Những nơi tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam: Một tỉnh giáp Hà Nội dẫn đầu

Chủ nhật, 30.06.2024 | 14:33:19
483 lượt xem

Nhiều địa phương đạt mức tăng trưởng GRDP 2 chữ số trong nửa đầu năm 2024, trong đó, tỉnh dẫn dầu tăng trưởng hơn 14%.

Những nơi tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam: Một tỉnh giáp Hà Nội dẫn đầu

"Quán quân" Bắc Giang: 14,14%

Số liệu công bố tại hội nghị thường kỳ tháng 6 của UBND tỉnh Bắc Giang cho thấy, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn đạt 14,14% đứng đầu cả nước.

Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 18,11%; dịch vụ tăng 6,42%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,82%; thuế sản phẩm tăng 10,59% so với cùng kỳ. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 96.058 tỷ đồng, bằng 45,3% kế hoạch.

Sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023 đến nay. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng năm nay ước tính tăng 19,11% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng của Bắc Giang tăng khá cao so cùng kỳ, ước tăng 26,45%, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 315.140 tỷ đồng, bằng 47,3% kế hoạch, tăng 28% so cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng ước đạt trên 9.800 tỷ đồng, tăng 28,3% so cùng kỳ, bằng 61,2% dự toán.

Kết quả trên được cho là xuất phát từ việc địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; chủ động, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xử lý những vấn đề tồn đọng cũng như phát sinh mới nhất là về vốn, thị trường tiêu thụ, lao động, chi phí nguyên vật liệu, xuất nhập khẩu hàng hóa… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất, thúc đẩy phục hồi chuỗi cung ứng, tạo năng lực sản xuất mới.

Tuy nhiên, tỉnh cũng đánh giá, tình hình phát triển KT-XH trên địa bàn vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như chi phí một số nguyên vật liệu tăng, đơn hàng sụt giảm. Quá trình triển khai một số dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư còn một số tồn tại, hạn chế.

Thị trường bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Thu hút đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu chậm lại, quỹ đất để thu hút đầu tư còn hạn chế. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm so cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp so với yêu cầu.

Khánh Hòa - "á quân" tăng trưởng 12,73%

Theo số liệu được Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa công bố, trong 6 tháng, kinh tế tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Nhiều chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư được tổ chức mở ra nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế địa phương.

GRDP 6 tháng của địa phương này ước hơn 31.226 tỷ đồng, tăng 12,73% so cùng kỳ năm trước, xếp thứ 2 cả nước và dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung.

Nhiều chỉ tiêu kinh tế khác cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 46,36%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10,25%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15,14%; doanh thu du lịch tăng 96,82%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 16,85%; tổng thu ngân sách nhà nước tăng 23,05%.

Trong năm nay, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu duy trì đà tăng trưởng trên 10% và thực hiện tốt nhiều dự án trọng điểm, quan trọng của quốc gia, của tỉnh. Địa phương định hướng xử lý khó khăn, vướng mắc của các dự án, nhất là về công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh đầu tư công. Đồng thời, thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án đô thị, nghỉ dưỡng... tạo việc làm, tăng thu ngân sách tại Khu Kinh tế Vân Phong.

Thanh Hóa tăng trưởng 11,5% - đứng đầu Bắc Trung Bộ, thứ 3 cả nước

Tại phiên họp thường kỳ tháng 6 vừa diễn ra, thông tin cho thấy tốc độ tăng trưởng GRDP của Thanh Hóa ước đạt 11,5%, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và xếp thứ 3 cả nước.

Sản xuất nông nghiệp ổn định, năng suất lúa vụ Đông Xuân cao nhất từ trước đến nay; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 15,8%, đa số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu tăng 21,9%, tổng thu du lịch tăng 30,2%.

Thu ngân sách Nhà nước bằng 76,9% dự toán cả năm và tăng 29,6%. Thu hút đầu tư tăng 78,8% về số dự án và 25,3% về số vốn đăng ký; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,2%, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 8 cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 tăng 17 bậc so với năm 2022.

Với mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm là 11% trở lên, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm của Thanh Hóa sẽ phải đạt từ 10,6%.

Những nơi tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam: Một tỉnh giáp Hà Nội dẫn đầu - 1

Bãi biển Sầm Sơn dịp cuối tuần (Ảnh: Thanh Tùng).

Ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - cho rằng, tỉnh đã thành công trong tháo gỡ khó khăn một số vấn đề tồn tại từ năm ngoái và so với cùng kỳ, như: khó khăn về thể chế hành chính, về nguồn cung ứng vật liệu xây dựng, đã có sự chuyển biến tương đối rõ nét về tình trạng né tránh, đùn đẩy của đội ngũ cán bộ công chức và người đứng đầu trong hệ thống chính quyền…

Về tồn tại hạn chế, ông Tuấn cho biết, tiến độ đầu tư hạ tầng còn chậm, vai trò các cấp chính quyền trong giải ngân vốn đầu tư còn hạn chế, năng lực nhà thầu còn yếu, năng lực tư vấn còn yếu. Vẫn diễn ra sai phạm trong công tác đấu thầu; giải ngân vốn đầu tư công cao nhưng chưa đạt so với kế hoạch đề ra. Một số dự án về lĩnh vực văn hóa, dự án Nhà máy xử lý rác đang chậm tiến độ.

Hà Nam tăng trưởng 10,35% - đứng đầu Đồng bằng sông Hồng

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Hà Nam, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng (theo giá so sánh 2010) ước đạt 26.891 tỷ đồng, tăng 10,35% so với cùng kỳ năm 2023.

GRDP của Hà Nam nửa đầu năm nay đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2021 trở lại đây. Với kết quả này, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Hà Nam đứng thứ nhất trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng và đứng thứ 4 toàn quốc trong 6 tháng.

Trong mức tăng chung, khu vực công nghiệp, xây dựng vẫn giữ vai trò chủ đạo, 6 tháng ước đạt 17.443,9 tỷ đồng, tăng 13,26% so với cùng kỳ (đóng góp 81% vào mức tăng chung). Khu vực dịch vụ ước đạt 5.693,6 tỷ đồng, tăng 7,22% so cùng kỳ (đóng góp 15,2%).

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ước đạt 2.131,3 tỷ đồng, tăng 1,06% so cùng kỳ (đóng góp 0,9%). Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 1.622,2 tỷ đồng, tăng 4,75% so cùng kỳ (đóng góp 2,9% vào mức tăng chung).

Thu hút đầu tư đạt khá. Tính đến ngày 10/6, toàn tỉnh có 368 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt trên 5.703 tỷ đồng, tăng 10% về số doanh nghiệp và tăng 82,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.

Hà Nam thu hút được 29 dự án đầu tư mới. Lũy kế nửa đầu năm, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 1.205 dự án đầu tư còn hiệu lực (397 dự án FDI và 808 dự án trong nước) với vốn đăng ký 6,28 tỷ USD và 172.796 tỷ đồng.

Hải Phòng tăng trưởng 10,32% - thứ 5 cả nước

Kinh tế Hải Phòng 6 tháng diễn ra trong bối cảnh kinh tế trong nước tăng trưởng tích cực ở cả 3 lĩnh vực chính là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; xuất khẩu đang phục hồi, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng dần.

Theo số liệu của Cục Thống kê TP Hải Phòng, tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng ước tăng 10,32% so với cùng kỳ năm trước (kế hoạch năm nay tăng 11,5-12%), đứng thứ 5 cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng Sông Hồng.

Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,86%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,76%, đóng góp 6,68 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 8,54%, đóng góp 3,25 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,77%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm.

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn khởi sắc và đạt được kết quả tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 13,31%, quý II tăng 17,12%). Chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp thành phố (IIP) 6 tháng ước tăng 15,24% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 31.294,3 tỷ đồng, tăng 12,4%; khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 157,7 triệu tấn, tăng 11,11%. Hàng hóa thông qua cảng biển trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm tăng 11,64% so với cùng kỳ năm 2023.

Trà Vinh tăng trưởng 10,27% - dẫn đầu khu vực ĐBSCL

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng của tỉnh Trà Vinh có nhiều điểm sáng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 10,27%, đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đứng thứ 6 cả nước, là mức tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay của địa phương này. Cùng kỳ, Trà Vinh tăng trưởng 5,74%.

Thu ngân sách đạt tiến độ dự toán, 6 tháng thu hơn 11.200 tỷ đồng, đạt 82,12% dự toán, tăng 20,17% so với cùng kỳ.

Tình hình sản xuất nông nghiệp tương đối thuận lợi. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt hơn 12.700 tỷ đồng, đạt 39,49% kế hoạch, tăng 3,25% so với cùng kỳ.

Các ngành và địa phương đã chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, vận hành hiệu quả hệ thống các công trình thủy lợi, đặc biệt là Trạm bơm Kênh 3 tháng 2; sản lượng một số mặt hàng nông sản cao hơn cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6 giảm 3,5% so với tháng trước nhưng lũy kế 6 tháng vẫn tăng 58,87% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất 6 tháng ước đạt hơn 20.400 tỷ đồng, đạt 50,73% kế hoạch, tăng 20,12%. Cả 4 nhóm ngành sản xuất công nghiệp đều tăng. Trong đó, công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng gần 75%.

Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng ước đạt trên 716 triệu USD, tăng 40,4%. Đối với công tác xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp, trong 6 tháng tỉnh đã cấp mới chủ trương đầu tư cho 9 dự án trong và ngoài nước. Thành lập mới 232 doanh nghiệp, đạt 44,61% kế hoạch.

Giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ, ước đến 30/6 giải ngân trên 2.190 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch vốn. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 14.000 tỷ đồng, đạt 41,46%, tăng 8,12% so với cùng kỳ.

Thủ đô Hà Nội tăng trưởng 6%

Trong nửa đầu năm, GRDP Hà Nội ước tăng 6% (cùng kỳ tăng 5,97%).

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn lũy kế 6 tháng ước đạt 252.054 tỷ đồng, hoàn thành 61,7% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 8,8 tỷ USD…

Những nơi tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam: Một tỉnh giáp Hà Nội dẫn đầu - 2

GRDP Hà Nội ước tăng 6% trong nửa đầu năm nay, cải thiện nhẹ so với cùng kỳ (Ảnh minh họa: Vũ Tuấn Anh).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước tăng 10,7% (cùng kỳ tăng 10,4%). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) tăng 36,9% (cùng kỳ tăng 46,5%). Thành phố thu hút 1,17 tỷ USD vốn FDI (tăng 52% so với cùng kỳ).

6 tháng còn lại, Hà Nội lên kế hoạch tập trung bảo đảm ổn định và tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi, mô hình kinh doanh mới.

Thành phố triển khai thi hành Luật Thủ đô sửa đổi sau khi được Quốc hội thông qua; kế hoạch thực hiện hai quy hoạch sau khi được phê duyệt; hoàn thiện cơ chế, chính sách khai thác nguồn lực từ đất đai; thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường.

 Hà Nội cũng cho biết sẽ tăng cường công tác trật tự an toàn xã hội, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà trọ và các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao; duy trì tốt công tác đối ngoại.

Đà Nẵng: Quy mô nền kinh tế ước hơn 72.000 tỷ đồng

Theo đại diện Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, bước sang quý II, kinh tế thành phố Đà Nẵng đã có những chuyển biến tích cực, lĩnh vực du lịch tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ kể từ sau đại dịch Covid-19, tạo sự tăng trưởng bứt phá cho một số ngành dịch vụ như: lưu trú, ăn uống, thương mại, vận tải, vui chơi, giải trí...

Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất cũng có những tín hiệu khả quan hơn, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung của thành phố trong 6 tháng đầu năm.

Tổng sản phẩm trên địa bàn quý II ước tăng 8,35% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng, GRDP của thành phố ước tăng 5%, cao hơn mức tăng 3,48% của cùng kỳ.

Trong mức tăng 5% của toàn nền kinh tế trong 6 tháng qua, khu vực dịch vụ tăng 5,99%, đóng góp chính cho tăng trưởng GRDP chung; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 1,7%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng nhẹ 0,85% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,17%.

Quy mô nền kinh tế thành phố trong 6 tháng theo giá hiện hành ước đạt 72.303 tỷ đồng, mở rộng hơn 7.050 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Xét trên phạm vi cả nước, quy mô GRDP của Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố và dẫn đầu các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung bộ.

Hoạt động thu chi ngân sách trên địa bàn có những tín hiệu lạc quan, thu nội địa đạt khá so với dự toán và tăng cao so với cùng kỳ nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế chuyển biến tích cực.

Tính sơ bộ đến 20/6, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 12.980 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ; tổng chi ngân sách đạt 14.823 tỷ đồng, tăng 13%.

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng tiếp tục là khu vực thương mại và dịch vụ. Đặc biệt, số lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng đã đạt mức tăng ấn tượng và vượt cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt gần 12.932 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu lĩnh vực lưu trú ước đạt 4.684 tỷ đồng, tăng 36,4%; lĩnh vực ăn uống đạt 8.248 tỷ đồng, tăng 15,4%.

Bắc Ninh thoát tăng trưởng âm

Trong 6 tháng, tăng trưởng của tỉnh Bắc Ninh được thúc đẩy ở cả 3 khu vực kinh tế. GRDP tăng 2,32% so với cùng kỳ năm 2023; sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 1,5%; hoạt động thương mại - dịch vụ diễn ra sôi nổi, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 49.964 tỷ đồng, tăng 8,5%. Thu chi ngân sách nhà nước được bảo đảm, nguồn lực được khơi thông; ước thu ngân sách nhà nước đạt 17.688 tỷ đồng, đạt 56,6% dự toán, tăng 19,5%.

Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp được tỉnh đẩy mạnh, thành lập nhiều đoàn công tác thực hiện xúc tiến đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển tại nhiều quốc gia như Trung Quốc và một số nước Châu Âu. Đáng chú ý, cấp mới dự án FDI tại địa phương tăng gấp 2 lần với số vốn đăng ký gấp 1,2 lần, thành lập mới doanh nghiệp tăng 6,5%.

Theo kế hoạch của tỉnh, năm nay, địa phương tăng trưởng GRDP từ 5% đến 6,29% so với thực hiện năm 2023; thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp đạt 1,2 tỷ USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 60,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 79%…

Một trong những lý do khiến Bắc Ninh tăng trưởng âm trong năm qua được cho biết là do phụ thuộc nhiều vào Samsung và tỉnh đang tiến tới giảm sự phụ thuộc này. Định hướng phát triển kinh tế của Bắc Ninh trong thời gian tới là không phụ thuộc vào 1 doanh nghiệp, thị trường nào mà tiến tới hài hòa các thị trường đầu tư cũng như các ngành nghề.

Trong 5 tháng đầu năm, các nhà đầu tư của Bắc Ninh chủ yếu đến từ Trung Quốc với 127 dự án; Hong Kong với 29 dự án; Singapore với 19 dự án…

Hơn nữa, tăng trưởng của Bắc Ninh hiện nay được thúc đẩy ở cả 3 khu vực kinh tế (công nghiệp - xây dựng; nông lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ). Gần 10 năm qua, nông nghiệp Bắc Ninh gần như không tăng trưởng, nhưng 6 tháng đầu năm nay, nông nghiệp tăng trưởng gần 3%. Bên cạnh đó, sau khi dịch Covid 19 đi qua, tỉnh cũng đã cải thiện tổ chức hoạt động dịch vụ. Dịch vụ tăng trưởng cao hơn 7% kéo theo tăng trưởng GRDP tăng trưởng dương.

Thêm nữa, từ đầu năm đến nay, song song việc phát huy nguồn lực nội sinh, hoạt động đối ngoại, hợp tác với các địa phương, đơn vị trong và ngoài nước được tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh. Các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh thực hiện xúc tiến đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển tại nhiều quốc gia.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nhung-noi-tang-truong-nhanh-nhat-viet-nam-mot-tinh-giap-ha-noi-dan-dau-20240629162330532.htm

  • Từ khóa