Ngày 11/6, Đoàn kiểm tra của tỉnh do đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 95 ngày 20/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi để phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2030 (Nghị quyết 95) tại huyện Lộc Bình, Đình Lập.
Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi kiểm tra huyện Lộc Bình
Theo báo cáo tại buổi kiểm tra, năm 2023, tổng diện tích có rừng của huyện Lộc Bình là trên 67.200 ha. Tổng diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên là 3.556,12 ha (chiếm 6,19 % diện tích rừng sản xuất). Trong đó, có 1.301,07 ha rừng tự nhiên núi đất không có khả năng tự phục hồi, 29,21 ha rừng tự nhiên núi đá không có khả năng tự phục hồi.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi kiểm tra huyện Lộc Bình
Thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nghị quyết. Kết quả, năm 2023, UBND huyện đã nhận được 7 hồ sơ xin cải tạo rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi với tổng diện tích xin cải tạo là 16,2 ha. Qua quá trình thẩm định, 6 hồ sơ không đủ điều kiện phê duyệt, do không đáp ứng được các điều kiện quy định để được cải tạo rừng. Năm 2024, toàn huyện chưa có hồ sơ phát sinh.
Lãnh đạo UBND xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình phát biểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị quyết
Đối với huyện Đình Lập, năm 2023, tổng diện tích rừng tự nhiên của huyện là trên 20.015,99 ha. Tổng diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên là 10.436,27 ha (chiếm 12,24% tổng diện tích quy hoạch sản xuất), trong đó, có 892,73 ha rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi.
Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi kiểm tra huyện Đình Lập
Để thực hiện nghị quyết, cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền và cụ thể hóa các văn bản của cấp trên. Theo đó, Hạt Kiểm lâm huyện đã hướng dẫn quy trình lập hồ sơ cải tạo rừng tự nhiên cho các chủ rừng, cá nhân có nhu cầu. Tuy nhiên, đến nay, huyện chưa có hồ sơ xin cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt không có khả năng tự phục hồi.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đình Lập phát biểu tại buổi kiểm tra
Tại buổi kiểm tra, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những hạn chế, nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, từ đó, đưa ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại buổi kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc ban hành nghị quyết 95 nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, khai thác phát huy tốt thế mạnh lâm nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên qua quá trình triển khai thực hiện, kết quả chưa đạt được như kỳ vọng.
Đồng chí đề nghị: Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Bình, Đình Lập cần nhận thức rõ nghị quyết 95 được xây dựng và ban hành xuất phát từ kiến nghị ở cấp cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xem xét, tháo gỡ nhằm phục vụ lợi ích chính đáng của người dân. Vì vậy cấp ủy, chính quyền các huyện cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của chủ trương cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và hành động; rà soát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khẩn trương xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng đối với những diện tích chưa giao, chưa cho thuê...
Đồng thời, các huyện tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện nghị quyết, qua đó, nhằm xác định rõ nhu cầu của người dân, xác định diện tích rừng thuộc đối tượng rà soát cải tạo làm cơ sở tham mưu, đề xuất để chỉ đạo thực hiện nghị quyết có hiệu quả trong thời gian tới.
Trước đó, đoàn kiểm tra đã kiểm tra thực tế tại xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình.
Theo baolangson.vn