Bố mẹ giao điện thoại cho con bị miệt thị lười nhác, làm hư trẻ

Thứ 2, 19.02.2024 | 14:59:09
589 lượt xem

Bức ảnh chụp lại tại một sân bay so sánh cảnh những đứa trẻ xem điện thoại và đọc sách đang thu hút lớn lượng chú ý của dư luận.

Bố mẹ giao điện thoại cho con bị miệt thị lười nhác, làm hư trẻ - 1

Hai bức ảnh tạo nên tranh luận về vấn đề cho trẻ sử dụng điện thoại di động hay là sách (Nguồn: OFFB)

Cuộc tranh luận với gần 5,3 triệu lượt bày tỏ cảm xúc, hơn 1.300 bình luận xảy ra trên một diễn đàn mạng xã hội khi thành viên nhóm đăng tải 2 bức ảnh so sánh.  

Một bức ảnh ghi lại cảnh 2 đứa trẻ người Việt chăm chú xem điện thoại khi chờ đợi tại sân bay. Xung quanh, nhiều người lớn cũng tập trung vào chiếc màn hình nhỏ trên tay.  

Ở chiều trái ngược, bức ảnh khác lại là cảnh những ông bố, bà mẹ người nước ngoài cùng con đọc sách trong lúc chưa đến giờ bay.  

Theo người đăng tải, bức ảnh được chụp tại sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM. Tác giả để lại trạng thái kèm bức hình: "Liệu có phải ba mẹ Việt Nam quá chiều các cháu nhỏ".  

Bên dưới bài đăng, các ý kiến trái chiều cùng tranh luận có nên để trẻ sử dụng điện thoại di động. Không ít quan điểm cho rằng nhiều ông bố, bà mẹ hiện nay đang "lười nhác", "dí" cho con chiếc điện thoại để trẻ ngồi im mà không quan tâm, dạy dỗ trẻ. Điều này sẽ dẫn đến nhiều tác hại.  

Song, cũng có bình luận bày tỏ rằng đọc thông tin trên điện thoại hay sách đều được, cũng là để tăng hiểu biết và kiến thức. Quan trọng là đọc gì và tiếp thu ra sao chứ không phải đọc bằng thiết bị nào. 

Nêu quan điểm về vấn đề này, ThS Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) cho hay bất cứ vấn đề nào cũng có 2 mặt, chúng ta cố gắng nhìn ở mặt tích cực và hướng tâm đến điều tốt đẹp.  

Gia đình, nhà trường, xã hội hướng giáo dục trẻ đến sự tích cực thì tự động sẽ hình thành một dòng chảy tích cực.  

Ngay trong những chia sẻ đầu năm Giáp Thìn gửi tới học sinh, thầy hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân căn dặn: "Các em cần nhớ smartphone (điện thoại thông minh) là một phương tiện giúp người học tốt hơn. Biết sử dụng thì smartphone sẽ là cuốn từ điển, là thư viện, là phòng thí nghiệm, là bộ sách giáo khoa...", ThS Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh. 

Phân tích kỹ hơn, ông Phú nói với học sinh, chúng ta nên tạo cho trẻ thói quen sử dụng các thiết bị thông minh trong học đường là "thư viện di động" hay cuốn từ điển hoặc biến chúng thành phòng thí nghiệm ảo. Đôi khi, nó thay thế cả bộ sách giáo khoa và tập viết.  

Ông dẫn chứng, chúng ta thấy bên các nước văn minh, người ta vẫn phát tới học sinh mỗi em 1 chiếc ipad (máy tính bảng) và lưu hết tất cả học liệu của nhà trường ở trên đó. Cùng với internet, các em có thể truy cập các kiến thức của nhân loại phục vụ ngay trong bài học của mình.  

Bố mẹ giao điện thoại cho con bị miệt thị lười nhác, làm hư trẻ - 2

Nhiều trẻ em ngày nay được tiếp cận với điện thoại di động từ sớm (Ảnh được tạo bởi AI).

Vị hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta đang thực hiện chuyển đổi số, chúng ta đang nói là số hóa ngành giáo dục, số hóa tất cả các ngành. Rồi chúng ta đang nói về con người số, nhịp sống số. Như vậy, nếu chúng ta nói mà chúng ta không thực hành thì tất cả chuyển đổi số chỉ nằm ở trên giấy thôi". 

Ông nhấn mạnh, học sinh cần phải được cọ xát những phương tiện để chuyển đổi số song chúng ta phải có định hướng rõ ràng, sử dụng công nghệ đúng mục đích, đúng mục tiêu nhằm phát huy thế mạnh, biến công nghệ thành phương tiện học tập.  

ThS Huỳnh Thanh Phú cũng cho rằng sách chỉ là một tài liệu, kiến thức trong đó được diễn tả bằng ngôn ngữ, mang tính chất tạm thời và có thể liên tục thay đổi. Còn kiến thức trong điện thoại thông minh có thể diễn tả bằng hình ảnh động, âm thanh thật, mang đến sự hấp dẫn, sinh động nhất định.  

Nếu biết tận dụng sức mạnh của thiết bị thông minh, người trẻ sẽ nắm được chìa khóa để truy cập những kiến thức phục vụ cuộc sống. 

"Điện thoại di động bây giờ nó trở thành phương tiện học tập chứ không phải chỉ là dụng cụ để chơi game", thầy giáo Huỳnh Thanh Phú bày tỏ. 

Đồng quan điểm, ThS Trần Hải Nguyên, Giám đốc Học viện Hoa Sơn Chi nêu, thường ở Việt Nam bên cạnh mỗi người luôn là chiếc điện thoại nhiều hơn là quyển sách.  

Việc sử dụng quyển sách hay chiếc điện thoại còn tùy theo văn hóa cũng như sở thích của mỗi người.  

Bố mẹ giao điện thoại cho con bị miệt thị lười nhác, làm hư trẻ - 3

Cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ các phương pháp để đọc sách hiệu quả (Ảnh: Huyên Nguyễn).

"Đưa cho con cái nào không quan trọng, quan trọng là mình thiên hướng giáo dục trẻ. Chẳng hạn, cha mẹ đưa cho con một quyển sách nhưng không định hướng con đọc sách như thế nào hay cách đó mang tới giá trị gì thì cũng không tạo được giá trị", ThS Trần Hải Nguyên chia sẻ. 

Theo ông Nguyên, nếu chúng ta đưa điện thoại cho trẻ và định hướng để con biết nên xem cái gì, học hỏi như thế nào và con nên tận dụng chiếc điện thoại đó để con tìm kiếm những câu trả lời mà con đang đặt ra. 

"Cha mẹ nên giáo dục con theo nhu cầu của trẻ và phù hợp với những điều mà xã hội mình đang diễn ra.

Hiện nay ở Việt Nam, gần như các con đều đã tiếp cận điện thoại rất nhiều. Quan trọng nhất là mình định hướng cho các con như thế nào và quy ước giờ nào có thể sử dụng điện thoại để giải trí, giờ nào để tương tác với người thân, để học tập hay giải quyết những các câu hỏi mình đang đặt ra", vị giám đốc nói.

Theo các chuyên gia, trong khi cha mẹ bận rộn, không có thời gian để giới thiệu kiến thức mới cho con thì hướng con sử dụng điện thoại đúng cách cũng là một phương án phù hợp. 

Một số cách để giúp con sử dụng điện thoại an toàn hơn 

Thảo luận về quy tắc và trách nhiệm: 

Trước khi cho con sử dụng điện thoại, hãy thảo luận với con về quy tắc và trách nhiệm. Đảm bảo con hiểu rõ về việc không chia sẻ thông tin cá nhân, không truy cập nội dung không phù hợp và không gọi điện thoại cho người lạ. 

Cài đặt kiểm soát cha mẹ: 

Sử dụng tính năng kiểm soát dành cho cha mẹ trên điện thoại của con. Bạn có thể thiết lập giới hạn thời gian sử dụng, chặn truy cập vào các ứng dụng không phù hợp và theo dõi hoạt động của con. 

Giáo dục về an toàn: 

Dạy con cách xác định nội dung không phù hợp và cách phản ứng khi gặp tình huống không an toàn trực tuyến. Hãy khuyến khích con báo cáo cho bạn nếu gặp bất kỳ nội dung đáng ngờ nào. 

Bảo vệ dữ liệu cá nhân: 

Hãy dạy con cách bảo vệ thông tin cá nhân, không nên chia sẻ tên, địa chỉ, số điện thoại hoặc bất kỳ thông tin cá nhân nào trên mạng. 

Kiểm tra ứng dụng và trò chơi: 

Trước khi cho con tải ứng dụng hoặc trò chơi, hãy kiểm tra xem chúng có phù hợp với độ tuổi của con hay không, đảm bảo rằng chúng không chứa quảng cáo không phù hợp hoặc nội dung bạo lực. 

Duyệt web an toàn: 

Hãy cài đặt trình duyệt an toàn cho điện thoại của con. Điều này giúp ngăn chặn truy cập vào các trang web không an toàn. 


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc/bo-me-giao-dien-thoai-cho-con-bi-miet-thi-luoi-nhac-lam-hu-tre-20240219081214082.htm

  • Từ khóa