Ồ ạt mở ngành thiết kế vi mạch siêu hot: Cần cẩn trọng, không "chết chắc"

Thứ 4, 24.01.2024 | 09:23:10
690 lượt xem

Thiết kế vi mạch là một ngành học cũng siêu hot trong thời điểm hiện nay. Song, nhiều chuyên gia cảnh báo đây là một ngành học không dễ để đào tạo ồ ạt, dễ dãi.

Khó tuyển giảng viên, chi phí đầu tư lớn  

Thiết kế vi mạch, vi điện tử - thiết kế vi mạch, công nghệ vi mạch bán dẫn... là những ngành học mới được nhiều cơ sở giáo dục trọng tâm tuyển sinh, đào tạo từ năm 2024. 

Sở dĩ hot bởi ngành học này có cơ hội việc làm vô cùng rộng mở, được các doanh nghiệp săn đón, mức lương bổng tăng phi mã, lên đến hàng tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, để giảng dạy cho ngành học này không phải dễ dàng.  

Ồ ạt mở ngành thiết kế vi mạch siêu hot: Cần cẩn trọng, không chết chắc - 1

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (Ảnh: Lê Tiên).

Theo thống kê của Synopsys (công ty dẫn đầu toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) và IP bán dẫn), nguồn nhân lực được đào tạo tại Bộ môn Kỹ thuật máy tính viễn thông, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đang làm việc tại các công ty thiết kế vi mạch trong và ngoài nước nằm trong top 3 trên cả nước. 

Được Synopsys đánh giá nằm trong top 3 nguồn cung ứng nhân lực các công ty thiết kế vi mạch nhưng đại diện Bộ môn Kỹ thuật máy tính viễn thông, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chia sẻ mất hơn 10 năm để chính thức "khai sinh" ngành học mới mang tên thiết kế vi mạch. 

Theo đó, từ năm 2012, bộ môn Kỹ thuật máy tính viễn thông đã cải tiến và đổi mới toàn diện chương trình đào tạo và xác định thiết kế vi mạch là một trong những hướng đào tạo chủ lực của bộ môn.  

Trên cơ sở đó, chương trình đào tạo được cập nhật và bổ sung các khối kiến thức ngành và chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực thiết kế vi mạch. 

Cùng với đó, bộ môn có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực theo định hướng này. Đến nay, bộ môn đã có 4 giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên trong lĩnh vực về thiết kế vi mạch.  

Dù đã có sự chuẩn bị từ rất sớm, tuy nhiên nguồn nhân lực hiện có của bộ môn vẫn còn hạn chế về số lượng. Trong những năm qua, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng đã có kế hoạch tuyển dụng thêm để tăng cường đội ngũ giảng viên trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, tuyển dụng giảng viên là một thách thức rất lớn.  

Thực tế, hầu hết tiến sĩ trong lĩnh vực này tốt nghiệp ở nước ngoài và thường chọn con đường ở lại làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia, tự khởi nghiệp hoặc nếu quay về nước cũng ứng tuyển vào doanh nghiệp FDI.  

Trong khi việc đào tạo trình độ sau đại học trong nước liên quan đến chuyên ngành này còn rất hạn chế. Mặt khác, mức lương hiện nay mà các trường chi trả không thể cạnh tranh được với các công ty trong lĩnh vực này. Theo khảo sát của Cộng đồng vi mạch Việt Nam, mức lương của các chuyên gia trong ngành có 15-20 năm kinh nghiệm ở ngưỡng 1,3-1,5 tỷ/ năm.  

"Với mức lương này, các trường đại học Việt Nam hiện nay hoàn toàn chưa thể thu hút được", đại diện bộ môn Kỹ thuật máy tính viễn thông, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho hay. 

Ngoài ra, đơn vị này cũng chỉ ra vấn đề về cơ sở vật chất yêu cầu nguồn kinh phí lớn. Các phần mềm và thiết bị đo kiểm chuyên dụng rất đắt tiền và liên tục phải cải tiến nâng cấp, do vậy, việc đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất cho ngành này vô cùng tốn kém và không hiệu quả về mặt kinh tế.  

"Để có thể đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cần phải có sự phối hợp của "3 nhà": Nhà nước - nhà trường và nhà tuyển dụng. Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ quá trình đào tạo và cơ sở vật chất. Nhà trường cần có những ưu đãi đặc biệt để thu hút nhân tài trong lĩnh vực này. Nhà tuyển dụng hay doanh nghiệp hỗ trợ về công nghệ và tài nguyên phục vụ công tác đào tạo", phía đơn vị đào tạo này cho hay. 

Đổ xô đào tạo, hệ quả lớn  

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM, cảnh báo hiện tượng các trường đại học đang ồ ạt mở ra liên quan đến vi mạch bán dẫn... theo kiểu xu hướng mới của thời đại. 

Ông cho rằng lâu nay thiết kế vi mạch, vi mạch bán dẫn đang là các môn học trong các ngành khác: như cơ điện tử, kỹ thuật tự động hóa... 

Vì thế, ông Sơn cho rằng khi tách sang ngành học riêng cần thí điểm các trường đại học có kinh nghiệm và uy tín, mở rộng các ngành kỹ thuật và hình thành các ngành mới, đào tạo chuyên sâu hơn, bài bản hơn. Sau đó, các đơn vị cần ngồi lại cùng nhau, rút kinh nghiệm và xây dựng hướng phát triển đại trà hơn. 

"Việc đào tạo ồ ạt theo xu hướng, phát triển nhanh nhưng nền móng không vững chắc sẽ... chết chắc luôn", ông Sơn cảnh báo và dẫn lại câu chuyện phát triển "nóng" nhưng không bền của ngành kỹ thuật hạt nhân từng xảy ra trước đó.  

Ồ ạt mở ngành thiết kế vi mạch siêu hot: Cần cẩn trọng, không chết chắc - 2

Để đào tạo lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn cần nguồn giảng viên chất lượng và đầu tư lớn về cơ sở vật chất (Ảnh: Lê Tiên).

Trong tọa đàm về xây dựng chương trình ngành thiết kế vi mạch do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hồi tháng 7/2023, TS Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, cũng từng nêu các ý kiến này.  

Ông Hoài chỉ ra rằng Việt Nam chưa có chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch. Hệ sinh thái còn thiếu các phòng thí nghiệm và công cụ thiết kế. Hầu hết trường không đủ năng lực tài chính để đầu tư trang thiết bị, phần mềm hỗ trợ thiết kế trị giá triệu USD. 

Ông Võ Xuân Hoài khuyên rằng các trường cần nhanh chóng nắm bắt xu hướng nhưng cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, khi đào tạo ngành này cần tập trung vào nhóm các đại học tiên phong như hai đại học Quốc gia và Đại học Bách khoa Hà Nội. Qua đầu tư, các trường tăng cường chương trình, cơ sở vật chất, thu hút chuyên gia, nhà khoa học. 

Về kinh nghiệm quốc tế, chia sẻ tại tọa đàm của Đại học Quốc gia TPHCM, GS Lee Hyuk-jae, Trưởng khoa Điện và Kỹ thuật máy tính, Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), cho biết để giải quyết bài toán khát nhân lực, trường này khuyến khích sinh viên ngành khác học thêm hoặc học song ngành để trở thành kỹ sư vi mạch. 

Ông Lee Hyuk-jae bày cách cần đẩy mạnh sự hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học. Doanh nghiệp sẽ đến trường chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn; ngược lại, sinh viên sẽ thực tập về thiết kế, sản xuất chip tại doanh nghiệp. 


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc/o-at-mo-nganh-thiet-ke-vi-mach-sieu-hot-can-can-trong-khong-chet-chac-20240123085607847.htm

  • Từ khóa