Hiện nhiều nước trên thế giới đã bỏ quy định miễn thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ. Đại biểu Quốc hội đề nghị cần có cân nhắc về vấn đề này cho phù hợp thực tế.
Chiều 24/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi. Nhiều đại biểu góp ý các quy định về nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế; thuế suất, mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT); kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, kê khai khấu trừ bổ sung quy định về việc hoàn thuế…
Cân nhắc việc bổ sung một số hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế VAT
Đưa ra ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, Luật Thuế giá trị gia tăng được xây dựng vào năm 2008, tuy đã qua các lần sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn tồn tại những bất cập, hạn chế. Do đó, ông nhất trí về sự cần thiết sửa đổi luật này để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cuộc sống và đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế thị trường đang phát triển.
Theo ông Hòa, dự thảo luật đã liệt kê 26 mục về đối tượng chịu thuế là rất cụ thể, đảm bảo việc triển khai thực hiện. Trong đó, bổ sung quy định một số trường hợp hàng hóa nhập khẩu không phải chịu thuế.
Ông Phạm Văn Hòa - đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Quochoi.vn).
Ông Hòa đề nghị cân nhắc vì hiện nay ở một số cửa khẩu, hàng ngày có 4-5 triệu đơn hàng qua biên giới nước ta được miễn thuế do giá trị mỗi loại hàng hóa có giá trị nhỏ. "Nếu tính thuế thì mỗi gói hàng không đáng bao nhiêu tiền mà lại phải tốn nhân sự quản lý thu, chậm trễ thời gian", ông Hòa nói.
Tuy nhiên, ông Hòa cũng cho rằng, nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khác, hiện nhiều nước trên thế giới đã bỏ quy định miễn thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để tạo bình đẳng cho hàng hóa sản xuất trong nước. Từ những phân tích trên, ông Hòa đề nghị cần có cân nhắc về vấn đề này cho phù hợp thực tế.
Liên quan đến điều kiện khấu trừ áp thuế suất 0%, ông Hòa đồng ý việc bổ sung các quy định chặt chẽ hơn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của Luật để trục lợi, gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Do đó, ông đề nghị xác định kỹ các trường hợp đặc thù để quy định vào Luật, không nên giao Chính phủ quy định các vấn đề đã rõ.
Đề xuất phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất giá trị gia tăng 0%
Theo đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM), chúng ta đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng theo hướng tiếp tục giảm thuế (giảm thuế 2% cho đến cuối năm 2024); tiếp tục sẽ có những biện pháp để kích cầu tiêu dùng và sản xuất đến cuối năm 2025, thì tốc độ tăng trưởng mới đảm bảo duy trì tốt.
Ông Trần Anh Tuấn - Đại biểu Quốc hội TPHCM (Ảnh: Quochoi.vn).
Việc sửa đổi luật đưa mức chịu thuế từ 0% lên 5% như dự thảo luật đối với một số mặt hàng là đầu vào của sản xuất thì các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng này sẽ giảm sức cạnh tranh, gây áp lực lạm phát các mặt hàng tiêu dùng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Vì vậy, ông Tuấn cho rằng cần thiết kế chính sách theo lộ trình, nhất là đối với sản phẩm nông nghiệp cần tính toán lại chính sách thuế hợp lý, có thể đưa vào mức chịu thuế 0% thay vì 5% như dự thảo luật để doanh nghiệp được khấu trừ thuế, nhưng sản phẩm lương thực thực phẩm đầu ra không bị áp lực tăng giá, mà vẫn thực thi chính sách tài khóa mở rộng tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn.
Góp ý vào dự án Luật, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất giá trị gia tăng 0%.
Theo bà Vang, nếu luật vẫn giữ 5% đối với mặt hàng phân bón thì nông dân phải bỏ ra khoảng 6.000 tỷ đồng. Còn nếu dự thảo Luật áp dụng thuế giá trị gia tăng 0% đối với mặt hàng phân bón thì khoảng 2.000 tỷ đồng thay vì được bổ sung vào nguồn thu ngân sách Nhà nước thì nguồn này sẽ hỗ trợ lại cho doanh nghiệp và nông dân. Như vậy, nông dân sẽ được giảm đáng kể chi phí đầu vào.
Bà Tô Ái Vang - Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: Quochoi.vn).
Cũng theo bà Vang, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Theo xu thế và khuyến cáo, hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. Bên cạnh giá phân bón vô cơ diễn biến phức tạp, thị trường phân bón hữu cơ được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ kép.
"Nếu dự thảo luật đưa mặt hàng phân bón là đối tượng chịu mức thuế suất 5% như dự kiến thì tăng áp lực cho nông dân trong điều kiện ngành nông nghiệp chịu nhiều tổn thương nhất", bà Vang nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Hoàng Thanh Thúy (Tây Ninh) đề nghị là nên quy định mặt hàng phân bón là đối tượng áp dụng thuế suất 0% nhằm giảm giá thành sản phẩm hơn nữa cũng như khấu trừ thuế VAT đầu vào. Quy định như vậy càng có lợi cho doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp sản xuất phân bón.
Theo dantri.com.vn