Áp lực từ đồng USD đã vơi đi phần nào nhưng chưa đủ làm hạ nhiệt “sức nóng” của tỷ giá trong nước. Theo ý kiến của các chuyên gia, để ổn định tỷ giá, cơ quan quản lý cần triển khai nhiều biện pháp linh hoạt can thiệp thị trường như tiếp tục sử dụng kênh tín phiếu, nâng lãi suất OMO,…
Giao dịch ngoại tệ tại Ngân hàng SeABank.
Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo sức mạnh của đồng USD với rổ 6 tiền tệ đã giảm về còn 104,95 điểm, mức thấp nhất trong một tháng trở lại đây. Trong khi đó, tỷ giá tham khảo giữa đồng Việt Nam và các loại ngoại tệ tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) áp dụng cho ngày 16/5 ở mức 23.400-25.450 đồng/USD (mua-bán).
Tỷ giá tăng, nhiều doanh nghiệp lao đao
Theo thông báo từ giữa tháng 4, đây cũng là mức giá mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0.
Có thể thấy, biến động tỷ giá thời gian qua tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ðáng chú ý, liên tục trong hơn nửa tháng trở lại đây, tỷ giá đồng Việt Nam/USD bán ra tại các ngân hàng lớn đều ở mức “kịch trần”. Tính chung trong bốn tháng đầu năm, cùng với xu hướng chung trên thế giới, tỷ giá VND/USD trên thị trường liên ngân hàng đã tăng khoảng 4,39% so với đầu năm.
Diễn biến của tỷ giá đã có ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh quý I/2024 của một số doanh nghiệp có khoản vay lớn bằng USD, khi các doanh nghiệp này đã bị “đội” thêm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng chi phí. Nhiều đơn vị báo lỗ đậm ngay quý I do đánh giá chênh lệch lãi/lỗ tỷ giá, đáng kể nhất ghi nhận tại một số doanh nghiệp thuộc ngành điện.
Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với khoản lỗ lên tới 652 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 621 tỷ đồng. EVNGENCO3 ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá giảm từ 183 tỷ đồng xuống 22 tỷ đồng khiến doanh thu tài chính giảm từ 251 tỷ xuống 91 tỷ đồng. Trong khi đó, lỗ chênh lệch tỷ giá tăng mạnh từ 1,3 tỷ đồng lên 636 tỷ đồng khiến chi phí tài chính nhảy vọt từ 586 tỷ đồng lên 1.243 tỷ đồng. Về nợ vay, doanh nghiệp này vẫn còn 34.500 tỷ đồng nợ, bao gồm 5.360 tỷ đồng vay ngắn hạn và 29.187 tỷ đồng vay dài hạn.
Tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên vừa tổ chức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát Trần Ðình Long nhìn nhận, doanh nghiệp này cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố tỷ giá. Theo đó, Tập đoàn có tỷ trọng nguyên liệu đến từ nguồn nhập khẩu khá lớn, trong khi thị trường tiêu thụ chính lại là nội địa. Mặt khác, doanh nghiệp vẫn duy trì tỷ trọng vay nước ngoài nhất định trong cơ cấu nợ vay, phải trả lãi và nợ gốc bằng USD hằng kỳ. Tại báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, Hòa Phát lỗ chênh lệch tỷ giá ròng hơn 90 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 lãi 68 tỷ đồng.
Trong khi đó, với ngành hàng không, nhiều loại chi phí như thuê sân đỗ, đường băng, hay thuê tàu bay, mua nhiên liệu, lương phi công,... đều tính bằng USD. Do vậy, theo chia sẻ của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Ðặng Ngọc Hòa, Vietnam Airlines rất mong muốn tỷ giá ổn định bởi lẽ, cứ 1% thay đổi tỷ giá, hãng sẽ mất 300 tỷ đồng. Nếu biến động 5%, chi phí một năm tăng lên 1.500 tỷ đồng.
Linh hoạt giải pháp để ổn định
Báo cáo vĩ mô tiền tệ được thực hiện bởi WiResearch (WiGroup) cho thấy, tính đến ngày 3/5, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do và thị trường ngân hàng đã có tín hiệu hạ nhiệt sau động thái bán USD giao ngay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo nhận định của các chuyên gia WiGroup, với việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bán khoảng 500 - 700 triệu USD, tỷ giá tăng mạnh chỉ là vấn đề lo ngại tạm thời và dự kiến sẽ hạ nhiệt trong quý II/2024.
Như vậy, với sự can thiệp chủ động, linh hoạt và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sau khi trải qua một tháng 4 khá căng thẳng, tỷ giá hiện duy trì trạng thái khá ổn định. Tính đến ngày 16/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.240 đồng, giảm 29 đồng so với phiên ngày 15/5. Trong khi đó, giá mua-bán USD tại phần lớn các ngân hàng thương mại cũng được điều chỉnh giảm với biên độ phổ biến từ 20-30 đồng so với phiên trước đó.
Kỳ vọng đồng Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ quý III, song tại Báo cáo dự báo tỷ giá và ngoại hối toàn cầu mới nhất của Ngân hàng UOB (Singapore), nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của UOB vẫn nhận định, đồng USD có thể tiếp tục mạnh, ít nhất trong quý II, và các đồng tiền châu Á, trong đó có đồng Việt Nam tiếp tục yếu trong quý II/2024.
Ðồng thời, UOB duy trì kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất hai lần, mỗi lần 25 điểm phần trăm trong năm 2024. Ðối với sự phục hồi của đồng Việt Nam, UOB kỳ vọng đồng Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự phục hồi của đồng CNY. Dự báo, đồng Việt Nam/USD trong quý II khoảng 25.600 đồng, giảm xuống 25.100 đồng vào quý III, xuống 24.800 đồng vào quý IV/2024.
Theo Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) Phạm Thị Ngọc Thủy, trong bối cảnh tỷ giá biến động, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu, lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD. Về lâu dài, để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP), bảo đảm cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học…
Ðối với chính sách tỷ giá, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Ðào Minh Tú cũng khẳng định: Quan điểm xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là hạn chế những biến động quá mức của đồng Việt Nam, cho phép tỷ giá biến động linh hoạt để hỗ trợ hấp thu các cú sốc từ bên ngoài, hướng đến ổn định tâm lý, hỗ trợ cho kinh tế vĩ mô, nhất là tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại. Hiện nay, về chính sách tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt hai mục tiêu là ổn định chứ không cố định tỷ giá và bảo đảm trạng thái ngoại tệ bằng 0 chứ không phải âm.
Chia sẻ thêm về định hướng chính sách trong thời gian tới, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Chí Quang cho hay, điều hành tỷ giá ổn định không có nghĩa là cố định mà linh hoạt. “Ðặc biệt trong bối cảnh những yếu tố tác động bên ngoài khó lường, lạm phát ở Mỹ khiến FED chưa có động thái rõ ràng về việc có giảm lãi suất hay không, một số nước như Indonesia vừa tăng lãi suất điều hành,… Tất cả những yếu tố trên đều được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát sao”, ông Quang nhấn mạnh.
Theo nhandan.vn