Lo thất nghiệp, sinh viên năm cuối "làm ngày cày đêm"

Chủ nhật, 17.03.2024 | 15:07:51
515 lượt xem

Trong bối cảnh cắt giảm nhân sự hàng loạt tại các công ty, nhiều sinh viên năm cuối phải tranh thủ "làm ngày cày đêm" để tránh tình trạng thất nghiệp sau khi ra trường.

Theo báo cáo về tiền lương và thị trường lao động được Navigos Group công bố, năm 2023, tình hình lao động tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn và nhiều công ty, doanh nghiệp chọn cắt giảm nhân sự để ứng phó với giai đoạn đầy thách thức này.

Cụ thể, có đến 82% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết bị ảnh hưởng, hơn 69% doanh nghiệp chọn cắt giảm nhân sự; gần 53% doanh nghiệp tạm ngừng tuyển dụng mới. 

Cắt giảm nhân sự tạo ra thị trường lao động có mức cạnh tranh cao giữa các lao động có kinh nghiệm. Điều này dẫn đến cơ hội việc làm cho sinh viên mới ra trường bị thu hẹp. Để không bị cuốn vào vòng xoáy thất nghiệp, nhiều sinh viên năm cuối tranh thủ "làm ngày cày đêm" mong có việc làm sau tốt nghiệp.

Lo thất nghiệp, sinh viên năm cuối làm ngày cày đêm - 1

Sinh viên năm cuối tranh thủ "làm ngày cày đêm" mong ngồi có được việc làm như kỳ vọng sau tốt nghiệp (Ảnh minh họa: Forbes).

Chọn làm "cú đêm" mong có kết quả tốt

Thường vào tháng 6 hoặc tháng 9 hàng năm, sinh viên sẽ tốt nghiệp đánh dấu kết thúc chặng đường 4 năm đèn sách. Vậy là chỉ còn vài tháng nữa, sinh viên chính thức bước chân vào thị trường lao động. Mong ra trường đúng tiến độ với tấm bằng như mong muốn mà vẫn tích lũy kinh nghiệm làm việc, nhiều sinh viên chọn làm "cú đêm" để có thể vừa học vừa làm.

Em Nguyễn Thị Mai Hương, sinh viên ngành Công tác xã hội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết năm cuối lịch học và làm khóa luận khá dày, cùng với việc cố gắng đi làm thêm tích lũy kinh nghiệm khiến em thường xuyên phải thức khuya.

"Chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp nên em khá lo lắng. Em tận dụng mọi thời gian học tập và làm việc. Thường em sẽ tới trường vào buổi sáng, buổi chiều đi làm thêm và tối thì tranh thủ làm khóa luận. Đôi lúc em ước một ngày có nhiều hơn 24 tiếng để có thể hoàn thành tất cả các việc", Hương chia sẻ.

Còn Mai Anh Dũng, sinh viên ngành Kiểm toán, Học viện Tài chính, chia sẻ lo lắng không tìm được việc làm sau khi ra trường, đầu năm học, em đã xin đi làm thêm tại một công ty.

"Thời gian này là giai đoạn áp lực nhất của em khi vừa đi làm, vừa lo học để chuẩn bị cho kì thi chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Em học hệ chất lượng cao, nên yêu cầu chuẩn đầu ra khá cao.

Nhà trường yêu cầu sinh viên có chứng chỉ ngoại ngữ bậc 4, tương đương IELTS 5.5 hay TOEFL iBT 60 mới được xét tốt nghiệp. Thường chứng chỉ ngoại ngữ chỉ có thời hạn trong vòng 2 năm nên em để tới năm cuối mới thực sự bắt tay vào ôn thi.

Do khối lượng công việc khá nhiều, em đăng ký học thêm tiếng Anh ở trung tâm vào buổi tối. Học xong ở trung tâm là khoảng 21h, em về nhà ăn tối và tiếp tục học bài. Có những hôm em phải thức đến 2h sáng mới làm xong bài tập", Anh Dũng tâm sự.

Lo thất nghiệp, sinh viên năm cuối làm ngày cày đêm - 2

Ngoài kiến thức, thực hành trên lớp, sinh viên cần trau dồi thêm kiến thức thực tiễn bên ngoài (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Lên kế hoạch học tập, tích lũy kinh nghiệm từ sớm

Chia sẻ về bí quyết lên kế hoạch học tập, tích lũy kinh nghiệm giúp sinh viên giảm bớt áp lực, "nhàn tênh" khi bước vào giai đoạn nước rút trước khi ra trường, Nguyễn Phương Linh (26 tuổi, đang làm truyền thông nội bộ tại một tập đoàn công nghiệp, viễn thông) chia sẻ, ngay từ năm nhất, sinh viên có thể bắt đầu học những kỹ năng phục vụ cho công việc sau tốt nghiệp.

"Việc chọn lựa học thêm kỹ năng nào phụ thuộc vào sở thích và năng khiếu của các bạn. Nếu chưa rõ bản thân thích hay giỏi điều gì, các bạn hoàn toàn có thể thử, học thử, làm thử. 

Đến năm 2, năm 3, các bạn có thể bắt đầu làm những công việc để trau dồi kỹ năng và kiến thức đã học. Đó có thể là từ những công việc làm thêm bên ngoài hay những hoạt động ở các CLB trong trường. Ở đâu cũng được, miễn là được sử dụng những kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp mà bạn đang học", Phương Linh gợi ý.

Ngoài kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm, sinh viên nên trau dồi khả năng ngoại ngữ từ sớm. Hiện nay, ngoại ngữ trở thành công cụ sắc bén giúp sinh viên mở rộng kiến thức, cạnh tranh, tìm kiếm cơ hội việc làm.

"Các bạn sinh viên nên nâng cao trình độ ngoại ngữ ngay khi học năm nhất, năm 2. Điều này, không chỉ giúp các bạn có nguồn tài liệu học tập phong phú mà còn tránh áp lực vào năm cuối.

Các bạn thể tự học tiếng Anh hoặc lựa chọn trung tâm uy tín để học thêm, đến năm 3 đăng ký thi và đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ là vừa vặn", Phương Linh chia sẻ.

Còn TS Nguyễn Thị Thúy Mai, giảng viên ngành Công tác xã hội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết năm cuối là khoảng thời gian sinh viên đối diện nhiều âu lo, áp lực khi vừa đi học vừa làm thêm tích lũy kinh nghiệm. Để không bị quá tải, các em cần lên kế hoạch học tập và làm việc phù hợp.

Với mỗi môn học, sinh viên có thể chia nhỏ thời gian để vừa tự học vừa thực hành hiệu quả. Bên cạnh đó, xác định công việc làm thêm chiếm bao nhiêu thời gian từ đó cân đối phù hợp.

"Việc sắp xếp thời gian học tập và làm thêm tích lũy kinh nghiệm sẽ tùy vào khả năng của từng sinh viên. Nhiều sinh viên có thể quan tâm và làm nhiều việc cùng một lúc nhưng cũng có em chỉ quan tâm được một việc, bởi vậy các em cần xác định được nhiệm vụ ưu tiên trong từng giai đoạn.

Ví dụ, trước kỳ thi chuẩn đầu ra hoặc khóa luận, thực tập sinh viên cần có kế hoạch chi tiết, phân chia thời gian phù hợp để cân đối giữa các việc. Trong đó, xác định việc ưu tiên và dành nhiều thời gian hơn để hoàn thành trước. Tránh tình trạng vừa lỡ việc học vừa phải làm các công việc không đáp ứng được năng lực, nguyện vọng và nhu cầu bản thân", TS Nguyễn Thị Thúy Mai khuyên.

Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền này chia sẻ thêm, để tránh áp lực chồng áp lực, ngay từ năm nhất, sinh viên phải tìm hiểu chuyên ngành mình học có những kiến thức quan trọng nào và xác định sau tốt nghiệp sẽ làm công việc gì để có hướng đi đúng đắn.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, sinh viên nên có thái độ cầu thị trong quá trình học tập. Ngoài kiến thức, thực hành trên lớp, sinh viên cần trau dồi thêm kiến thức thực tiễn bên ngoài. Đặc biệt, tìm các công việc gần với chuyên môn của mình.

Ví dụ, với ngành công tác xã hội, sinh viên có thể tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng, làm thực tập sinh tại các phòng công tác xã hội, phòng tham vấn tại các bệnh viện, trường học.....

Có như vậy, khi ra trường sinh viên mới có thể trang bị tốt các kiến thức, kỹ năng để thích ứng với thị trường việc làm, xua tan được nỗi lo thất nghiệp.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc/lo-that-nghiep-sinh-vien-nam-cuoi-lam-ngay-cay-dem-20240317120612254.htm

  • Từ khóa