Tỷ phú Phần Lan kể về nền giáo dục thần kỳ, giáo viên thi tuyển cực "gắt"

Thứ 4, 03.01.2024 | 08:19:29
390 lượt xem

Vị tỷ phú "ảnh hưởng nhất hành tinh" năm 2011 Peter Vesterbacka chia sẻ câu chuyện tạo môi trường giáo dục bình đẳng, tôn trọng, miễn phí, đầu tư để giáo viên đều có bằng thạc sĩ.

Tỷ phú Phần Lan kể về nền giáo dục thần kỳ, giáo viên thi tuyển cực gắt  - 1

Tỷ phú Phần Lan Peter Vesterbacka - người đồng sáng lập trò chơi Angry Birds đình đám, Chủ tịch của tổ chức giáo dục Finest Future - chia sẻ tại một sự kiện ở TPHCM (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Giáo viên là nghề "hot" 

Từ một tên tuổi xa lạ trên bản đồ giáo dục thế giới, Phần Lan dần nắm giữ vị trí top đầu các bảng xếp hạng giáo dục thế giới, đặc biệt ở bậc phổ thông.  

Các chuyên gia giáo dục hàng đầu thế giới đều ấn tượng với nền giáo dục không có lớp luyện thi nhưng đạt tỷ lệ học sinh dẫn đầu cuộc thi quốc tế PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế về toán, khoa học và đọc hiểu). Không ít người nói đây là nền "giáo dục thần kỳ".

Trong buổi chia sẻ gần đây tại TPHCM, ông Peter Vesterbacka - tỷ phú người Phần Lan và là một trong "100 người có ảnh hưởng nhất hành tinh" (do tạp chí Times bầu chọn năm 2011) - nhấn mạnh tới cơ hội bình đẳng để theo đuổi sự hạnh phúc và được học tập. 

Chia sẻ về môi trường giáo dục tại quốc gia có 6 lần liên tiếp là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, ông Peter Vesterbacka cho hay ở Phần Lan, dù bạn sống ở vùng miền nào, hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có cơ hội thắng một cuộc đua nào đó. Mọi người đều có cơ hội giống nhau để mưu cầu hạnh phúc vì thế ai cũng có thể hạnh phúc, có thể vui vẻ.  

Đặc biệt là trong môi trường giáo dục, sân chơi bình đẳng đã tạo ra điều kỳ diệu. Cách để làm cho trường học trở nên chất lượng cao, theo ông Peter, chính là việc quốc gia này đầu tư rất nhiều vào giáo viên.  

Mọi giáo viên ở Phần Lan đều có bằng thạc sĩ ngay cả bậc mẫu giáo. Theo quan niệm của đất nước này, có những giáo viên chất lượng mới triển khai được những chương trình giáo dục chất lượng.  

Nhờ vậy, ở Phần Lan nghề giáo viên rất được ưa chuộng, là nghề "hot". Giáo viên được đánh giá cao và được nể trọng. Hằng năm, có hàng ngàn sinh viên muốn trở thành giáo viên ở đất nước này nhưng họ không thể vì tuyển sinh đầu vào rất khó, chỉ dành cho những người giỏi nhất. 

Trường "xịn xò" nhất là trường... gần nhất 

Ông Peter Vesterbacka chia sẻ rằng lý do mà Phần Lan được nhiều du học sinh lựa chọn vì đây là một quốc gia hạnh phúc, trao cơ hội bình đẳng cho tất cả học sinh.  

"Ở Phần Lan không có… "chạy trường". Tất cả mọi người dù ở vùng miền nào, xuất thân từ gia đình có thu nhập khác nhau đều có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Toàn bộ trường học đều được đầu tư chất lượng như nhau. Do vậy, trường học tốt nhất, xịn xò nhất là trường học gần nhất", ông Peter nhận định. 

Ở đất nước này, mọi người quan niệm dù bạn trở thành bác sĩ, người dọn dẹp, thợ sửa ống nước hay doanh nhân đều tốt cả, mỗi nghề nghiệp đều có vinh quang riêng, lao động là vinh quang, là tương lai sáng lạn của chúng ta. 

Bà Bambi Đặng - nhà đồng sáng lập Công ty Finest Future - cho biết cứ đi học tại Phần Lan, kể cả bậc thạc sĩ, tiến sĩ cũng đều được miễn phí. Đó không phải "từ trên trời rơi xuống" mà là sự đóng góp tiền thuế của những người đã đi làm.  

Ngay cả học sinh, sinh viên quốc tế đến Phần Lan cũng được hưởng chính sách này. Lý giải về chiến lược miễn học phí, bà Bambi Đặng cho rằng, Phần Lan đang đối mặt với tình trạng "già hóa" dân số. Đi cùng với đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực lao động, nhất là trong vòng 3-5 năm tới.  

Mỗi năm quốc gia này cần khoảng 60.000 người lao động nhập cư để làm những mảng công việc đang thiếu hụt nhân lực, đặc biệt ở lĩnh vực dịch vụ. Chính vì thế, bà Bambi Đặng cùng với tỷ phú Peter Vesterbacka đang thực hiện ý tưởng đưa học sinh các nước trong đó có Việt Nam đến du học miễn phí bậc THPT tại Phần Lan.  

Dù vậy chương trình học không ràng buộc yêu cầu ở lại Phần Lan làm việc nhưng với điều kiện nhập cư khá thuận lợi (đạt trình độ B1 tiếng Phần Lan; sống ở Phần Lan từ 5-7 năm; đi làm và có thu nhập ổn định), nhiều du học sinh sau khi hoàn thành chương trình học THPT và học nghề miễn phí đã tiếp tục ở lại đi làm hoặc học lên cao. 

Ít ai biết rằng, đầu những năm 1970, Phần Lan có một hệ thống giáo dục bị xuống cấp trầm trọng. Để thoát khỏi khủng hoảng này, Chính phủ thực hiện chính sách đổi mới giáo dục bắt đầu từ những người giáo viên. Đây là bước căn bản trong quá trình cải cách giáo dục ở đất nước này. 

Khi tới lớp, học sinh Phần Lan không phải chịu áp lực từ những bài kiểm tra, điểm danh, thành tích học tập. Thay vào đó, giáo viên cho phép học sinh nghiên cứu theo chủ đề dưới nhiều góc độ khác nhau. Nguyên tắc cơ bản của giáo viên là đối xử với học sinh với thái độ khách quan, công bằng, lớp học là nơi khuyến khích trẻ, không phải nơi răn đe trẻ. 

Ở Phần Lan, bậc học được chú trọng nhất là… mầm non, bởi theo các chuyên gia giáo dục, đây là nền tảng cho một đứa trẻ hình thành những nền tảng cho việc học tập suốt đời. 

Giáo dục và chăm sóc trẻ mầm non dựa trên cách tiếp cận tích hợp để chăm sóc, giáo dục và giảng dạy, đặc biệt có những phương pháp sư phạm dựa trên việc vui chơi từ nhỏ.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc/ty-phu-phan-lan-ke-ve-nen-giao-duc-than-ky-giao-vien-thi-tuyen-cuc-gat-20240102223746389.htm 

  • Từ khóa