Vì sao giá thịt lợn vẫn “cố thủ” ở mức cao?

Thứ 3, 07.04.2020 | 00:00:00
689 lượt xem

Từ 1/4, giá lợn hơi đã về 70.000 đồng/kg nhưng thịt thành phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

“Sáng đi chợ nghe báo giá sườn non 200.000 đồng/kg, mình thắc mắc sao ti vi nói thịt lợn xuống giá rồi, bà bán thịt bảo, muốn mua rẻ lên ti vi mà mua”, - một câu chuyện “thật như đùa” nhưng được nhiều bà nội trợ chia sẻ với nhau trong những ngày gần đây khi giá thịt lợn tại chợ vẫn còn cao và thắc mắc “không biết ti vi bảo lợn giảm giá là lợn nào”.

Giá thịt lợn vẫn neo cao

Cuối tháng 3/2020, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên cả nước cùng cam kết với Chính phủ từ ngày 1/4 giảm giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VOV, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh và siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện vẫn ở mức cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

sau cam ket cua doanh nghiep, gia thit lon van
Giá thịt lợn vẫn ở mức cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Cụ thể, tại một số khu chợ dân sinh ở khu vực quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Đống Đa... giá thịt ba chỉ, chân giò bán ở mức 160.000 đồng/kg, thịt nạc vai 170.000 đồng/kg; thịt mông sấn giá dao động từ 140.000-150.000 đồng/kg; sườn thăn từ 170.000-180.000 đồng/kg; sườn non 200.000-230.000 đồng/kg.

Không chỉ tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao so với trước đây. Theo khảo sát tại một số siêu thị như Big C, Vinmart... giá thịt lợn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đơn cử, như với thịt ba chỉ của Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam tại hệ thống siêu thị Big C có giá bán là 175.000 đồng/kg – 185.000 đồng/kg; sườn non có giá 207.000 đồng/kg; trong khi đó, sản phẩm thịt mát Meat Deli có mức giá trung bình từ 169.000 - 299.000 đồng/kg, tùy theo từng loại.

Lý giải về nguyên nhân giá thịt lợn vẫn còn neo cao, một số tiểu thương ở chợ 8-3, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, dù các DN cam kết giảm giá lợn hơi nhưng thực tế giá thịt lợn móc hàm nhập ở các lò mổ vẫn cao, từ 115.000 – 117.000 đồng/kg, do đó, phải bán thịt với giá từ 140.000 – 170.000 đồng/kg thì mới có lãi. 

Có hiện tượng cấu kết "làm giá" thịt lợn, quá nhiều trung gian

Trao đổi với phóng viên báo điện tử VOV, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, việc 15 doanh nghiệp lớn đã cùng cam kết báo giá lợn về mức 70.000 đồng/kg là rất đáng ghi nhận nhưng cần phải cắt giảm khâu trung gian phân phối bán lẻ thì giá lợn hơi mới có thể giảm về mức lý tưởng 45.000 - 50.000 đồng/kg. 

“Lợi nhuận một số công ty chăn nuôi rất lớn, theo phản ánh bán một con lợn hơi tại cửa chuồng với giá 75.000 - 80.000 đồng/kg, họ đã lãi 2-3 triệu đồng/con. Đây là mức lợi nhuận rất cao nên khó chấp nhận”, ông Phú cho biết.

sau cam ket cua doanh nghiep, gia thit lon van  Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội

Theo ông Phú, mỗi kg thịt lợn hiện cõng 6-7 khâu trung gian, mỗi khâu “ăn” một ít khiến giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng cao. Từ trước đến nay, ngành chăn nuôi lợn vẫn chưa thể thiết lập được theo mô hình liên kết tam giác (tức là từ trang trại - lò giết mổ - bán lẻ). Thậm chí, xuất hiện tình trạng một số trang trại chăn nuôi lớn có số lượng áp đảo về số đầu lợn đã có hiện tượng ghìm giá lợn hơi, hoặc liên kết ngang để cùng thống nhất một mức giá, họ còn có những hành động biểu hiện của sự tiếp tay cho thương lái và các công ty liên kết của họ, việc làm này đã tạo thêm những chi phí trung gian góp phần đẩy giá lên ở thị trường bán lẻ. 

“Lâu nay chúng ta vẫn tập trung giảm giá thịt lợn ở khâu nguồn cung, song dường như còn bỏ ngỏ khâu phân phối, bán lẻ. Từ trang trại chăn nuôi đến bán lẻ giá tăng 40-60%, bao gồm thương lái công ty liên kết, lò mổ, bán lẻ; hưởng chi phí mỗi công đoạn 10-15%, riêng khâu bán lẻ còn hưởng có thể cao hơn, thực tế một số mặt hàng gửi bán vào siêu thị có lúc bị ép chiết khấu lên đến 20-30%”, ông Phú nói.

Do vậy, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, để giảm giá thành thịt lợn thì cần phải công khai, làm rõ số liệu của từng khâu trung gian, tổ chức liên kết từ trang trại - giết mổ đến phân phối bán lẻ. 

“Để giảm giá thịt lợn thì phải kết nối, phối hợp. Bộ NN&PTNT giám sát khâu giết mổ, Bộ Công Thương giám sát khâu phân phối bán lẻ. Từ đó mới thiết lập được cầu: từ trang trại đến khâu giết mổ, bán lẻ, bớt khâu thương lái, bán buôn. Riêng ở khâu giết mổ, Nhà nước có thể bỏ vốn đầu tư ban đầu để xây dựng các cơ sở giết mổ hiện đại, sau đó chuyển giao cho doanh nghiệp, điều này vừa giải quyết được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như bớt được khâu trung gian, có thể liên kết từ đơn vị chăn nuôi - giết mổ - bán lẻ”, ông Phú kiến nghị.

Có dấu hiệu độc quyền nhóm

Còn theo GS. TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, giá thịt lợn neo cao như hiện nay nguyên nhân lớn là do hệ thống quản lý dự trữ quốc gia lâu nay không được quan tâm đúng mức, từ đầu tư cơ sở vật chất đến đầu tư cho các mặt hàng, đầu tư tiền để dự trữ. 

Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thịt lợn trên thị trường. Trong lúc các nước (điển hình như Trung Quốc) tung dự trữ quốc gia để bình ổn giá cả thị trường thì ở Việt Nam do thịt lợn không nằm trong nhóm hàng bình ổn, quản lý giá hay mặt hàng dự trữ quốc gia nên nhà nước không điều tiết giá thịt lợn, do đó làm cho thị trường bị động. Vì thế, gần đây, thực tế giá thịt lợn hơi chỉ có 30-35.000 đồng/kg nhưng thị trường bán ra giá gấp 3 lần, lên tới 80.000-100.000 đồng/kg và giá thịt lợn thành phẩm đến tay người tiêu dùng lên tới 150.000-180.000 đồng/kg.

sau cam ket cua doanh nghiep, gia thit lon van GS. TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, trường Đại học Kinh tế Quốc dân

“Cả 1 đất nước 100 triệu dân mà chỉ có 15 doanh nghiệp lớn cung ứng thịt lợn - ở đây có dấu hiệu độc quyền theo nhóm. Để giải quyết vấn đề này, trước tiên phải khẩn trương điều tiết cung cầu ngay bằng cách nhập thịt từ các nước về. Trước đó, đã nói chuyện nhập khẩu thịt lợn về để cân bằng cung- cầu nhưng chúng ta vẫn chưa thực hiện được nên khi có dịch, các nước phong tỏa rồi thì muốn nhập cũng khó”, GS. TS. Đặng Đình Đào nói.

Do đó, GS. TS. Đặng Đình Đào cho rằng, cần nghiêm túc xem xét lại trong khâu quản lý, lưu thông và logistic, đặc biệt là xây dựng hệ thống dự trữ quốc gia để có thể sử dụng trong lúc thiên tai, dịch bệnh, tránh tình trạng độc quyền nhóm lợi ích.

Còn theo TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), dịch Covid-19 đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn, thịt lợn chiếm 70% trong nhóm hàng thực phẩm, do đó, nếu không kiểm soát mặt bằng giá sẽ ảnh hưởng tới lạm phát.

“Trong kinh doanh phải tính giá mua, trong sản xuất tính giá thành. Giá thành sản xuất lợn trong nước hiện rất rõ ràng, vậy làm phép tính đơn giản, cộng thêm các chi phí thị trường, lợi nhuận, giá heo hơi cao gấp đôi giá thành sản xuất là không thể chấp nhận được. Tôi thấy chưa cần thiết đưa giá thịt vào quản lý theo kiểu bình ổn, kiểm soát giá… nhưng biện pháp kinh tế là quản lý dựa trên giá thành và giá bán ra, đánh vào thuế, chắc chắn các nhà sản xuất không tự tung tự tác được”, TS. Ngô Trí Long nêu ý kiến./.


Cẩm Tú/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/vi-sao-gia-thit-lon-van-co-thu-o-muc-cao-1033553.vov

  • Từ khóa