Dịch Covid-19 khiến người dân thay đổi thói quen sinh hoạt, không đi ra ngoài mà chuyển sang đặt đồ ăn online, tránh tụ tập đông người.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống đã chuyển hướng kinh doanh, bán hàng online nhằm bù đắp phần nào lượng khách đến ăn uống trực tiếp tại cửa hàng đang giảm sút. Với nhiều ứng dụng tiện lợi, khách hàng chỉ cần chọn nhà hàng, chọn đồ ăn kèm địa chỉ nhận sẽ có người mang đến tận nhà hoặc cơ quan, đồ ăn vẫn nóng hổi, thơm ngon.
Mua hàng trực tuyến đang trở thành thói quen của người dân trong mùa dịch Covid-19. |
Từ 6h sáng, chị Nguyễn Tuyết Nhung đã đi chợ, mua rất nhiều thực phẩm về chế biến khoảng 20 loại món ăn theo đơn đặt hàng của khách.
Thực đơn món ăn cũng được thay đổi hàng ngày đa dạng nhằm đáp ứng khẩu vị đa dạng của khách hàng online. Nhằm lôi kéo và tạo thuận lợi cho khách hàng, nhiều nhà hàng, quán ăn đã áp dụng nhiều hình thức khuyến mãi khác nhau như miễn phí vận chuyển, giảm giá, mua 1 tặng 1.
“Chỉ cần có điện thoại thông minh, mọi người có thể vào ứng dụng gọi món rất tiện mà còn rẻ hơn ở đây. Bây giờ tôi đang giảm giá 50%. Một suất cơm giá 50.000 đồng nhưng đợt này mua giảm còn 25.000 đồng. Với giá thành như thế vẫn được ăn suất cơm như ăn tại quán. Bây giờ mình phải duy trì, mình không làm ngon thì cũng không bán được. Có khách thấy món nào ngon thì hoàn toàn có thể đặt mua thêm”, chị Nhung nói.
Không riêng gì quán ăn nhà chị Nhung, nhiều nhà hàng cũng bắt kịp xu hướng, tăng cường làm những món ăn hấp dẫn, những món ăn đặc trưng của nhà hàng, đăng kí bán hàng trên các ứng dụng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Với anh Nguyễn Văn Sáu, mục tiêu của nhà hàng do anh làm chủ hướng tới trong dịp này là cố gắng duy trì hoạt động và nâng cao dịch vụ để khách hàng có thể hài lòng nhất.
“Tôi làm nhiều món lắm, khoảng 40-50 món, món ăn khách ưa thích nhất ở quán là cá kho và sườn xào chua ngọt. Chúng tôi cũng muốn tăng thêm khách đặt hàng qua ứng dụng nhưng đợt này sinh viên về hết, học sinh vẫn nghỉ nên cũng khó khăn, buộc phải giảm bớt nhân công”, anh Sáu cho hay.
11 giờ trưa, tại một số quán ăn trên phố Trung Kính, Cầu Giấy, khá nhiều nhân viên giao hàng thuộc hệ thống giao đồ ăn của ứng dụng Now và Grap Food chờ lấy đồ ăn giao cho khách, một số khách tới mua hộp cơm đem về.
Một người chuyên giao đồ ăn, thức uống chia sẻ: “Thời điểm dịch như thế này, nhiều người ngại ra đường nên đặt đồ ăn nhiều, buổi trưa là cao điểm nhất, đến chiều thì vãn hơn. Khi đi giao đồ ăn, chúng tôi cũng luôn mang khẩu trang và tránh tiếp xúc trực tiếp để an toàn cho cả khách hàng và bản thân”.
Tâm lý gọi đồ ăn về nhà hoặc tới nơi làm việc trong mùa dịch đã trở nên thiết yếu với nhiều người. Không ít người đã bỏ thói quen đi siêu thị mua sắm, ăn uống mà chuyển sang hình thức mua đồ ăn trực tuyến.
Chị Trần Thị Thanh, ở quận Long Biên cho hay: “Công việc của tôi cũng rất bận rộn. Thời gian gần đây có dịch nên tôi thường đặt hàng qua mạng. Đồ ăn đặt qua mạng nhưng vừa ngon, vừa rẻ, khá phong phú, đa dạng, tránh phải ra đường, đỡ dịch bệnh và quan trọng là không tụ tập nơi đông người. Ngồi một chỗ mà có người mang đến tận nhà cho mình. Những người bận rộn thì rất tiện, cảm thấy an toàn hơn”.
Mặc dù vậy, để đảm bảo an toàn cho các giao dịch trực tuyến, nhiều ý kiến cũng cho rằng người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, không được cung cấp thông tin bảo mật cho bất kỳ ai, nên sử dụng phương thức xác thực 2 lớp để đảm bảo phòng tránh hacker cao nhất để tránh những phiền phức có thể phát sinh sau này./.
Kim Thanh/VOV1
https://vov.vn/kinh-te/dat-do-an-online-xu-huong-moi-trong-mua-dich-1025511.vov