạo đột phá. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP Nga năm nay tăng 3,2%, cao hơn Mỹ và nhiều nước phương Tây.
IMF mới đây đã công bố báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu. Cơ quan này đánh giá kinh tế thế giới hiện vẫn sôi động, bất chấp sức ép lạm phát và các nước thay đổi chính sách tiền tệ. Tăng trưởng toàn cầu trong năm nay được nâng lên mức 3,2%, tăng 0,1% so với dự báo hồi tháng 1.
Đáng chú ý, GDP Nga dự báo tăng 3,2% trong năm nay, mức này cao hơn Mỹ (2,7%), Anh (0,5%), Đức (0,2%) và Pháp (0,7%). IMF nhận định xuất khẩu dầu ổn định và chi tiêu công duy trì ở mức cao đã kéo tăng trưởng Nga đi lên. Tiêu dùng và đầu tư trong nước cũng sôi động.
Dự báo này đi ngược với mục tiêu của phương Tây là bóp nghẹt nền kinh tế Nga bằng các biện pháp trừng phạt. Nga cho biết lệnh trừng phạt của phương Tây lên các ngành kinh tế chủ chốt của họ chỉ giúp nước này tự chủ hơn.
Xuất khẩu hàng hóa và dầu thô sang các nước như Ấn Độ và Trung Quốc, trong bối cảnh giá dầu cao, giúp chính quyền Putin duy trì nguồn thu dồi dào.
Tốc độ tăng trưởng tăng cao của Nga sẽ được thúc đẩy bởi đầu tư và tiêu dùng cá nhân mạnh mẽ nhờ tăng trưởng tiền lương trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt. IMF cũng dự báo các động lực này sẽ giảm dần vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng dự kiến là 1,8%.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự cuộc họp với đại diện doanh nghiệp tại Diễn đàn kinh tế phương Đông tháng 9/2023 (Ảnh: Reuters).
Dự báo của IMF thậm chí cao hơn con số từ Bộ Kinh tế Nga. Đầu tháng 4, Bộ Kinh tế Nga ước tính GDP tăng 2,3% năm nay. Năm ngoái, mức tăng là 3,5%. Dù vậy, Quỹ Tiền tệ quốc tế cho rằng tăng trưởng của nước này sẽ chậm lại trong năm 2025, về mức 1,8%.
Hồi tháng 2, bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành IMF, từng chia sẻ rằng chính quyền Putin đang đối mặt nhiều thách thức về kinh tế.
"Các số liệu cho thấy đây là một nền kinh tế thời chiến. Sản xuất cho quân đội tăng cao, nhưng tiêu dùng giảm sút", bà nói với CNBC. Theo bà, Moskva còn phải giải quyết các vấn đề liên quan đến chảy máu chất xám và giảm tiếp cận công nghệ do các lệnh trừng phạt.
Mới đây, bà Elvira Nabiullina, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, cho biết trước Quốc hội, rằng sản xuất đang chịu sức ép vì thiếu nhân lực. Dù vậy, bà khẳng định kinh tế vẫn tăng trưởng với tốc độ ấn tượng.
Ngoài ra, khi các công ty nước ngoài rời khỏi Nga trong bối cảnh xung đột, Moscow đã thu giữ được 387 triệu USD từ các doanh nghiệp rời đi tính đến giữa tháng 3 .
Theo dantri.com.vn