Kiểm soát nguồn thải để cải thiện môi trường, cần đẩy mạnh xã hội hóa

Thứ 4, 18.09.2024 | 14:41:06
388 lượt xem

Sáng 18-9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Việt Nam hiện đang có quy mô nền kinh tế và dân số ngày càng lớn, khiến lượng chất thải được thải ra môi trường ngày càng gia tăng; trong khi đó, công tác quản lý rác thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế, phần lớn được xử lý theo hình thức chôn lấp, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế tại các cơ sở xử lý chưa cao.

Kiểm soát nguồn thải để cải thiện môi trường, cần đẩy mạnh xã hội hóa
Quang cảnh tọa đàm. 

Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn là một trong những hoạt động quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường và không thể tách rời với công tác quản lý rác thải sinh hoạt, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Thanh Kim, Phó tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho biết, quản lý chất thải rắn hiệu quả không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là một ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường và hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Kiểm soát nguồn thải để cải thiện môi trường, cần đẩy mạnh xã hội hóa
Ông Lê Thanh Kim, Phó tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân, phát biểu đề dẫn tọa đàm.

Trao đổi tại tọa đàm, các ý kiến cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường đổi mới phương thức quản lý chất thải rắn, coi chất thải là tài nguyên sau khi được phân loại để góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ rác thải. Để thực hiện điều này, cần đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài vào hoạt động thu gom, phân loại chất thải, tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý chất thải; thực hiện quản lý chặt chẽ và khơi thông biến rác thải thành nguồn lực cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, thực tế mức thu hồi chi phí thấp khiến các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này và việc huy động các nguồn vốn để tập trung xử lý vấn đề bức thiết lại trở nên khó khăn. Do vậy, một số ý kiến cho rằng cần có những chính sách ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải.

Chia sẻ quan điểm, ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội Urenco cho rằng, bối cảnh hiện nay công nghệ xử lý chất thải không phải là vấn đề mà mấu chốt là làm sao đưa công nghệ vào cuộc sống. Cùng với đó, để biến rác thải thành tài nguyên, rất nhiều việc phải làm, nhưng điều đầu tiên phải thực hiện được đó là phải được phân loại từ nguồn, sau khi phân loại xong thì mỗi loại chất thải đều có công nghệ và cách thức ứng xử khác nhau.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/kiem-soat-nguon-thai-de-cai-thien-moi-truong-can-day-manh-xa-hoi-hoa-794919

  • Từ khóa