Hợp tác quốc tế trong xu thế tự do hóa thương mại toàn cầu

Thứ 6, 31.05.2024 | 09:27:05
388 lượt xem

Việc cân bằng giữa các yếu tố bảo đảm an ninh thương mại và tạo thuận lợi thương mại là yêu cầu mới đặt ra cho ngành hải quan trước xu thế tự do hóa giao thương toàn cầu. Vấn đề rất quan trọng hiện nay là làm sao dự báo đúng các xu hướng quan hệ thương mại, đầu tư để hoạch định chính xác các kế hoạch, định hướng và xác định các ưu tiên hợp tác quốc tế phù hợp.

Hoạt động hợp tác, hội nhập hải quan ASEAN diễn ra tháng 4/2024 tại Lào.

Tích cực tham gia định hình cơ chế, thể chế hợp tác

Đến thời điểm này, trong khuôn khổ đa phương, Hải quan Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết và triển khai khoảng 30 văn kiện, thỏa thuận hợp tác với Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và ASEAN. Trong khuôn khổ song phương, Hải quan Việt Nam luôn duy trì việc mở rộng quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau với hải quan các nước trên thế giới.

Trước kia, việc tham gia các tổ chức quốc tế chỉ ở mức độ thực hiện quyền, nghĩa vụ thành viên thì nay ngành hải quan đang dần chuyển hóa sang vị thế chủ động tích cực tham gia định hình cơ chế, thể chế hợp tác, tạo dựng khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác và trợ giúp lẫn nhau.

Cục trưởng Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) Đào Đức Hải cho biết: Trong khuôn khổ WTO, Hải quan Việt Nam là cơ quan đầu mối triển khai Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO (TFA) với những cam kết về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan; hiện nay tỷ lệ thực thi TFA của Việt Nam đã đạt 94,5% và sẽ bảo đảm thực thi hoàn toàn vào cuối năm 2024.

Trong khuôn khổ APEC, đã tích cực phối hợp triển khai các chương trình hợp tác, như: dự án với Hoa Kỳ về “Thúc đẩy liên kết Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong thương mại điện tử về thủ tục quy định đối với các hàng hóa trị giá thấp”; với Trung Quốc về “Tăng cường Dịch vụ và Giám sát thông minh của cơ quan Hải quan để tăng cường phát triển các khu vực thương mại tự do/khu vực cảng biển tự do”, với Nhật Bản về “Xây dựng năng lực liên quan đến tự chứng nhận xuất xứ trong các FTA/RTA”…

Tổng cục Hải quan cho biết, theo cơ chế luân phiên, Hải quan Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí chủ tịch và là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN (ADGCM) lần thứ 33 trong năm 2024. Hội nghị là diễn đàn để thảo luận và đưa ra các quyết định, chỉ đạo và định hướng các hoạt động liên quan đến các biện pháp hội nhập hải quan, tập trung vào các lĩnh vực nghiệp vụ về tạo thuận lợi thương mại, kiểm soát hải quan, xây dựng năng lực hải quan.

Với vai trò là nước Chủ tịch Hải quan năm 2024, Việt Nam sẽ nỗ lực tăng cường kết nối và thống nhất giữa các nước ASEAN để tiếp tục thực hiện các Kế hoạch Chiến lược phát triển Hải quan ASEAN giai đoạn 2021-2025, tập trung ưu tiên thực hiện các nội dung: Cơ chế một cửa ASEAN; Cơ chế quá cảnh hải quan ASEAN; Cơ chế thực hiện Công nhận lẫn nhau về Doanh nghiệp ưu tiên trong ASEAN. Ngoài ra, khuyến khích tăng cường đối thoại, tham vấn với các đối tác của ADGCM nhằm thực hiện các mục tiêu phù hợp tình hình phát triển kinh tế trong giai đoạn mới như: Hải quan xanh, xây dựng hệ sinh thái về dữ liệu hải quan, hiện đại hóa hải quan, trao đổi dữ liệu điện tử, quản lý hải quan đối với thương mại điện tử; đơn giản hóa thủ tục hải quan cho các lô hàng trị giá thấp...

Đón đầu xu hướng thương mại

Xu thế phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ là động lực cho các cơ quan hải quan thế giới ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động quản lý. Vì thế, hợp tác hướng tới chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm hiện đại hóa công tác quản lý hải quan và tạo thuận lợi chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu không gián đoạn sẽ cần được thúc đẩy mạnh mẽ.

Cục trưởng Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) Đào Đức Hải cho rằng, yêu cầu rất quan trọng hiện nay là nghiên cứu, đánh giá, dự báo đúng các xu hướng quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược, đối tác hợp tác, từ đó hoạch định chính xác các kế hoạch, định hướng và xác định các ưu tiên hợp tác phù hợp điều kiện nguồn lực nội tại.

Trọng tâm sẽ là các hoạt động kết nối, trao đổi dữ liệu điện tử giữa hải quan các nước phục vụ yêu cầu quản lý và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Ngoài ra, hoạt động đàm phán công nhận lẫn nhau chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO) giữa hải quan các nước cũng sẽ gia tăng trong bối cảnh các nước đều hướng tới mục tiêu cân bằng giữa bảo đảm an ninh và tạo thuận lợi cho thương mại.

Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến nhấn mạnh: Để có thể tận dụng tối đa các lợi ích từ tiến trình hợp tác và hội nhập quốc tế của ngành hải quan, các doanh nghiệp cần dành sự quan tâm thích đáng đối với các vấn đề hội nhập kinh tế, chủ động nắm bắt các cam kết quốc tế trong lĩnh vực thương mại và hải quan.

Mục tiêu đề ra nữa là đồng hành, ủng hộ cơ quan hải quan trong tiến trình cải cách hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; chủ động tham gia vào quá trình tham vấn xây dựng chính sách, pháp luật, các văn bản thực thi cam kết quốc tế để bảo đảm tính khả thi, hợp lý và không cản trở hoạt động thương mại hợp pháp của doanh nghiệp.

Đồng chí Đào Đức Hải cho biết thêm, trong mối liên hệ với xu thế hợp tác hải quan, Tổng cục Hải quan sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác nước ngoài để nghiên cứu, tìm hiểu và đánh giá các mô hình quản lý hải quan và xu hướng phát triển của quản lý hải quan hiện đại trong bối cảnh mới.

Qua đó, kết nối trao đổi thông tin thông suốt, phối hợp xác minh xuất xứ hàng hóa, xác minh các vụ việc nghi ngờ vi phạm pháp luật hải quan; tăng cường phối hợp trong kiểm soát ma túy, động vật, thực vật quý hiếm, vận chuyển phế thải bất hợp pháp; nghiên cứu triển khai thí điểm trao đổi thông tin về hàng hóa theo một số mặt hàng trọng điểm và giữa các cặp cảng biển lớn của Việt Nam với các đối tác chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại phục vụ yêu cầu quản lý và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Việc hợp tác quốc tế cần thể hiện hiệu quả sâu rộng trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi, sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tránh được các rào cản về thủ tục kiểm tra tại nước nhập khẩu, rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí xử lý hàng hóa tại cửa khẩu và tăng lợi thế cạnh tranh tại các thị trường này.

Qua năm giai đoạn, Hải quan Việt Nam đã tham gia xây dựng và phổ biến 115 cảnh báo và năm báo cáo tổng kết đánh giá hoạt động triển khai các giai đoạn của chiến dịch cho toàn bộ các thành viên. Riêng Chiến dịch giai đoạn 5, Hải quan Việt Nam bắt giữ 123 vụ ma túy và động, thực vật hoang dã. Tháng 4/2024, tại Việt Nam, Hải quan Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội nghị khởi động Chiến dịch “Con rồng Mê Công” giai đoạn 6.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/hop-tac-quoc-te-trong-xu-the-tu-do-hoa-thuong-mai-toan-cau-post811946.html

  • Từ khóa