Được gắn với nguồn gốc rau sạch, rau an toàn nên giá bán rau xanh tại các siêu thị còn ở mức cao, chưa phục vụ được đại đa số người tiêu dùng.
Đảm bảo nguồn cung, giá cả ổn định đối với hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho người dân trong thời gian thực hiện cách ly xã hội đã được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương quán triệt thực hiện từ nhiều ngày nay. Thực tế về nguồn cung, chưa thấy có tình trạng khan hiếm hàng hóa tiêu dùng tại các hệ thống siêu thị cũng như chợ dân sinh. Tuy nhiên, giá bán hàng hóa nhất là các mặt hàng rau, củ quả cũng cần phải bàn đến.
Chị Nguyễn Thu Hà, tiểu thương quầy bán rau, củ quả tại chợ Hôm, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, giá rau, củ quả những ngày qua luôn giữ ổn định không có nhiều biến động. Chỉ riêng có mặt hàng cà chua đỏ giá nhích tăng hơn trước từ 5.000 – 6.000 đồng/kg.
“Người dân ít đi chợ hơn thời điểm trước khi cách ly xã hội nhưng họ lại có xu hướng mua số lượng nhiều mỗi lần. Trước đây người dân thường đi ăn ở ngoài hàng, nhưng giờ thực hiện cách ly nên gia đình nào cũng phải ăn ngày 3 bữa nên thực phẩm, rau xanh từ đó có nhu cầu cao hơn”, chị Hà nói.
Rau xanh tại chợ dân sinh không thiếu, giá bán hợp lý với người tiêu dùng. |
Theo khảo sát tại chợ Hôm và một số chợ dân sinh khác trên địa bàn Hà Nội, ngày 10/3 giá các mặt hàng như rau muống đang ở mức 15.000 đồng/mớ/kg; các loại rau cải xanh, cải bắp, cải cúc có giá 10.000 đồng/kg; mùng tơi 7.000 đồng/kg; đỗ xanh 30.000 đồng/kg; dưa leo 20.000 đồng/kg; cà chua 30.000 đồng/kg…
Trong khi đó, giá bán các mặt hàng rau, củ quả tại các chuỗi siêu thị những ngày qua vẫn còn ở mức cao hơn nhiều giá bán ngoài chợ dân sinh. Giá rau củ quả được niêm yết tại các siêu thị đối với rau muống vẫn có giá 22.000 – 25.000 đồng/bó/kg; cải chíp có giá từ 38.000 – 40.000 đồng/kg; cải ngọt 18.000 – 20.000 đồng/kg; cải cúc từ 20.000 – 24.000 đồng/kg; dưa leo từ 22.000 – 24.000 đồng/kg…
Theo quản lý bán hàng tại một số siêu thị, sở dĩ giá rau, củ quả tại siêu thị có giá trung bình cao hơn ngoài chợ dân sinh là do nguồn gốc sản phẩm được sản xuất, chế biến theo công nghệ cao, đảm bảo chất lượng sạch và được bảo quản chu đáo. Từ giá gốc nhập vào giá rau sạch, rau an toàn đã cao hơn giá rau thường, cộng với một số chi phí bảo quản và phân phối nên giá rau trong siêu thị như vậy là hợp lý.
Trong khi đó, thông tin từ một hợp tác xã sản xuất rau sạch trên địa bàn huyện Đông Anh cho biết, là đơn vị thường xuyên cung cấp mặt hàng rau, củ quả cho các siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội với khối lượng hàng nghìn tấn mỗi tháng, giá rau bán buôn cho các siêu thị luôn ở mức ưu đãi vì họ là các khách hàng lớn và thường xuyên. Tuy nhiên, nếu so với mức giá từ nơi sản xuất qua các kênh phân phối rồi đến tay người tiêu dùng như mức giá niêm yết tại các siêu thị hiện nay là quá cao.
“Giá bán buôn rau ăn lá của hợp tác xã thường ở chỉ mức dưới 20.000 đồng/kg. Nếu các siêu thị có tổ chức đóng gói và thêm bao bì, nhãn mác nữa cũng không tăng thêm nhiều. Vấn đề giá tăng cao còn có thể do phải qua một số doanh nghiệp thu mua, cung ứng, bởi không phải siêu thị nào hợp tác xã cũng kí được hợp đồng cung cấp trực tiếp, vì thế nên rất khó biết giá rau đã tăng lên ở công đoạn nào?”, Chủ nhiệm một hợp tác xã rau an toàn cho biết.
Khâu cung ứng chưa được tổ chức chặt chẽ
Rau xanh, củ quả là mặt hàng thiết yếu luôn được mọi người tiêu dùng quan tâm nhất vì được sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, với mức giá cao vô lý như ở trên thì đa số người có thu nhập thấp không dám mua rau ở siêu thị mặc dù biết đó là rau sạch và rau an toàn cho gia đình mình.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, từ nhiều năm nay, câu chuyện giá ở một số siêu thị phổ biến cao hơn ở các chợ dân sinh là một thực tế ở thị trường bán lẻ Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân để giá hàng hóa ở siêu thị cao hơn giá ở chợ, về mặt khách quan có thể do chi phí bảo quản hàng hóa của hệ thống siêu thị cao hơn ở chợ, cộng thêm thuế VAT khi bán ra…
Còn lại yếu tố chủ quan khiến các siêu thị đẩy giá hàng hóa lên cao, đó là các chi phí để các mặt hàng nông sản đưa gửi vào siêu thị đều ở mức khá cao, như chiết khấu ở mức 20-30% nên có những nhà cung ứng đã không chịu nổi. Ngoài ra, còn những chi phí khó nói khác đã đẩy giá bán hàng nông sản và rau quả ở một số siêu thị lên cao so với chợ.
“Điều này lại ngược lại so với các nước đang phát triển, ở đó giá bán hàng hóa ở siêu thị đa phần thấp hơn ở các chợ dân sinh. Bởi siêu thị có thế mạnh về doanh số, khi đàm phán giá với các nhà cung ứng, thậm chí ép giá khi mua vào để tổ chức bán ra. Đây là bài toán lâu dài về giá bán lẻ ở các siêu thị Việt Nam”, ông Phú nói.
Không phải người tiêu dùng nào cũng chấp nhận giá bán rau trong siêu thị. |
Bàn cụ thể về giá mặt hàng rau, củ quả thực tế ở Việt Nam hiện nay, ông Phú nhận định, trong khoảng 10 mớ rau sạch thì mới có 1 mớ vào được siêu thị, còn lại rau sạch buộc phải bán trôi nổi ở thị trường tự do lẫn với rau chưa sạch, và người trồng rau sạch không thu được lợi nhuận tương xứng với những gì mà mình đã bỏ ra.
Trong lúc đó, chuỗi cung ứng sản xuất phân phối mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa được tổ chức chặt chẽ. Hàng hóa như rau sạch phải qua nhiều trung gian, bị ép giá, ép cấp, ép chiết khấu hoặc giao dịch mua bán hàng hóa chưa được công khai minh bạch, thiếu thông tin về giá cả và thị trường.
“Tổ chức tốt được chuỗi cung ứng, sản xuất nông sản sạch sẽ phát triển một cách bền vững vì có đầu ra hỗ trợ ổn định và bình đẳng. Hệ thống siêu thị có mức giá hợp lý thì doanh số và lợi nhuận tăng cao. Người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp sẽ mạnh dạn bước chân vào siêu thị để mua hàng phục vụ cho sức khỏe của gia đình họ”, ông Phú chỉ rõ./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN