Theo ý kiến của chuyên gia giáo dục, việc thí sinh tham gia vào xét tuyển sớm không có nghĩa các em chắc suất giành được tấm vé vào đại học.
Trúng tuyển nhưng… chưa đỗ
Tại buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp mới đây, nhiều phụ huynh và thí sinh vẫn băn khoăn về việc xét tuyển đại học. Một thí sinh đặt câu hỏi, có phải nguyện vọng 1 sẽ dành cho các ngành xét tuyển sớm?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho hay, trên hệ thống của Bộ GD&ĐT thí sinh chỉ cần quan tâm tới một nguyên tắc: ngành nào thích nhất đặt lên trước.
Trường hợp các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm nhưng không phải ngành thích nhất, thí sinh có thể xếp sau. Nếu các ngành thí sinh thích không đủ điều kiện trúng tuyển, hệ thống sẽ vẫn xét đến ngành các em đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm (theo quy định của các trường).
Thí sinh tìm hiểu phương thức xét tuyển của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (Ảnh: Quốc Huy).
Việc xét tuyển sớm phụ thuộc các trường đại học. Tuy nhiên theo quy định của Bộ GD&ĐT, các thí sinh sau khi đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm của các trường, vẫn phải đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT và nộp lệ phí xét tuyển tương ứng với số nguyện vọng đã đăng ký mới hợp lệ.
Hệ thống sẽ chỉ xác nhận thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất. Vì thế trên hệ thống này, thí sinh cần sắp xếp thứ tự đặt nguyện vọng mình yêu thích lên trên. Thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp.
"Thí sinh lưu ý, được công bố đủ điều kiện trúng tuyển sớm thì thí sinh vẫn chưa thực sự trúng tuyển.
Thí sinh cần phải đăng ký các nguyện vọng trúng tuyển sớm này lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT trong thời gian đăng ký xét tuyển. Nếu bỏ sót bước này, kết quả trúng tuyển sớm của các thí sinh sẽ không có hiệu lực.
Ngoài ra, các nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển cần được sắp xếp theo thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng đầu tiên là nguyện vọng có ưu tiên cao nhất", PGS Thủy nói.
Sắp xếp nguyện vọng tránh trượt oan
Xét tuyển sớm là thí sinh tham gia xét tuyển đại học bằng các phương thức như học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, chứng chỉ ngoại ngữ, các hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng không bao gồm phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh xét tuyển theo các phương thức này sẽ nộp hồ sơ sớm theo quy định của từng trường và trường cũng có quyền công bố xét tuyển sớm nhưng kết quả chỉ là tạm thời, có điều kiện. Kết quả chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh nhận tư vấn tuyển sinh từ Trường Đại học Thăng Long (Ảnh: Mỹ Hà).
Hiện có hơn 100 trường đại học công bố thông tin tuyển sinh năm 2024 với thông báo thời gian và điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển sớm, trong đó có nhiều trường đại học lớn như: Trường Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội...
Trong buổi tư vấn nghề nghiệp cho học sinh THPT mới đây tại Hà Nội, TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chia sẻ, quy trình, phương thức, hình thức xét tuyển đại học năm 2024 cơ bản giữ ổn định như năm 2023 theo quy chế hiện hành.
Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các trường xây dựng quy chế tuyển sinh và đề án tuyển sinh cụ thể, công bố các phương thức tuyển sinh, các thời hạn và quy trình cần thiết trong quá trình tuyển sinh…, trên trang thông tin điện tử của mình.
Có trường tuyển sinh theo điểm thi tốt nghiệp THPT, có trường xét tuyển học bạ, có trường tổ chức kỳ thi riêng hoặc điểm thi đánh giá năng lực của trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội…
Do vậy, một lưu ý cho thí sinh là cần nghiên cứu kỹ quy chế tuyển sinh, đề án tuyển sinh ở những trường mình đang tìm hiểu để nắm rõ các quy định.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Phạm Như Nghệ cũng lưu ý, bên cạnh việc chọn trường, chọn ngành theo sở thích, thí sinh cần theo dõi điểm chuẩn của từng ngành, từng trường những năm trước để có sự lựa chọn phù hợp.
Việc một thí sinh nộp hồ sơ bằng các phương thức xét tuyển sớm vào nhiều trường và cùng nhận được nhiều thông báo đủ điều kiện trúng tuyển là rất phổ biến nhưng thí sinh chỉ được trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất.
Do đó, trong quá trình đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung, thí sinh cần sắp xếp các nguyện vọng xét tuyển hợp lý và thông minh theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp để đảm bảo cơ hội trúng tuyển vào đúng ngành, đúng trường mong muốn.
Theo dantri.com.vn