Bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống quỹ tín dụng nhân dân

Thứ 4, 01.05.2024 | 14:46:51
462 lượt xem

Thời gian qua, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với kinh tế tập thể, hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) tiếp tục được củng cố, chấn chỉnh, bảo đảm phát triển an toàn, ổn định và hiệu quả.

Giao dịch khách hàng tại Quỹ Tín dụng nhân dân Tân Phong, Thái Bình.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, đến ngày 31/12/2023, toàn hệ thống có 1.178 QTDND, hoạt động tại 57 địa phương. Tổng tài sản của hệ thống QTDND đạt gần 184 nghìn tỷ đồng, tăng 11,9%; tiền gửi khách hàng hơn 163 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7%; tổng dư nợ cho vay hơn 133 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4%; vốn chủ sở hữu 12.755,6 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2022; tỷ lệ nợ xấu là 0,69%...

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng, hoạt động QTDND vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước củng cố, phát triển ổn định, không có quỹ nào rơi vào tình trạng bị kiểm soát như những năm trước. Nhiều quỹ được chấn chỉnh, từng bước phát triển, cơ bản thực hiện tốt các quy định Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Hợp tác xã và các quy định của ngành ngân hàng.

Hải Dương hiện đứng thứ ba cả nước về hệ thống QTDND với 71 quỹ, 40 phòng giao dịch hoạt động tại 135/235 xã, phường. Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hải Dương cho thấy, tính đến cuối tháng 2/2024, tổng nguồn vốn hoạt động toàn hệ thống QTDND của tỉnh đạt 16.325 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cuối năm 2023; nguồn vốn huy động đạt 14.918 tỷ đồng, tăng 3,2%; dư nợ 10.747 tỷ đồng, giảm 2,9% so với thời điểm ngày 31/12/2023.

Bình quân một QTDND có nguồn vốn hoạt động 230 tỷ đồng, vốn huy động 210 tỷ đồng, dư nợ 151 tỷ đồng. Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Hải Vân, hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn từng bước lớn mạnh, khẳng định vai trò của mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ.

Còn tại Nghệ An, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Nghệ An Nguyễn Thị Thu Thu cho hay: 59 QTDND trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động tương đối ổn định, bền vững và đạt hiệu quả; tiếp tục khẳng định vai trò vị trí của loại hình tổ chức tín dụng “gần dân, sát dân”, là kênh dẫn vốn hiệu quả, kịp thời cho các thành viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Tất cả QTDND đều có cân đối thu chi dương.

Bên cạnh việc góp phần hỗ trợ người dân, địa phương phát triển kinh tế, hoạt động của mô hình QTDND tại Nghệ An còn góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng số tiền các quỹ đã nộp ngân sách là 17,461 tỷ đồng. Ngoài ra, các Quỹ đã tích cực chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội trên địa bàn với tổng số tiền đóng góp trong năm 2023 đạt hơn 2,1 tỷ đồng.

Công tác xử lý các QTDND yếu kém cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các quỹ đã và đang triển khai một cách tích cực đề án tái cơ cấu. Tuy vậy, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú thẳng thắn nhìn nhận: Công tác quản lý hệ thống QTDND vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Công tác xử lý pháp nhân của các QTDND đều phức tạp, chưa có tiền lệ cho nên quá trình xử lý cần nhiều thời gian hơn dự kiến, đồng thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của QTDND tại một số địa phương vẫn còn chậm được xử lý,…

Theo đánh giá của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Quốc Cường: Qua 5 năm triển khai thực hiện công tác kiểm tra QTDND, về cơ bản, các QTDND chấp hành tốt các quy định về nhận tiền gửi tiết kiệm, quản lý, tuân thủ về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động và hoạt động cho vay. Tuy nhiên, những bất cập, khó khăn trong hoạt động của hệ thống QTDND đến từ các nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan.

Về chủ quan: Công tác kiểm soát của các QTDND chưa chặt chẽ; trình độ cán bộ hạn chế, ý thức tuân thủ của cán bộ trong thực hiện quy trình nghiệp vụ chưa cao, còn sai sót trong quá trình tác nghiệp. Về khách quan: Cơ chế, chính sách còn thiếu, chưa phù hợp trong hoạt động của các QTDND; khó khăn trong quá trình kiểm tra QTDND,...

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý, củng cố các QTDND, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn hoạt động, nhiều ý kiến đề xuất cần có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh riêng hoạt động QTDND vì tiềm lực tài chính, khả năng quản trị điều hành cũng như năng lực, trình độ của cán bộ QTDND không thể tương xứng được so với các ngân hàng thương mại; tiếp tục yêu cầu các QTDND nâng cao chất lượng tài sản, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn, kiểm soát tốt chi phí quản lý.

Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam Vũ Văn Long đề xuất Ngân hàng Hợp tác xã tiếp tục triển khai chiến lược chuyển đổi số và công nghệ thông tin đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 lấy QTDND làm trọng tâm, để từ đó thiết kế-cung ứng sản phẩm, dịch vụ và các mặt hoạt động của QTDND dựa trên nền tảng số. Tiếp tục tập trung dành mọi nguồn lực để xây dựng tổng thể các chính sách hỗ trợ tốt nhất cho QTDND trong việc triển khai các dịch vụ ngân hàng số. Đồng thời, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin để bảo đảm an ninh, an toàn và khả năng dự phòng của toàn bộ hệ thống.

Về phía các QTDND, ông Long khuyến nghị các QTDND cần chuẩn bị nguồn lực tham gia các khóa đào tạo của Ngân hàng Hợp tác xã và Hiệp hội QTDND để thay đổi nhận thức và nâng cao năng lực của bộ máy nhân sự trong quá trình chuyển đổi số. Các QTDND cũng cần đề xuất các nhu cầu trong quá trình chuyển đổi số, để Ngân hàng Hợp tác xã có thể hỗ trợ một cách tốt nhất về công nghệ, nguồn lực, sản phẩm…

Đồng quan điểm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Nghệ An Nguyễn Thị Thu Thu cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất Chính phủ sớm tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã để ngân hàng có nguồn lực kịp thời hỗ trợ hệ thống QTDND trong công tác chuyển đổi số. 


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/bao-dam-an-toan-hoat-dong-he-thong-quy-tin-dung-nhan-dan-post807306.html

  • Từ khóa