Tạo động lực mới cho lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí

Thứ 7, 11.05.2024 | 09:24:30
374 lượt xem

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) vừa công bố hai phát hiện dầu khí mới tại mỏ Rồng và mỏ Bunga Aster (thuộc dự án hợp tác với Malaysia) giúp gia tăng đáng kể trữ lượng dầu khí của Tập đoàn. Hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí vẫn luôn là một trong những lĩnh vực cốt lõi, đóng góp lớn trong việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch và chiến lược phát triển bền vững của Petrovietnam, vì thế cần có thêm các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình hiện nay.

Hai phát hiện dầu khí mới quan trọng

Ngay từ đầu năm 2024, Petrovietnam đã tập trung đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí cùng nhiều giải pháp kỹ thuật trong điều kiện cho phép nhằm chặn đà suy giảm sản lượng tự nhiên, cũng như bảo đảm mục tiêu gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí. Hai phát hiện dầu khí mới của Tập đoàn là tại giếng R79, mỏ Rồng thuộc Lô 09-1 và giếng BA-1X, mỏ Bunga Aster, Lô PM3 CAA. Tại giếng R79, sau khi tiến hành thử vỉa đối tượng móng và đã nhận được dòng dầu tự phun với lưu lượng đạt gần 6.300 thùng/ngày. Theo kết quả đánh giá sơ bộ, dự kiến gia tăng tiềm năng dầu khí tại chỗ đạt khoảng 16,5 triệu thùng dầu và ước tính trữ lượng tăng thêm từ giếng khoan R-79 khoảng 4,6 triệu thùng.

Tại giếng BA-1X, kết quả tính toán sơ bộ tài nguyên dầu tại chỗ khoảng 84 triệu thùng (tăng gần gấp đôi dự báo ban đầu), dự kiến gia tăng trữ lượng cho toàn bộ vỉa là khoảng 20,2 triệu thùng. Giếng BA-1X đã được đưa vào khai thác từ ngày 5-5-2024 với lưu lượng khai thác ban đầu khoảng 2.100 thùng/ngày. Trong thời gian tới, nhà điều hành Lô PM3 CAA sẽ tiếp tục thẩm lượng phát hiện dầu Bunga Aster để có thêm đánh giá chắc chắn về tiềm năng trữ lượng nhằm tận thu tối đa tài nguyên dầu tại mỏ, mang lại hiệu quả kinh tế cho hai nước Việt Nam và Malaysia cũng như các nhà đầu tư. Thành công trên mở ra những hướng đi quan trọng trong công tác thăm dò khai thác; đặc biệt là công tác tận thăm dò tại các lô hợp đồng đã và đang khai thác vẫn còn có cơ hội, tiềm năng. Những kết quả trên đã góp phần vào hoàn thành kế hoạch gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí năm 2024 của Petrovietnam.

Tạo động lực mới cho lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí
Giàn khai thác của Petrovietnam. Ảnh: MINH SƠN 

 

Những thách thức của lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí

Ông Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam chia sẻ, thăm dò khai thác dầu khí là hoạt động cốt lõi của Petrovietnam và đây chính là lĩnh vực có đóng góp lớn trong việc hoàn thành mục tiêu, kế hoạch, chiến lược phát triển của Tập đoàn. Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua, hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí gặp rất nhiều khó khăn từ việc suy giảm sản lượng tự nhiên, không có nhiều các phát hiện dầu khí mới. 

Theo thống kê của Petrovietnam, phần lớn các mỏ dầu khí đang khai thác ở Việt Nam đều đi vào khai thác từ năm 1986 đến 2015. Trong đó, các mỏ có sản lượng lớn đều đã khai thác từ 15 đến 35 năm, hiện ở giai đoạn khai thác cuối đời mỏ, độ ngập nước cao. Độ ngập nước trung bình của một số mỏ hiện đã ở mức 50-90%, dẫn đến sản lượng khai thác bị suy giảm tự nhiên như nhiều mỏ trên thế giới.

Để duy trì sản lượng khai thác, ngành dầu khí phải đầu tư tìm kiếm, thăm dò để có các phát hiện mới, các mỏ mới, trữ lượng mới bù sản lượng khai thác. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, việc đầu tư mới để gia tăng trữ lượng của ngành dầu khí bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt là khi giá dầu giảm sâu và giảm dài. Cùng với đó là tình hình phức tạp trên Biển Đông và cơ chế, chính sách chưa tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí. Các đối tượng chứa dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và tại một số mỏ ở các nước trong khu vực mà Petrovietnam có hoạt động hợp tác thường có đặc điểm phức tạp, nằm ở độ sâu lớn nên việc thăm dò và khai thác gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi chi phí đầu tư cao.

Năm 2023 là dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của Petrovietnam với việc Luật Dầu khí năm 2022 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2023. Đây là khung pháp lý tổng quát cho ngành dầu khí, giảm bớt chồng chéo trong các luật và là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước. Nhờ đó, trong năm 2023, Petrovietnam đã đạt và vượt nhiều mục tiêu quan trọng. Trong đó, khối thăm dò khai thác đã góp phần quan trọng vào thành tích của Tập đoàn, làm tiền đề cho việc khai thác, triển khai các công việc trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Cụ thể, Petrovietnam gia tăng trữ lượng đạt 13,2 triệu tấn quy dầu; sản lượng dầu thô khai thác trong nước đạt 8,63 triệu tấn, vượt 14,8% kế hoạch. 

Cần thêm động lực từ cơ chế, chính sách

Năm 2024 được dự báo là một năm đầy khó khăn, thách thức cho lĩnh vực dầu khí với các xu hướng hạn chế về sử dụng năng lượng hóa thạch dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn và dịch vụ trong lĩnh vực thượng nguồn. Một số cuộc xung đột trên thế giới dẫn đến tình trạng khan hiếm giàn khoan, giá giàn khoan và dịch vụ tăng cao ảnh hưởng tới công tác thăm dò, thẩm lượng, tiến độ phát triển khoan.

Theo Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn, thời gian qua, bên cạnh những thuận lợi như tháo gỡ được một số khó khăn về pháp lý, chính sách thì lĩnh vực thăm dò khai thác vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là việc phạm vi hoạt động bị thu hẹp, trữ lượng, phát hiện dầu khí mới không đạt được như kỳ vọng, hệ số thu hồi còn thấp.

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn cho rằng, trong bối cảnh địa chính trị trên thế giới ngày càng bất ổn, căng thẳng, áp lực về chuyển dịch năng lượng ngày càng lớn thì hoạt động thăm dò, khai thác cũng cần có những thay đổi về mặt chiến lược vì đang phải đối mặt với những biến động về giá cả, vật tư, giá thuê giàn khoan và chuỗi cung ứng.

Năm 2024 và 2025 là các năm trọng tâm để về đích kế hoạch 5 năm nên để đạt mục tiêu đề ra, Petrovietnam đề ra giải pháp thúc đẩy xây dựng các chính sách gia tăng thu hồi dầu và phát triển mỏ nhỏ, cận biên; tăng cường áp dụng khoa học, trí tuệ nhân tạo, áp dụng những giải pháp mới vào lĩnh vực thăm dò khai thác, phát triển mỏ... Đồng thời tìm kiếm các giải pháp để giảm phát thải carbon, chuẩn bị các chế độ chính sách về việc thu gom CO2 để phù hợp xu thế.

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, với những kết quả đạt được từ hai phát hiện dầu khí mới nêu trên, Tập đoàn, các đơn vị, nhà điều hành, các cán bộ, kỹ sư lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí đã thực hiện tốt phương châm hành động của năm 2024 là “làm mới động lực cũ, bổ sung động lực mới” để phát triển Tập đoàn. Trong thời gian tới, lãnh đạo Petrovietnam đề nghị các đơn vị, nhà điều hành trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí tiếp tục tối ưu phương thức quản trị mới, triển khai đổi mới sáng tạo trên những khu vực truyền thống, cố gắng tìm ra các mỏ mới, phát triển khai thác duy trì sản lượng dầu khí.

Năm 2024, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đặt mục tiêu tổng doanh thu 734,2 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận 22 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 94 nghìn tỷ đồng. Trước đó, Petrovietnam đã lập một loạt kỷ lục  kinh doanh trong năm 2023 như doanh thu 943 nghìn tỷ đồng, tương đương 9,2% GDP, lợi nhuận 54.500 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước 151,8 nghìn tỷ đồng, vượt 94% lần kế hoạch năm, chiếm khoảng 9,4% tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tao-dong-luc-moi-cho-linh-vuc-tham-do-khai-thac-dau-khi-776414

  • Từ khóa