Những năm qua, hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn đã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và từng bước vươn lên trong cuộc sống. Hiện tổng dư nợ các chương trình cho vay ưu đãi trên địa bàn xã đạt trên 22 tỷ đồng, đây là một trong 3 xã có dư nợ cho vay lớn trên địa bàn huyện.
Người dân xã Bắc Quỳnh sử dụng nguồn vốn để phát triển chăn nuôi
Bắc Quỳnh là xã thuần nông của huyện Bắc Sơn. Trước đây, do thiếu vốn nên các mô hình sản xuất trên địa bàn xã còn manh mún, nhỏ lẻ, thu nhập của người dân không ổn định. Do đó, việc hướng dẫn người dân tiếp cận nguồn vốn chính sách để đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm.
Ông Dương Đình Đường, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để nguồn vốn đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả, hằng năm, UBND xã chỉ đạo sát sao các tổ chức hội, đoàn thể, các thôn nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân, hướng dẫn họ lập hồ sơ và thực hiện bình xét cho vay công khai, đúng quy định. Hằng năm, UBND xã còn phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện tổ chức từ 3 đến 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp người dân có kiến thức áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
Nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Bắc Quỳnh. Hiện nay, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 51,04 triệu đồng/người/năm, tăng gần 4 triệu đồng so với năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,87%, giảm 4,88% so với năm 2022. |
Ngoài ra, để quản lý hiệu quả nguồn vốn, hằng năm, UBND xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác phối hợp chặt chẽ với cán bộ ngân hàng thành lập các tổ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của người dân. Theo đó, xã tiến hành kiểm tra theo quý, mỗi quý kiểm tra 1 thôn, 1 tổ tiết kiệm và vay vốn, 5 hộ vay; các tổ chức hội nhận ủy thác kiểm tra thường xuyên theo tháng, đặc biệt là kiểm tra sau vay 30 ngày đối với hộ vay vốn.
Ông Dương Thời Tư, thôn Nội Hòa chia sẻ: Trước đây, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, không có thu nhập ổn định, năm 2016, nhờ sự hướng dẫn của Hội Cựu Chiến binh xã, gia đình tôi mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện để đầu tư mở vườn ươm cây giống. Nhờ có nguồn vốn, gia đình tôi chuyển đổi 3 sào diện tích đất trồng lúa sang làm vườn ươm cây hồi, quế, trung bình mỗi năm, gia đình tôi xuất bán ra thị trường 4 – 5 vạn cây giống, đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, từ đó, kinh tế gia đình tôi dần ổn định, cuộc sống ngày càng được nâng lên, hiện gia đình tôi đã trả hết nợ.
Không chỉ gia đình ông Tư, từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn xã đã xây dựng được các mô hình kinh tế có hiệu quả. Hiện nay, xã Bắc Quỳnh đang triển khai 11 chương trình cho vay ưu đãi với dư nợ đạt trên 22 tỷ đồng, 579 hộ vay. Hiện xã có nhiều mô hình như: Chăn nuôi gà (tổng đàn 14.000 con); chăn nuôi lợn (số lượng 1.500 con); trồng cây ăn quả (cam đường Canh, bưởi Diễn); ươm cây giống lâm nghiệp...
Ông Nguyễn Thanh Lạng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bắc Sơn đánh giá: Bắc Quỳnh là xã có chất lượng tín dụng tốt của huyện. Những năm qua, các tổ tiết kiệm và vay vốn của xã đều hoạt động hiệu quả, 100% tổ hoạt động tốt; tỷ lệ thu nợ, thu lãi đạt 100%; huy động vốn qua tổ đạt cao; nhiều năm liền xã không có nợ quá hạn. Nguồn vốn được chuyển tải nhanh chóng, kịp thời đến hộ nghèo và đối tượng chính sách. Với kết quả đó, năm 2023, xã Bắc Quỳnh được Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh khen thưởng vì có nhiều thành tích đóng góp cho hoạt động tín dụng chính sách, thực hiện công tác giảm nghèo năm 2023.
Hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Hiện nay, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 51,04 triệu đồng/người/năm, tăng gần 4 triệu đồng so với năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,87%, giảm 4,88% so với năm 2022; toàn xã có trên 100 mô hình kinh tế của người dân đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm trở lên.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/bac-quynh-phat-huy-hieu-qua-nguon-von-chinh-sach-5008339.html