Chuyên gia đề xuất đưa mức thuế thu nhập doanh nghiệp với báo chí về 0%, giảm thuế VAT… do thu nhập của ngành này hiện nay đối diện muôn vàn khó khăn.
Với đề xuất bổ sung hoạt động báo chí (bao gồm cả quảng cáo trên báo) nói chung được áp dụng thuế ưu đãi thu nhập doanh nghiệp 15% (riêng báo in tiếp tục áp dụng mức 10%), các chuyên gia đưa ra thêm các đề xuất giúp các cơ quan báo chí giảm căng thẳng trong bối cảnh doanh thu sụt giảm.
Giảm thuế từ 20% về 15% "không thấm vào đâu"
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, việc giảm thuế thêm 5% cho các cơ quan báo chí hiện nay không "thấm" là bao do mức thu nhập của các cơ quan báo chí rất hạn chế.
Vị chuyên gia nhận xét, đối với ngành báo chí, bên cạnh câu chuyện hạ thuế suất cho các cơ quan báo chí thì điều quan trọng hơn cả là làm sao để ngành báo chí có thêm thu nhập. Bởi thực tế, thu nhập của các cơ quan báo chí trong bối cảnh hiện nay nhìn chung đang ở mức thấp.
Việc đánh thuế thu nhập doanh nghiệp khi cơ quan báo chí gặp khó sẽ không mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách (Ảnh: Mạnh Quân).
Theo đánh giá của ông Ánh, chính sách giảm thuế là cần thiết để chia sẻ khó khăn với ngành báo chí, đặc biệt là lĩnh vực báo in đang phải đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt.
Thậm chí, chuyên gia Vũ Đình Ánh còn kiến nghị, khi thu nhập của ngành báo chí đang ở mức "èo uột" thì về mặt chính sách hỗ trợ, Nhà nước có thể mạnh dạn tính đến phương án miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
"Trong bối cảnh ngành đang gặp khó khăn, lãi thấp, thậm chí còn lỗ thì việc đánh thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Do vậy, có thể miễn thuế cho các cơ quan báo chí, nhất là báo in, trong vài năm đến khi phục hồi trở lại", vị chuyên gia đặt vấn đề.
Theo ông Ánh, cần phải đánh giá được một cách đầy đủ về thực trạng ngành báo chí hiện tại cũng như triển vọng cải thiện thu nhập của ngành trong tương lai để vực dậy kinh tế báo chí. Thuế chỉ đóng góp một phần hỗ trợ nhất định.
Nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí, nếu áp chỉ 5%
Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, nguyên tắc chung thuế là công cụ để khuyến khích và không khuyến khích các ngành kinh doanh. Những ngành cần hạn chế như bia rượu, casino còn cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong khi đó, báo chí là một trong những ngành đầu tiên cần khuyến khích để phổ biến tới xã hội. Theo luật sư, không nên nhìn vào doanh thu hay hiệu quả đồng tiền đối với những lĩnh vực như vậy bởi đầu tư cho con người, văn hóa rất quan trọng.
Chuyên gia cho rằng tốt nhất là nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực báo chí hoặc nếu có thì chỉ nên ở mức thấp nhất là 5%. Luật sư Trương Thanh Đức đề xuất mức thuế 2%. Khi giảm thuế hoặc miễn thuế đối với lĩnh vực báo chí thì không ảnh hưởng đến nguồn thu Ngân sách Nhà nước do thu thuế trong lĩnh vực này hiện không nhiều.
Sửa đổi quy định về chính sách thuế góp phần hỗ trợ các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn hiện tại (Ảnh: Mạnh Quân).
Cần giảm thuế thu nhập cá nhân cho người viết báo nhằm giảm gánh nặng chi phí
Ông Lê Quốc Vinh, chuyên gia có gần 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông và báo chí, cho biết cá nhân ông ủng hộ việc ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí dù hiện tại, điều này "chưa có nhiều lợi ích thực tiễn, vì đa số các cơ quan báo chí không có hoặc có rất ít lợi nhuận".
Ông Vinh cho rằng, ưu đãi thuế suất giảm 5% so với các doanh nghiệp khác cũng tốt, nhưng chính sách này sẽ phát huy hiệu quả khi các cơ quan báo chí có hiệu quả kinh doanh, có lợi nhuận.
"Cái cần bây giờ là giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các loại doanh thu ngoài mặt báo, thuế thu nhập cá nhân cho người làm báo, viết báo… để giảm gánh nặng chi phí của báo chí, tạo ra hiệu quả tức thì", ông Vinh đề xuất.
Theo dantri.com.vn