Quả vải thiều tươi Việt Nam chính thức được phép xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản kèm theo quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
Thời gian gần đây, nhiều trái cây Việt liên tục được cấp phép xuất khẩu vào những thị trường “khó tính” trên thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Australia… Đây là tín hiệu tích cực, hứa hẹn khả năng thúc đẩy xuất khẩu bền vững trái cây thời gian tới, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Ngay giữa tháng 12/2019, Bộ Nông lâm Ngư nghiệp của Nhật Bản đã có thư gửi Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam.
Xuất khẩu quả vải lần này sang thị trường Nhật Bản là bàn đạp để khẳng định những thị trường bậc cao hơn với những giá trị lớn hơn. |
Theo đó, quả vải thiều tươi Việt Nam chính thức được phép xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản kèm theo quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu của phía Nhật Bản. Quy định này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2019. Đây là kết quả của hơn 5 năm nỗ lực đàm phán giữa Cục Bảo vệ thực vật và Bộ Nông lâm Ngư nghiệp của Nhật Bản cùng nhiều thí nghiệm nghiêm ngặt được thực hiện để đảm bảo diệt trừ triệt để các đối tượng kiểm dịch thực vật của Nhật Bản có khả năng đi theo quả vải thiều của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020 một trong những yếu tố tăng tính cạnh tranh cho trái cây Việt nói riêng và nông sản Việt nói chung là khi xuất khẩu phải kéo giảm chi phí logistics. Về khâu chế biến, đóng gói các doanh nghiệp cũng cần chú trọng hơn, đặt ra cho mọi doanh nghiệp không phân biệt quy mô lớn hay nhỏ.
"Xuất khẩu quả vải lần này sang thị trường Nhật Bản là bàn đạp để khẳng định những thị trường bậc cao hơn với những giá trị lớn hơn. Chúng ta phải có các doanh nghiệp hạt nhân bởi vì nếu mở cửa thị trường rồi mà không có các doanh nghiệp dẫn dắt ngay từ những tuyến đầu tiên và giữ được trạng thái ổn định xuất khẩu thì chúng ta cũng chưa đạt được những mục tiêu đề ra.
Đồng thời phải có kết nối lâu dài chứ không chỉ kết nối đơn thuần, một số hợp đồng với một số đơn vị doanh nghiệp nhỏ lẻ còn phải có đi sâu vào chuỗi phân phối bán lẻ của Nhật Bản" - ông Toản cho biết thêm./.
Minh Long/VOV.VN