Cải cách các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh nhằm thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích phát triển doanh nghiệp (DN) là trọng tâm của Chính phủ trong những năm gần đây. Đã có nhiều chuyển biến theo hướng tạo thuận lợi hơn cho DN, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn một số vướng mắc chưa được giải quyết triệt để, một số chính sách chưa phù hợp... cần tiếp tục khơi thông.
Quy định chung chung, khó thực thi
Chia sẻ tại Hội thảo công bố Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2023 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Bạch Quốc Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc thú y đã nêu khó khăn mà các DN trong ngành đang mắc phải liên quan tới yêu cầu về hợp quy thuốc thú y. Thủ tục hợp quy còn trùng lặp với quy trình đăng ký lưu hành, gây lãng phí về nguồn lực, chi phí cho cả DN và cơ quan quản lý. Trong khi đó, các nước trên thế giới hiện không có quy định thủ tục hợp quy. Sản xuất, buôn bán thuốc thú y là ngành nghề có điều kiện, chịu sự quản lý chặt chẽ của Luật Thú y 2015 và các nghị định, thông tư khác. Với hơn 20.000 dòng sản phẩm thuốc thú y hiện đang lưu hành, việc bắt buộc phải hợp quy sẽ có rất nhiều bất cập, không chỉ về thời gian, chi phí mà cả sự gián đoạn cung ứng. Các yêu cầu về hợp quy thuốc thú y không những không góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng cần bãi bỏ hoặc tiếp tục hoãn việc thực hiện thủ tục hợp quy với thuốc thú y.
Một ví dụ khác cho thấy các quy định của pháp luật được xây dựng một cách chung chung, khiến DN thêm "mù mờ", gặp khó khăn khi tuân thủ, đó là quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), quy định tại Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Với dung lượng khiêm tốn chỉ gần 300 từ, quy định tại Luật gần như không có thông tin gì đáng kể, chỉ quy định rằng DN có trách nhiệm này. Một quy định với “3 không”. Không có nội dung về sản phẩm thuộc diện tái chế, các DN không rõ có thuộc đối tượng điều chỉnh của quy định hay không để đóng góp cho chính sách. Không có nội dung về cơ chế vận hành, các DN không có nội dung gì để nghiên cứu, đóng góp ý kiến. Không có đánh giá tác động chính sách. Cứ thế, một trách nhiệm đặt lên vai DN trong sự “mù mờ”.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam (tỉnh Vĩnh Phúc). |
Bàn về cải cách các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh cho DN, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI cho biết, năm 2023, VCCI tập hợp và gửi gần 100 vướng mắc, bất cập từ phản ánh của DN tới các cơ quan hữu quan về những quy định gây tác động đến hoạt động đầu tư, kinh doanh như: Quy chuẩn xây dựng về phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra hàng vận chuyển quá cảnh; trần chi phí lãi vay trong giao dịch liên kết với ngân hàng; hợp quy thuốc thú y...
Rà soát, bảo đảm tinh thần cải cách triệt để
Phản ánh của DN cũng cho thấy nhiều vướng mắc liên quan đến khâu thực thi. Mặc dù pháp luật không quy định hoặc quy định đã rõ, nhưng có trường hợp cán bộ thực thi vẫn gây khó, yêu cầu thêm những giấy tờ không có trong quy định hoặc kéo dài thời gian giải quyết thủ tục. Thêm vào đó, không chỉ ở mặt quy định, DN trong nước cũng chịu sự phân biệt đối xử trong quá trình thực thi trên thực tế. Nhiều DN phản ánh rằng, cùng một lỗi vi phạm, DN trong nước sẽ bị lập biên bản và xử phạt ngay, trong khi các DN ngoại dường như lại “thoải mái” hơn nhiều. Cơ quan quản lý chỉ gửi yêu cầu DN ngoại phối hợp gỡ bỏ và thậm chí không có bất kỳ án phạt nào được đưa ra.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết, có thể nói từ năm 2019, nhất là từ năm 2020 đến nay, cải cách môi trường kinh doanh nói chung và ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh nói riêng có xu hướng chững lại. Điều kiện kinh doanh vẫn tạo nhiều rào cản, hạn chế về quyền tự do kinh doanh, ẩn chứa rủi ro và tạo gánh nặng chi phí tuân thủ đối với DN. Kết quả rà soát điều kiện kinh doanh của CIEM năm 2023 cho thấy, còn một số vấn đề bất cập, đó là: Còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định; điều kiện kinh doanh lồng ghép và chứa đựng các giấy phép; vẫn tồn tại điều kiện kinh doanh không cần thiết; điều kiện kinh doanh lồng ghép trong các quy chuẩn kỹ thuật; điều kiện kinh doanh thể hiện dưới hình thức chứng chỉ khá phổ biến... Ví dụ, các vấn đề liên quan tới quy định phòng cháy, chữa cháy đã nổi cộm từ năm 2020, song kéo dài dai dẳng. Các bộ, ngành liên quan đều đã tiếp nhận và cho biết sẽ sửa... Vậy mà gần 4 năm rồi vẫn đang trong giai đoạn dự thảo.
Thu hẹp ngành nghề kinh doanh có điều kiện; bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ cho DN và thúc đẩy quyền tự do kinh doanh luôn được Chính phủ quan tâm, chú trọng. Có thể nói, ít có lĩnh vực nào được Chính phủ chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục như cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa về điều kiện kinh doanh. Vì vậy, điều cần thiết lúc này là phải rà soát các quy định hiện hành và kiểm soát các quy định đang soạn thảo để bảo đảm tinh thần cải cách được thực hiện một cách triệt để.
Theo qdnd.vn