Lần đầu tiên, buồng khử khuẩn tích hợp chức năng đo thân nhiệt và phun sương tự động của một thầy giáo và nhóm thiện nguyện xuất hiện tại Quảng Trị, đã phát huy hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19.
Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, thầy giáo Nguyễn Đức Sáu (giáo viên trường THPT Gio Linh) và các thành viên Đội ca nô ứng cứu 24/24 tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã thiết kế ra buồng khử khuẩn toàn thân.
Đáng chú ý, thiết bị khử khuẩn hoàn toàn sử dụng các loại tinh dầu từ thiên nhiên, như tinh dầu tràm, dầu sả để pha với nước rồi cho vào hệ thống phun sương bằng cảm biến. Các loại tinh dầu này vẫn được người dân sử dụng hàng ngày, không gây hại đến sức khỏe.
Biết về nghề cơ khí, thầy Sáu thiết kế khung của thiết bị khử khuẩn đặt tại nơi công cộng (Ảnh: Đăng Đức).
Chia sẻ về ý tưởng thiết kế buồng khử khuẩn, thầy Sáu cho biết, trước tình hình dịch bệnh phức tạp ở địa phương thời gian gần đây, các thành viên trong nhóm nảy ra sáng kiến thiết kế buồng khử khuẩn giúp ích cho cộng đồng.
"Sau khi nghiên cứu nguyên lý hoạt động của buồng khử khuẩn toàn thân ở các tỉnh, thành phố khác, nhận thấy sản phẩm này có 2 bộ phận chủ yếu là thiết bị cảm biến và hệ thống phun khử khuẩn. Với những buồng khử khuẩn đã có trước đây, thường có chi phí rất cao, trong khi đó, do điều kiện nguồn lực hạn chế nên nhóm chỉ thiết kế mô hình phù hợp có chi phí thấp hơn nhưng cơ chế hoạt động giống nhau. Đặc biệt, không sử dụng các hóa chất gây hại đến sức khỏe con người", thầy Sáu nói.
Trước khi vào khử khuẩn, người dân thực hiện đo thân nhiệt (Ảnh: Đăng Đức).
Được một số nhà hảo tâm và người dân địa phương hỗ trợ, thầy Sáu và các thành viên bắt tay vào thiết kế buồng khử khuẩn. Ban đầu, thầy đặt các thiết bị, linh kiện cần thiết, sau đó hàn khung sắt tạo không gian đủ cho người bước vào.
Dù là giáo viên dạy môn Giáo dục quốc phòng, nhưng thầy Sáu vẫn tự mày mò, làm được rất nhiều nghề, trong đó có nghề cơ khí. Bản thân thầy đã rất tích cực để thiết kế và làm ra thiết bị này.
Mất hơn 2 ngày, buồng khử khuẩn đầu tiên ra đời, có hệ thống cảm biến hồng ngoại tích hợp đo thân nhiệt và hệ thống phun sương tự động. Sau khi hoàn thành, nhóm của thầy Sáu đưa buồng khử khuẩn về đặt tại khu chợ trung tâm tại thị trấn Gio Linh (huyện Gio Linh). Khu chợ này có hàng trăm người ra vào, mua bán hàng ngày nên bước đầu đã phát huy hiệu quả trong việc phòng, chống dịch.
Mỗi người dân khi vào chợ đứng trước buồng khử khuẩn sẽ có thiết bị nhận diện, đo thân nhiệt, sau đó bước vào buồng có hệ thống phun sương khử khuẩn toàn thân. Người dân ra khỏi chợ cũng thực hiện quy trình tương tự, sẽ giúp khử khuẩn bám trên người, giảm nguy cơ gây bệnh.
Thiết bị khử khuẩn sử dụng tinh dầu thiên nhiên, không ảnh hưởng sức khỏe (Ảnh: Đăng Đức).
Hàng ngày ra vào chợ để trao đổi hàng hóa, chị Lê Thị Thanh cho biết: "Chợ Cầu (huyện Gio Linh) nằm ở khu vực trung tâm nên có hàng trăm người mua bán, nếu có một người mang mầm bệnh thì nguy cơ lây lan sẽ rất cao. Thiết bị này rất có ích trong việc khử khuẩn, giúp cho người dân an tâm hơn, góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình".
Theo thầy Nguyễn Đức Sáu, ngoài công sức của các thành viên trong nhóm thì chi phí để hoàn thành buồng khử khuẩn này chỉ mất khoảng 5 triệu đồng, bằng một nửa so với trên thị trường.
Sau thời gian thử nghiệm buồng khử khuẩn đầu tiên, nhóm của thầy giáo Sáu tiếp tục chế tạo thêm 4 buồng khử khuẩn khác. Dự kiến, những chiếc máy này đặt tại những nơi đông người, gồm: Trường học, bệnh viện, chợ…
"Ngoài việc thiết kế buồng khử khuẩn có chi phí rẻ thì việc chọn loại dung dịch nào để có thể phun lên người nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng được chúng tôi nghiên cứu kỹ. Đối với các thiết bị trước, chủ yếu sử dụng cồn và ozon nên mình bỏ qua những chất này. Thiết bị do chúng tôi thiết kế chỉ dùng các loại tinh dầu tràm, dầu sả là những thứ sẵn có ở địa phương. Khi dung dịch này pha thêm nước cất để đưa vào thiết bị sẽ mang lại sự an toàn cho người sử dụng", thầy Sáu chia sẻ.
Vài ngày tới, thầy Sáu sẽ hoàn thành thêm 4 thiết bị khử khuẩn để đặt tại trường học, bệnh viện trên địa bàn. Qua đó, mong muốn của thầy Sáu và các thành viên trong nhóm là làm được nhiều buồng khử khuẩn, đặt ở những nơi đông người, khu vực công cộng. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên thầy chưa thể nhân rộng thiết bị nói trên.
Đăng Đức/dantri.com.vn